Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực "vùng trũng"

Cập nhật, 15:20, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Để góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nam Bộ, trong 3 năm qua, BCĐ Tây Nam Bộ đã phối hợp với Bộ GD- ĐT và các địa phương triển khai cơ chế, chính sách đặc thù đào tạo nhân lực cho vùng.

 Ngành Y tế Vĩnh Long đang thiếu hàng chục bác sĩ tuyến cơ sở.
Ngành Y tế Vĩnh Long đang thiếu hàng chục bác sĩ tuyến cơ sở.

Những tín hiệu khả quan

Ông Võ Trọng Hữu- Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Xã hội (BCĐ Tây Nam Bộ) cho biết, cuối năm 2012, ĐBSCL có trình độ dân trí thấp nhất các vùng trong cả nước. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất phục vụ cho GD- ĐT còn thiếu và yếu. Vì vậy, vùng ĐBSCL còn là vùng trũng về GD- ĐT so với các vùng, miền trong cả nước. Trước thực trạng trên, BCĐ Tây Nam Bộ cùng các tỉnh- thành đã họp, bàn đề xuất với Bộ GD- ĐT xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù.

Tính đến tháng 5/2015, toàn vùng ĐBSCL có 17 trường ĐH, 25 trường CĐ, 1 phân hiệu ĐH, 30 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Hiện còn 4 trường đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập. Quy mô đào tạo sau ĐH, ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn các tỉnh khoảng 157.000 sinh viên (SV), học sinh. Trong 42 trường ĐH, CĐ của vùng thì có gần 7.400 giảng viên cơ hữu, tăng 12% so với năm 2013. Số giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm 52,7%.

Bước đầu thực hiện chế độ đặc thù, đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển đào tạo theo địa chỉ sử dụng và cho phép các trường ĐH ngoài khu vực Tây Nam Bộ liên kết với các trường đủ điều kiện đào tạo hơn 4.400 SV.

Hầu hết các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều thực hiện chế độ đặc thù trong tuyển sinh. Ths. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Trong 3 năm qua, trường đã tuyển được 561 SV, trong đó có 464 SV ĐH và 97 SV CĐ. Chính sách đặc thù tạo thêm cơ hội học tập cho SV, tạo cơ hội tuyển sinh cho các trường trong khu vực ĐBSCL.

Về đào tạo sau ĐH, Bộ GD- ĐT đã giao cho 23 trường ĐH trong và ngoài vùng đào tạo gần 2.200 chỉ tiêu. Tháng 4/2015 vừa qua, Vụ Văn hóa- Xã hội, BCĐ Tây Nam Bộ cùng Trường ĐH Y dược Cần Thơ tiến hành làm việc với 13 UBND tỉnh- thành trong vùng yêu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng là 1.112 bác sĩ. Trường ĐH Cần Thơ xét tuyển thẳng SV thuộc 22 huyện nghèo, biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ trong 2 năm 2013 và 2014 với gần 1.400 SV. PGS. TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Về đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Cần Thơ có 37 ngành trình độ thạc sĩ và 15 ngành trình độ tiến sĩ, bên cạnh, trường đã mở rộng liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ với các trường khác trong nước để đào tạo tại địa phương.

Để vững bước đi lên

Tính đến năm 2014, vùng chỉ đạt 127 SV/vạn dân trong khi bình quân cả nước là 240 SV/vạn dân. Về nhân lực y tế, vẫn còn 332/1.611 xã chưa có bác sĩ, bình quân 5,1 bác sĩ/vạn dân, trong khi bình quân chung cả nước là 7,5 bác sĩ/vạn dân. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp để phát triển nhân lực bền vững.

Trường ĐH Cần Thơ bị động trong việc lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo do khó dự đoán được số lượng đăng ký xét tuyển và ngành học thí sinh đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, khả năng học tập của nhiều thí sinh xét tuyển thẳng còn hạn chế, chủ yếu là thí sinh không trúng tuyển ĐH, để các thí sinh này đạt được khả năng học tập khi vào học chính thức trường phải phổ cập kiến thức 1 năm. Tuy vậy, nhiều em vẫn không đủ trình độ sau 1 năm dự bị. Từ những khó khăn trên, PGS. TS Hà Thanh Toàn kiến nghị: Địa phương cần có sự định hướng ngành nghề và nhu cầu nhân lực, phối hợp với các trường THPT hướng dẫn các ngành học mà địa phương cần khi nộp hồ sơ. Song song đó, công tác tuyên truyền về tuyển thẳng cần phổ biến rộng rãi hơn và hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách cho đối tượng xét tuyển thẳng.

Nguồn nhân lực ĐBSCL đặc biệt thiếu đội ngũ y, bác sĩ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. GS.TS Phạm Văn Lình- Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ đề nghị: Các tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh nhu cầu nhân lực y tế, đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho người được cử đi học khi về địa phương làm việc thuận lợi.

Nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo cần gắn với nhu cầu địa phương tránh tình trạng học xong nhưng không có việc làm. Ông Nguyễn Phong Quang- Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ cho biết: “Thời gian qua, các địa phương, các trường trong vùng xem đây là giải pháp tăng nhanh, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên đã triển khai nghiêm túc và bố trí ngân sách hàng năm hỗ trợ người học. Chủ trương đúng đắn trên đã giúp nguồn nhân lực cho toàn vùng ngày càng nhiều và làm thay đổi nhận thức của người dân về GD- ĐT”.

Bộ Trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ và sau ĐH giúp các địa phương chủ động nhân lực, đáp ứng nhu sử dụng từng tỉnh- thành theo nhu cầu sử dụng nhân lực của khu vực. Tôi còn nhớ một cán bộ ở Cà Mau đã khóc khi kể tôi nghe chuyện những người dân bán đất nuôi tôm, nuôi cá cho con đi học ĐH, chuyện mà xưa nay hiếm thấy ở vùng này.

Chính sách đặc thù: Các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh- thành trong khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh- thành thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN