Đẩy mạnh giáo dục chuyên nghiệp bằng kỹ năng nghề

Cập nhật, 05:25, Thứ Tư, 07/12/2016 (GMT+7)

Nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên (SV) là một trong những mục tiêu hướng đến của các trường ĐH, CĐ. Tăng kỹ năng qua nhiều giờ học thực hành là một trong những biện pháp giúp HS-SV “nói không với thất nghiệp”.

Tăng giờ học thực hành để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Tăng giờ học thực hành để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Năm học mới nhiều thách thức

Đối với các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long, năm học mới 2016- 2017 có nhiều thách thức hơn, bởi hết thời hạn xét tuyển (20/10 đối với hệ ĐH và 15/11 cho hệ CĐ) mà chưa có trường nào tuyển được 100% chỉ tiêu. Bài toán tuyển sinh khiến các trường phải đau đầu- nhất là ở hệ CĐ khi số thí sinh nhập học xấp xỉ 50% chỉ tiêu.

Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có mùa tuyển sinh khó khăn, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Liễu cho rằng: “Nguyên nhân khách quan là các trường CĐ đều khó tuyển sinh và khối ngành kinh tế lại càng khó tuyển”.

Trường này có 69 giảng viên, trong đó có 2 tiến sĩ, 30 thạc sĩ (7 nghiên cứu sinh), 16 đang học cao học, đội ngũ này đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo.

Trong khi đó, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long lại gặp khó khăn về đội ngũ vì “môn thừa, môn thiếu”. Trình độ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục nghề nghiệp và yêu cầu về chương trình phát triển ngành sư phạm giai đoạn 2011- 2020.

Trường có 49 giảng viên trực tiếp đứng lớp thì trong đó có 17 thạc sĩ (trong đó có 2 nghiên cứu sinh) và 8 người đang đi học cao học, tỷ lệ gần 35%.

Bài toán về tuyển sinh không chỉ khiến các trường CĐ mà ĐH cũng đau đầu. Năm học 2015- 2016, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tuyển sinh đạt gần 80% chỉ tiêu thì năm học 2016- 2017, trường này vẫn không vượt qua được con số đó. Trong khi, đội ngũ cán bộ giảng viên có chuyên môn khá cao với hơn 98% có trình độ sau ĐH.

Trường ĐH Cửu Long càng gặp khó khăn bởi là trường tư thục phải tự chủ về kinh phí. ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Nhân lực trường chúng tôi đáp ứng đủ cho 8.000 SV mà nay thì số SV còn khoảng 3.000”.

Dù các trường đều khó khăn trong tuyển sinh nhưng đây là một cuộc “chạy đua đường dài” về uy tín và chất lượng. Để tồn tại và phát triển, các trường phải có một lộ trình lâu dài và chất lượng SV đầu ra chính là thương hiệu của cơ sở giáo dục.

Đẩy mạnh kỹ năng nghề

Nâng cao kỹ năng nghề để SV khi ra trường đáp ứng nhu cầu công việc là mục tiêu hướng đến của các trường hiện nay, nhất là khi hệ CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long xây dựng lại các môn học theo hướng tăng thực hành nghiệp vụ. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu cho biết: “Năm học qua, chúng tôi đã biên soạn 15 tài liệu các học phần theo hướng thực hành, xây dựng chỉnh sửa 35 đề cương”.

Ngoài ra, trường còn kết nối với doanh nghiệp và trung tâm giới thiệu việc làm. Hiện tại, trường có quan hệ với 32 doanh nghiệp để tổ chức các chương trình rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm doanh nghiệp, hỗ trợ tìm việc.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sắp tới, trường chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ hơn với Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long để xây dựng chương trình đào tạo.

Mục tiêu là sau khi tốt nghiệp, SV của Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có thể học liên thông lên ĐH ở Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh mà không phải qua thi tuyển”.

Bước tiếp chặng đường phía trước, PGS.TS. Cao Hùng Phi cho rằng: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đứng trước thách thức khẳng định chất lượng đào tạo trong giai đoạn đất nước đang phát triển hội nhập khu vực và quốc tế.

Và, một trong những điểm mạnh của SV trường là được đào tạo kỹ năng nghề từ năm học đầu tiên. Ông Cao Hùng Phi nhấn mạnh: “SV kỹ thuật của trường phải vượt qua sát hạch kỹ năng nghề quốc gia 3/5 thì mới được ra trường”.

Để tồn tại và phát triển, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long ngoài đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ còn đặc biệt quan tâm liên kết với các trường để phát triển.

Chỉ tính riêng năm học 2015- 2016, trường đã liên kết với ĐH Đồng Tháp, ĐH Trà Vinh, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Hà Nội. Qua đó, trường đã phối hợp mở 7 lớp với 319 SV.

“Học phải đi đôi với hành” và thực tế đã chứng minh những SV vững kỹ năng tay nghề thì có khả năng “nói không với thất nghiệp”. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh giờ học thực hành với các trường cũng gặp không ít khó khăn bởi sự thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Thiết nghĩ, để SV vừa được thực hành vừa có cơ sở vật chất hiện đại nhà trường cần bắt tay với doanh nghiệp để SV được thực hành tại đây.

Ông Mai Quốc Việt- Trưởng Phòng Tuyển sinh- Tư vấn hướng nghiệp thuộc Trường ĐH Cửu Long

Để đào tạo kỹ năng mềm cho SV, chúng tôi mời doanh nghiệp sinh hoạt chuyên đề cho SV định kỳ như Tôn Hoa Sen, Mobifone,… Phòng Tuyển sinh- Tư vấn hướng nghiệp cũng xây dựng chương trình và chúng tôi muốn đưa việc đào tạo kỹ năng mềm cho SV thành môn học.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN