Đừng để những bất cập ảnh hưởng đến thí sinh

Cập nhật, 14:12, Thứ Tư, 21/12/2016 (GMT+7)

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế Tuyển sinh đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ) nhóm ngành sư phạm năm 2017 (gọi tắt là Quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ), rất nhiều ý kiến được đóng góp phân tích, gửi đến bộ.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay nhiều trường băn khoăn là Bộ GD-ĐT khi có những thay đổi và điều chỉnh phải đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời để thí sinh (TS) không bỡ ngỡ và hạn chế được những bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của TS.

Năm 2017 thí sinh được đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ khi làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia
Năm 2017 thí sinh được đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ khi làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia



Nhiều điều chỉnh

Có thể thấy, dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT có nhiều điều mới so với Quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016.

Điểm mới đầu tiên thu hút nhiều sự quan tâm của TS lẫn các trường ĐH, CĐ đó là ở mục b, điểm 1, điều 12: TS được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định (theo phương thức trực tuyến). 

Xuyên suốt trong dự thảo, ở điều 12 quy định về tổ chức xét tuyển, Bộ GD-ĐT bỏ nội dung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) như những năm trước. Điều kiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra là phải tốt nghiệp THPT. Những điều kiện, tiêu chí xét tuyển còn lại TS phải đảm bảo theo yêu cầu tuyển sinh của từng trường. 

Về thời hạn xét tuyển, dù Bộ GD-ĐT chưa đưa ra thời gian cụ thể nhưng có nhiều điểm thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho TS hơn. Dự thảo quy định công tác xét tuyển của các trường được tổ chức thành đợt 1 và các đợt bổ sung, các trường được tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm. Trong đợt 1, TS nộp phiếu ĐKXT cùng hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số TS trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau đợt 1, hội đồng tuyển sinh trường quyết định có xét tuyển bổ sung hay không. Nếu như năm 2016, điểm xét tuyển  bổ sung có thể thấp hơn điểm xét tuyển đợt 1 thì năm nay Bộ GD-ĐT quy định điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. TS chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung (trong khi đó năm 2016 TS đã trúng tuyển vào trường này không thể đăng ký xét tuyển vào trường khác).

Giải pháp kỹ thuật phải đảm bảo

Đánh giá về dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, nhiều trường cho rằng, Bộ GD-ĐT đã tạo nhiều điều kiện cho TS cũng như giao tự chủ nhiều hơn cho các trường. Song vấn đề nhiều trường quan tâm vẫn là ở giải pháp kỹ thuật. 

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết, trường có đặc thù riêng là tuyển sinh ĐH và hệ CĐ sư phạm nên dự thảo cơ bản không có gì thay đổi nhiều so với quy chế tuyển sinh 2 năm qua. “Điểm mới đó là TS được đăng ký và thay đổi nguyện vọng tôi thấy cũng hợp lý vì tạo nhiều cơ hội cho TS. Về điểm này, tôi chỉ hơi băn khoăn là ở giải pháp kỹ thuật phải làm sao đảm bảo sự thông suốt để tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạng, rắc rối như năm 2015” - TS Mỵ Giang Sơn giãi bày.

Vấn đề bỏ điểm sàn thực tế, nghe là mới nhưng rõ ràng từ khi tổ chức thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ thì điểm sàn thực chất là tốt nghiệp THPT. TS tốt nghiệp THPT là đã đủ điều kiện tối thiểu để xét ĐH-CĐ. Còn việc trường này, trường kia có chấp nhận tuyển cho đủ chỉ tiêu với những ngành khó tuyển  với chuẩn là tốt nghiệp THPT là quyền của họ. Thực tế cho thấy, 2 năm vừa qua rất nhiều trường ĐH dù có tuyển bằng điểm sàn vẫn không có TS đăng ký.

TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Nhìn chung dự thảo của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm mới như: cho TS đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều trường và được thay đổi nguyện vọng, bỏ điểm sàn, đăng ký nguyện vọng khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2017… Có nhiều ý kiến đa chiều về những quy định mới của dự thảo, song vấn đề tôi quan tâm là phải đảm bảo quyền lợi của TS và đừng để vì những bất cập này hay hạn chế nọ dẫn đến TS bị thiệt. Một kỳ thi với 2 mục tiêu và đặc biệt năm nay giao toàn bộ cho Sở GD-ĐT tổ chức thì vấn đề tối ưu phải là đề thi và tổ chức thi phải đảm bảo sự khách quan và công bằng”.

Theo TS Nguyễn Kim Quang, trong khâu xét tuyển, Bộ GD-ĐT phải đảm bảo giải pháp kỹ thuật sao cho thông suốt để tránh những bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của TS như những năm qua.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Bộ GD-ĐT phải sớm công bố Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 để các trường xây dựng và công bố phương án xét tuyển để thí sinh nắm rõ khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất là Bộ GD-ĐT phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật để cho quá trình xét tuyển được thuận lợi nhằm tránh lộn xộn như những năm trước gây ảnh hưởng lớn đến TS.

ĐH Quốc gia TPHCM thí điểm thi đánh giá năng lực

Chiều 20/12, Đại học Quốc gia TPHCM họp và đề xuất phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017.

Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM quyết định điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM là tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên đối với các ngành ĐH và 6,0 đối với các ngành CĐ.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của ĐH Quốc gia TPHCM là hơn 13.000 chỉ tiêu. ĐH này dành 5% tổng chỉ tiêu xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: dự kiến trong năm 2017, ĐH Quốc gia sẽ tổ chức thi bài thi đánh gia năng lực tại một số trường thành viên với chỉ tiêu khoảng 20% của từng ngành.

Theo THANH HÙNG