Ngày thứ hai thi THPT quốc gia 2016

Thí sinh vi phạm tăng đột biến

Cập nhật, 07:39, Chủ Nhật, 03/07/2016 (GMT+7)

131 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo tổng hợp về ngày thi thứ hai, ngày 2/7 của Bộ GD-ĐT, môn Vật lý có 362.957 thí sinh (TS) dự thi, đạt tỷ lệ 98,70%; môn Ngữ văn có 839.165 TS dự thi, đạt tỷ lệ 99,60%.

Cả ngày 2/7, tổng số TS vi phạm kỷ luật là 136 TS (2 khiển trách, 3 cảnh cáo, 131 đình chỉ). Trong đó, riêng môn Ngữ văn có số TS bị đình chỉ thi tăng đột biến (89 TS).

Đề văn mang tính xã hội, nhân văn

Sáng 2/7, TS đã hoàn tất thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2016. Đây cũng là môn thi bắt buộc còn lại sau 2 môn Toán và Ngoại ngữ. Theo ghi nhận, nhiều TS khá hào hứng với câu hỏi nghị luận bàn về sự hèn nhát và dũng khí… “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Tại điểm thi ĐH Bách khoa Hà Nội, một số TS ra sớm cho biết đề văn không quá khó, tuy đề hơi dài nhưng đều là các tác phẩm hay: bài thơ “Tiếng Việt” của tác giả Lưu Quang Vũ; truyện ngắn “Vợ nhặt” của tác giả Kim Lân… nên các em có hứng thú để viết. Ngoài ra, phần nghị luận yêu cầu TS bàn về sự hèn nhát và dũng khí cũng là một vấn đề nhiều em thích thú.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Vật lý tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM. Ảnh Mai Hải
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Vật lý tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM. Ảnh Mai Hải

Điều đáng nói, một số TS nhận xét, khá bất ngờ là đề không đề cập đến các vấn đề thời sự, sự kiện nóng như các em vẫn dự đoán như bảo vệ biển đảo, bảo vệ môi trường, sự hy sinh của những người lính trong thời bình... “Trong khi ôn tập, thầy cô lưu ý đến rất nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước, như sự cố cá chết, tai nạn máy bay, nghệ sĩ Trần Lập, Tổng thống Mỹ đến Việt Nam”, thí sinh Hoàng Thị Linh (Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết.

Cô Dương Thị Mai Hương, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa Hà Nội) nhận xét, đề thi năm nay vẫn tiếp tục sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa nhưng lại đề cập đến vấn đề vô cùng gần gũi và mang tính thời sự cao - vấn đề về vẻ đẹp của tiếng Việt và lối sống của con người trong xã hội hiện đại. Nội dung thứ hai đề cập đến một vấn đề khá nhức nhối của xã hội hiện đại là lối sống “tuyệt đối cá nhân”. Đây cũng là đoạn văn quen thuộc nhưng cách hỏi khá mới mẻ, tạo hứng thú.

Kết thúc môn thi Vật lý chiều 2/7, nhiều TS cho biết trong 50 câu hỏi đề thi có 30 câu đầu nằm trong kiến thức cơ bản, còn 20 câu còn lại có tính phân hóa cao, nhiều câu hỏi khó và lạ. TS Trần Thị Huyền (Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đề Vật lý năm nay có độ phân hóa cao với khoảng 60% kiến thức vừa phải, 20% câu khá khó và 10% câu rất khó. “Khó nhất là các câu về dòng điện xoay chiều, nhưng cũng thích nhất mấy câu này mặc dù không hoàn thành được hết” - Huyền cho hay.

Thí sinh đảo Phú Quốc phấn khởi được thi gần nhà

Ngày 2/7, Phó ban Chỉ đạo thi quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu thanh tra tình hình thi THPT quốc gia tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Theo PGS-TS Võ Văn Thắng, Chủ tịch hội đồng thi Cụm thi số 59 do Trường ĐH An Giang chủ trì, tỉnh chỉ có 1 cụm thi ĐH, có 13.212 TS dự thi (có 1.800 TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp). Trường huy động 391 giáo viên chấm thi và dự kiến hoàn thành chấm thi trước thời hạn quy định của Bộ GD-ĐT. Thứ trưởng Bùi Văn Ga tiếp tục thanh tra đột xuất thi tại tỉnh Kiên Giang. Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng tỉnh có sự chuẩn bị và thực hiện khá nghiêm túc.

Đặc biệt, tại huyện đảo Phú Quốc tổ chức 1 điểm thi cho 816 TS dự thi tại Trường THPT Phú Quốc. Để nắm tình hình thi tại huyện đảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu hội đồng thi nối điện thoại liên lạc trực tiếp với điểm thi. Trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga qua điện thoại, ông Trần Thanh Hùng, Trưởng điểm thi huyện đảo Phú Quốc, cho biết: “Tình hình thời tiết rất thuận lợi cho TS huyện đảo dự thi. TS và phụ huynh rất phấn khởi khi được tổ chức thi ngay tại huyện đảo, không phải di chuyển xa như năm ngoái”.

TPHCM: Thí sinh ngoại thành được tiếp sức

Chưa đến 10 giờ ngày 2/7, mặc dù còn 30 phút nữa mới kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn nhưng băng rôn “Đoàn trường THPT Nguyễn Hữu Cầu tiếp sức mùa thi 2016” cùng hai thùng bánh ngọt và nước suối đã trong tư thế sẵn sàng tiếp sức cho TS tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Được biết, đây là năm thứ hai Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu tổ chức cho học sinh tiếp sức mùa thi. Năm nay, do số lượng học sinh của trường dự thi THPT quốc gia nhiều hơn nên tăng lên 10 nhóm, mỗi nhóm từ 3 - 10 học sinh thực hiện các công việc như phát bánh ngọt, nước uống, chỉ đường, chỉ quán ăn cho phụ huynh và TS…

Trong khi đó, tại Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh), giáo viên trực tiếp đến các hội đồng thi tiếp sức cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học sinh của trường chủ yếu thi ở khu vực quận 5, quận 6 và quận 8 nên nhà trường cử giáo viên đến 14 điểm thi tại các quận này để hỗ trợ thí sinh. Mỗi điểm thi có từ 2 - 3 giáo viên tiếp sức” .

Sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc với Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế; đồng thời đi kiểm tra các điểm thi ĐH Khoa học Huế, ĐH Nông lâm Huế, ĐH Huế. Riêng ở cụm 33 do Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã kiểm tra điểm thi THPT Hai Bà Trưng (TP Huế).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như tổ chức kỳ thi tại các cụm thi do ĐH Huế chủ trì; đồng thời nhấn mạnh ĐH Huế tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ trong những ngày tới để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, công bằng, công khai, chất lượng và hiệu quả cao. Cần cố gắng tạo ra không khí nhẹ nhàng nghiêm túc, không gây nên không khí căng thẳng cho TS.

Theo SGGPO