Cần có sự gắn kết chặt chẽ của toàn xã hội

Cập nhật, 10:03, Thứ Tư, 30/11/2016 (GMT+7)

 

Tăng cường giáo dục HS-SV bằng các hoạt động xã hội hữu ích.
Tăng cường giáo dục HS-SV bằng các hoạt động xã hội hữu ích.

Để chuẩn bị cho hành trang vào đời, các học sinh- sinh viên (HS- SV) không chỉ mang theo vốn kiến thức được học mà phải là người có đạo đức tốt, hay nói đúng hơn “trước khi thành tài thì phải thành nhân”.

Do đó, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho HS- SV không phải là việc làm của một cá nhân, tổ chức nào mà còn là sự chung tay gắn kết chặt chẽ của toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn phát triển ngày nay…

Thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh

Trong môi trường học tập, HS có nhiều điều kiện để phát triển tư chất, đạo đức, chính trị tư tưởng, các em chăm ngoan, lễ phép, vâng lời thầy cô, cha mẹ, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, xã hội,…

Tuy nhiên, theo thầy Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT, hiện nay một bộ phận HS còn thiếu chủ động, mạnh dạn trong giao tiếp; khả năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân còn yếu,… Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình và nhà trường chưa chú ý đúng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Bên cạnh đó, theo thầy Phạm Văn Hồng, một số HS có hành vi gây gổ đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè; vô lễ với thầy cô; không trung thực trong kiểm tra, vi phạm nội quy nhà trường; sống thực dụng, lười biếng, ỷ lại; thiếu trách nhiệm với gia đình.

Đặc biệt là tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm... Nguyên nhân được đánh giá liên quan đến góc độ kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình.

“Hiện nay, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong trường học được thực hiện qua nhiều con đường. Có 90,31% giáo dục qua môn Giáo dục công dân, 80,22% qua các môn học khác, 55,97% thông qua các kênh thông tin,…

Tuy nhiên, hạn chế là công tác giáo dục đạo đức, lối sống qua các giờ học, môn học chưa được giáo viên quan tâm đúng mức, chưa có nội dung cụ thể cho từng lứa tuổi hoặc quá tải kiến thức, hình thức xử lý vi phạm chưa thật sự hiệu quả, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ,… đã làm cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS còn gặp nhiều khó khăn”- thầy Phạm Văn Hồng cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- nhận xét: Mạng Internet ngoài các công dụng tích cực, còn là “con dao 2 lưỡi”, rất độc hại và nguy hiểm, nó đi vào tận bàn học, tận buồng ngủ của từng HS. Nếu không có sự quản lý, định hướng thì rất ảnh hưởng không tốt đến thế hệ tương lai.

Đánh giá HS lứa tuổi trung học rất dễ đi chệch hướng với các giá trị đạo đức, lối sống, giáo viên Lê Thị Minh Mẫn- Trường THCS Lê Quý Đôn cho rằng, HS THCS là lứa tuổi nhạy cảm có nhiều biến động mạnh về tâm lý, chịu nhiều tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các em.

Do đó, tình trạng một bộ phận HS yếu kém về mặt đạo đức ảnh hưởng đến việc học tập, ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội đã làm cho cha mẹ, những người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ nhiều hơn…

Vai trò của sự gắn kết, quản lý

Thầy Phạm Văn Hồng đặt sự liên kết giữa nhà trường, địa phương và gia đình HS đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV.

Thầy kiến nghị, nhà trường cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa cho HS, cán bộ, nhà giáo; đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức lối sống cho HS cả ở chính khóa và ngoại khóa; làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho HS;…

Chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, quản lý giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn.

Riêng gia đình HS, cần có sự phối hợp chặt chẽ, phải là tấm gương sáng, điểm tựa vững chắc cho các em noi theo. Đặc biệt là luôn quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời, không phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội.

Ông Trương Quang Phú- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cũng nhấn mạnh: Gia đình, ở đó ông bà, cha mẹ và các con cùng chung sống với nhau, nơi đó tràn đầy niềm yêu thương và hạnh phúc, là nơi sinh ra và dạy dỗ con cái nên người, là nơi hình thành nhân cách ban đầu, sơ khai nhất.

Do đó, ông bà, cha mẹ phải làm gương sáng cho các cháu học tập và làm theo. Ông bà, cha mẹ mẫu mực thì con cháu mới ngoan hiền, hiếu thảo, chăm ngoan, học giỏi.

Trong khi đó, cô Lê Thị Minh Mẫn góp ý: Cần tổ chức có hiệu quả các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Thông qua các tiết học này, giáo viên tạo cơ hội cho HS được nói, được trình bày trước lớp, HS được trình bày ý kiến quan điểm của bản thân về gia đình, bạn bè. Từ đó, giáo viên có thể hiểu được tâm sinh lý của HS để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Đứng dưới gốc độ tổ chức Đoàn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ- Nguyễn Ngọc Phong cho rằng: Tổ chức Đoàn phải luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc phối hợp và tham mưu các ngành các cấp triển khai thực hiện giáo dục.

“Làm cho HS-SV nhận thức đúng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”. Tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của HS-SV mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, thanh niên tình nguyện...

 

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu, để phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn xã hội thực hiện tốt mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho HS- SV, cần phải có sự kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách đầu tiên của các em nên ông bà cha mẹ phải nêu gương, giáo dục con cháu. Bên cạnh việc chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức HS-SV từ các chương trình chính thức, ngoại khóa thì thầy cô phải là tấm gương thiết thực, sinh động để các em noi theo. Cần thiết phải làm tốt công tác quản lý xã hội, tạo môi trường tốt đẹp, lành mạnh cho HS-SV học tập, cống hiến.

 

 

  • ™Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CẨM HUỆ