Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Vĩnh Long vượt khó đạt chuẩn

Cập nhật, 08:10, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

 

Mục tiêu của đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.Ảnh: VINH HIỂN
Mục tiêu của đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.Ảnh: VINH HIỂN

Thực hiện đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trong vô vàn khó khăn từ thiếu phòng học, thiếu giáo viên, đồ dùng dạy học, tỷ lệ trẻ huy động.

Vượt qua khó khăn, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành đề án này vào tháng 8/2016. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn khó, bởi câu chuyện giữ chuẩn và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non còn lắm bộn bề

Vượt khó đạt chuẩn

Để hoàn thành đề án phổ cập giáo dục mầm non, các địa phương phải hoàn thành các tiêu chí như: mỗi xã- phường đều có trường mầm non công lập, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào lớp và học 2 buổi/ngày, số giáo viên mầm non,…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Ninh cho biết: “Mục tiêu của đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là huy động trẻ đến lớp 2 buổi/ngày để giáo dục các cháu phát triển tốt về sức khỏe, đạo đức, tình cảm xã hội.

Đó là tiền đề cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai”. Vĩnh Long là tỉnh thứ 58/63 tỉnh- thành trên cả nước được kiểm tra và công nhận đạt chuẩn. Theo ông, tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành đề án này.

Vũng Liêm là huyện gặp nhiều khó khăn nhất của tỉnh. Huyện có 20 xã- thị trấn và mỗi trường đều có điểm lẻ, trường nhiều nhất có đến 6 điểm lẻ. Chỉ tính riêng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày, năm học 2011- 2012 là 10,7%, đến năm học 2015- 2016 tỷ lệ này đã đạt 97,8%.

Bà Nguyễn Thị Kha- Trưởng Phòng GD- ĐT cho biết: “Vũng Liêm xây chuẩn trong nhiều khó khăn, từ thiếu phòng học, thiếu giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ, trang thiết bị. Để hoàn thành đề án, huyện đã đầu tư hơn 82 tỷ đồng cho cơ sở vật chất và tuyển mới 100 giáo viên”.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây mới hơn 349 phòng học, tuyển thêm hơn 500 giáo viên. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Nhu cầu kinh phí để thực hiện đề án lớn nhưng kinh phí địa phương không đáp ứng được, việc đầu tư của các huyện cũng không đồng đều.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ xây dựng đề án này là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan và rất cần sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cả hệ thống chính trị”.

Giữ chuẩn và nâng chất lượng giáo dục

Dù đã hoàn thành đề án nhưng con đường trước mắt của tỉnh Vĩnh Long để giữ chuẩn, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn còn nhiều khó khăn.

Trường Mẫu giáo Hiếu Thuận (Vũng Liêm) là đơn vị khó khăn nhất của huyện và đây là 1 trong 2 đơn vị của tỉnh chưa hoàn thành đề án này trong năm nay.

Cô Trần Thị Kim Chi- Hiệu trưởng trường cho biết: “Do thiếu phòng học nên hiện trường mới huy động được 70% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Đồng thời, trường chúng tôi vẫn còn lớp học ghép và trong tương lai vẫn còn phải học ghép”.

Giờ ăn của trẻ. Ảnh: CAO HUYỀN
Giờ ăn của trẻ. Ảnh: CAO HUYỀN

Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non cũng chưa đáp ứng được nhu cầu: toàn tỉnh còn thiếu 92 phòng học.

Hiện vẫn còn 17 phòng học tạm thời và 66 phòng học mượn của trường tiểu học và 7 lớp 5 tuổi chưa được học 2 buổi/ngày vì thiếu phòng. Nhiều lãnh đạo trường lo lắng những năm sắp tới sẽ còn thiếu phòng học hơn nữa, do số lượng trẻ 3 và 4 tuổi đông.

Đồ chơi ngoài trời còn hạn chế- nhất là những điểm lẻ. Mới có 203/390 sân chơi có 5 thiết bị đồ chơi trở lên. Một số phòng học mượn thì chưa có nhà vệ sinh riêng. Ngoài ra, còn thiếu 70 phòng y tế, 54 bếp ăn. Tỷ lệ 1,7 giáo viên/lớp là chưa đáp ứng với mục tiêu 2,2 giáo viên/ lớp.

Một điều khiến đoàn kiểm tra của Bộ GD- ĐT lưu ý là lớp ghép và phòng học xây không đúng quy định. Ông Nguyễn Bá Ninh sau khi đi kiểm tra công tác phổ cập ở Vĩnh Long cho rằng: Khi xây dựng phòng học, địa phương cần đáp ứng chuẩn quy định, bởi phòng học nhỏ, không đồng bộ làm thiệt thòi cho các cháu.

Đồng thời ông cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ, nhất là trẻ học 2 buổi/ngày; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho trẻ theo quy định; thực hiện lộ trình bổ sung cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Để nâng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, thời gian tới, Vĩnh Long cần tiếp tục phấn đấu và có lộ trình lâu dài, toàn diện.

Để thực hiện được điều này, không chỉ có ngành giáo dục mà đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, chính quyền và mọi người dân. Hướng đến phổ cập giáo dục mầm non không chỉ dừng lại ở trẻ 5 tuổi mà còn tiến xa đến 4 tuổi, 3 tuổi.

 

Ông Nguyễn Bá Ninh cho biết: Để thực hiện đề án này, Trung ương đã đầu tư 14.600 tỷ đồng, ngoài ra còn sử dụng nguồn từ địa phương và xã hội hóa. Sau 5 năm thực hiện đề án, cả nước đã xây mới 40.000 phòng học, đội ngũ giáo viên phát triển hơn 110.000 người. Chế độ chính sách cho giáo viên mầm non được quan tâm thực hiện tốt hơn. Số trẻ mầm non đến lớp trong 5 năm qua tăng hơn 1 triệu trẻ.

  • ™CAO HUYỀN