Nhiều nụ cười "tỏa nắng" ở Vĩnh Long

Cập nhật, 08:54, Thứ Ba, 05/07/2016 (GMT+7)

 

Nhiều nụ cười tỏa nắng ở ngày thi cuối.
Nhiều nụ cười tỏa nắng ở ngày thi cuối.

Nụ cười “tỏa nắng” sau kỳ thi THPT quốc gia 2016 không chỉ dành cho thí sinh, phụ huynh mà còn cho lãnh đạo tỉnh, chủ tịch hội đồng thi những người liên quan đến kỳ thi. Mùa thi, Vĩnh Long đẹp hơn, vui hơn bởi tình người. Sức mạnh đoàn kết đã giúp kỳ thi ở đây thành công tốt đẹp dù mới lần đầu tổ chức.

Sướng như… đi thi

Xôn xao ở trước cổng điểm thi chờ thí sinh, nhiều giáo viên vui vẻ cho rằng “học sinh bây giờ đi thi sướng quá”. Sướng vì các em được nhẹ nhàng thi “2 trong 1”, 1 lần thi cho cả 2 mục đích quan trọng của cuộc đời.

Sướng vì thi xong mới chọn khối, chọn ngành và chọn trường xét tuyển thay vì đăng ký ngay từ đầu như những năm trước đây. Một giáo viên Trường THCS- THPT Phú Quới vui vẻ: “Trường tôi có một thí sinh giỏi đều thi hết 8 môn, nghe nói 7 môn làm tốt”.

Cái sung sướng nữa là lịch thi năm nay thay đổi quá hợp lý: 3 môn thi đầu là 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ rồi đến các môn tự chọn, thí sinh Vĩnh Long có thể đi đi về về không cần ở trọ.

Chú Nguyễn Văn Nam đang chờ con trai cho biết: “Tôi ở xã Ngãi Tứ (Tam Bình), sáng 5 giờ rưỡi chở con lên thi, trưa về ngày mai lên thi tiếp”. Con trai chú Nam định xét tuyển khối C nên ngoài 3 môn chính em thi thêm Lịch sử và Địa lý, đến sáng thứ 2 thì hoàn thành. Chú Nam nói thêm: “Được thi ở tỉnh nhà, tui mừng lắm. Dù đi Cần Thơ không xa lắm nhưng tâm lý mà, tỉnh nhà vẫn ổn hơn”.

Song song đó, công tác hỗ trợ tiếp sức mùa thi, các cấp, ban ngành, xã hội luôn dành cho thí sinh mọi điều tốt đẹp. Thí sinh nghèo, cận nghèo đi thi, được ăn uống miễn phí đã đành. Các thí sinh khác cũng được hỗ trợ cơm, nước uống, đưa rước hoàn toàn miễn phí. Từ 6.000 suất cơm miễn phí ban đầu tăng lên 7.000, rồi đến 8.000 và hàng ngàn suất cơm chay,...

Thí sinh ra về, cổng trường giờ không chỉ có phụ huynh mà còn có giáo viên đứng đợi. Và, thí sinh với nụ cười thật tươi khoe: “Con làm được cô ơi” hay “chắc cú đậu nha thầy” làm ấm lòng người.

Ráng làm hết bài mới… xỉu tiếp

Thầy Đặng Hoàng Dũng- Phó Trưởng điểm thi số 3, Trường THPT Vĩnh Long kể về chuyện ngất xỉu trong phòng thi môn Toán của em Nguyễn Như Phụng- học sinh Trường THPT Tân Lược (Bình Tân) như một tấm gương về ý chí.

Thầy Dũng cười: “Trước khi hết giờ 30 phút, thí sinh này đã xỉu rồi. Khi chúng tôi định đi cấp cứu thì em tỉnh dậy và đòi làm xong bài thi”. Đúng như thí sinh nói, lúc 10 giờ 27 phút, khi mới làm xong bài môn Toán thì em lại xỉu và được đưa ra xe cấp cứu đã chờ sẵn.

 

Đề thi hợp lòng người

Theo các giáo viên THPT, đề thi 2016 đánh giá được năng lực thí sinh. Đề hay vì không chỉ yêu cầu kiến thức mà còn cần kỹ năng thật tốt để có điểm cao khi làm bài.

Các môn tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học có khả năng phân loại thí sinh cao. Thầy Nguyễn Vĩnh Ca- giáo viên Toán Trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) cho rằng: “Đề giống cấu trúc năm 2015, đánh giá được năng lực học sinh”.

Môn xã hội ngọt ngào bởi đề thi rất ư hợp lòng người và đánh vào những vẫn đề tuổi trẻ. Nhưng thầy Trần Hoàng Phong- dạy Văn và là Hiệu phó Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- thì cho rằng: “Có cho đề Văn đem về trước một ngày, thí sinh trung bình cũng chỉ được 5 điểm”.

Thầy cho rằng đề Văn đề cao kỹ năng làm bài, hiểu bài của thí sinh. Em Đào Vũ Quốc Bình- học ở Trường THPT Vĩnh Long- cho biết mình không trúng tủ đề Văn nhưng “nghị luận xã hội rất rõ ràng, dễ hiểu nên em làm khá tốt”.

Câu chuyện tài nguyên ở ĐBSCL với câu hỏi “Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng?” là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm.

Câu hỏi này không chỉ nghiêng về kiến thức bài học mà còn ở khả năng tư duy và “hơn thua nhau ở chỗ tại sao này”- cô Đặng Thị Phương Tâm- giáo viên dạy Địa lý nói. Nghiên cứu tin tức là một chuyện, hiểu và lý giải vấn đề này lại là một chuyện khác.

Thí sinh Đặng Ngọc Mai- Trường THPT Võ Văn Kiệt- vui vẻ: “Chỉ có câu cuối là em không biết có tròn ý không, còn lại rất tốt, tự tin 8 điểm môn Địa lý”.

Tự tin sau giờ thi Địa lý.
Tự tin sau giờ thi Địa lý.

Trong khi đó, câu chuyện đoàn kết làm nóng các điểm thi bởi suy nghĩ thì không ai giống ai hoàn toàn.

“Làm gì để phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc?” là câu hỏi dường như không chỉ dành cho thí sinh mà còn dành cho tất cả mọi người Việt Nam. Thầy Huỳnh Quang Huy- giáo viên Trường THCS & THPT Hòa Ninh (Long Hồ) không giấu niềm vui: “Mong rằng kết quả thi Lịch sử năm nay sẽ kéo học sinh về với môn Lịch sử”.

Thầy Huy giải thích là đề thi hay, nhẹ nhàng, rất thời cuộc và phù hợp với tâm lý thí sinh. Thầy Huy và các bạn đang mong chờ một đáp án mở cho đề mở.

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời- Trưởng BCĐ kỳ thi THPT quốc gia 2016 ở Vĩnh Long cho rằng: Lần đầu tiên tỉnh tổ chức một kỳ thi lớn nên không tránh khỏi những khó khăn, lo lắng nhưng với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, bộ phận chuyên môn và cả người dân, Vĩnh Long đã tập trung tối đa cho một mùa thi thành công tốt đẹp.

Mùa thi thành công là nhờ sức mạnh đoàn kết, giống như câu hỏi cuối cùng môn Lịch sử về chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Hậu “xịt thuốc mướn” đi thi

Em Nguyễn Văn Hậu- học Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn), từ lớp 8 đã đi làm thuê phụ ngoại nuôi mẹ và dì bị câm điếc bẩm sinh. Ban đầu là kéo dây, khi học lớp 10, 11 thì Hậu xịt thuốc cam mướn những buổi không đi học.

 

“Có lần xịt thuốc cỏ cháy bị trúng thuốc, em về nóng mê man, phải nghỉ học một buổi”- Hậu kể. Năm Hậu học 12 thì bà ngoại mất, Hậu định nghỉ học để đi làm nhưng nhờ được trường vận động xã hội hóa cho tiền, gạo để em và gia đình ăn, học hết mấy tháng ôn thi. Hậu cười tươi: “Em đi thi lần này không có tốn tiền gì hết á”.

™Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY