Du lịch cần thêm hướng đi mới

Cập nhật, 07:20, Thứ Tư, 14/08/2019 (GMT+7)

Theo dự báo, trong tương lai nếu chỉ dựa vào sản phẩm du lịch là homestay sẽ không thể có sự phát triển đột biến về nguồn khách, chưa kể mô hình này có sự chia sẻ thị phần cạnh tranh gay gắt của cụm các tỉnh lân cận.

Câu chuyện xây dựng sản phẩm mới cho du lịch Vĩnh Long, cùng với mở ra tuyến mới khai thác hết tiềm năng sông nước và du lịch nông nghiệp là vấn đề cần quan tâm cho du lịch tỉnh nhà hiện nay.

Dù phát triển hướng nào thì du lịch Vĩnh Long vẫn dựa trên tuyến đường sông nước.
Dù phát triển hướng nào thì du lịch Vĩnh Long vẫn dựa trên tuyến đường sông nước.

Nhìn lại sản phẩm homestay ở Vĩnh Long, sau mấy chục năm các doanh nghiệp du lịch chủ lực đã xây dựng xung quanh sản phẩm này rất nhiều dịch vụ, nhiều ý tưởng độc đáo.

Tuy nhiên, vẫn nhận thấy rằng với quy mô trong toàn tỉnh hiện nay các homestay chỉ có thể đón nhận khoảng trên dưới 500 lượt du khách/ngày, là con số khá khiêm tốn.

Và dự báo trong tương lai quy mô số phòng dành riêng cho homestay sẽ không thể có sự phát triển đột biến. Do đó, để tạo nên sức hút mạnh mẽ đột phá về nguồn khách thì rất khó. Thêm nữa, mô hình này có sự chia sẻ thị phần cạnh tranh gay gắt của cụm các tỉnh lân cận vốn có thế mạnh truyền thống này.

Đặt vấn đề này với một số lãnh đạo công ty lữ hành trên TP Hồ Chí Minh, họ có cùng quan điểm rằng nên phát triển chuỗi sản phẩm hướng đến nguồn khách tầm trung đến cao cấp, những cơ sở lưu trú và các tour du lịch nên nằm trong khoảng tầm 3 sao, trong đó lấy sản phẩm resort làm chủ lực thay vì tiếp tục phát triển homestay, sẽ dễ dàng linh động mở rộng biên độ nguồn khách.

Đây cũng là mấu chốt để chúng ta có cơ hội tiếp cận gần hơn với các đại diện công ty đầu mối, thay vì phải thông qua quá nhiều trung gian làm giảm đi nguồn thu, kéo theo giảm đi chất lượng phục vụ, dịch vụ.

Một con số đơn giản để dễ thấy, những sản phẩm homestay của chúng ta hiện nay thu trung bình trong khoảng 20- 30 USD/khách/ngày; trong khi theo một hướng dẫn lâu năm, anh có nguồn khách riêng từ Châu Âu, tự anh hướng dẫn tour về đồng bằng chương trình 2 ngày- 1 đêm, thường có giá gần 400 USD/khách. Giá này, đã thông qua một đại diện ở nước ngoài, thường họ sẽ hưởng khoảng 40- 50% trên gói tour.

Do đó, nếu du lịch đồng bằng chỉ trông chờ vào sản phẩm homestay và nguồn khách thụ động thì khó lòng có sự đột phá về nguồn khách và doanh thu. Doanh thu thấp dẫn đến hệ lụy kéo giảm chất lượng dịch vụ.

Đó là ghi nhận tổng thể, còn chúng ta vẫn ghi nhận một số ít doanh nghiệp du lịch chủ lực của Vĩnh Long, đang phát triển khá tốt dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, cần có một sự đột phá mạnh mẽ thì rất cần một “lực đẩy” thực sự lớn.

Gần 2 năm nay, TS Nguyễn Văn Kiền- ĐH Quốc gia Australia ấp ủ giấc mơ xây dựng một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ cho đồng bằng, cùng với đó là hình thành một công ty xã hội, nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực, nhân lực trong và ngoài nước hỗ trợ người nông dân đồng bằng.

Nhiều năm nay, có những chuyến đi đi, về về thường xuyên giữa Úc và Việt Nam, gắn bó với Trường ĐH An Giang, TS Nguyễn Văn Kiền đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, từ đây đã hình thành một đội ngũ trí thức trẻ tâm huyết, “máu lửa” với nền nông nghiệp thân thiện môi trường.

Đồng thời gắn với nông nghiệp là ruộng lúa, vườn cây ăn trái.
Đồng thời gắn với nông nghiệp là ruộng lúa, vườn cây ăn trái.

Nhưng giờ là giai đoạn cần có hình thức lớn mạnh hơn để phát huy nhiều hơn nữa nguồn lực cho nông nghiệp. Chúng tôi đã đặt vấn đề kết nối nguồn lực này với một doanh nghiệp lớn để cùng nhau xây dựng một dự án kết hợp giữa trung tâm nghiên cứu hữu cơ và các trang trại vừa có thể phục vụ công tác nghiên cứu, tập huấn khoa học, hội thảo trong nước và quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, vừa có thể là một sản phẩm du lịch độc đáo. Từ ý tưởng ban đầu này, mong sao các bước đi tiếp theo sẽ có nhiều tiến triển tốt đẹp hơn.

Trung tâm này nên nằm trên tuyến đường sông kết nối giữa TP Vĩnh Long và TX Bình Minh, từ đây có thể triển khai 2 cụm sản phẩm khai thác tối đa thế mạnh nông nghiệp và văn hóa ẩm thực.

Theo TS Nguyễn Văn Kiền, dự án cần tiến hành qua 3 giai đoạn và đạt đến mức tối đa trên diện tích khoảng 20ha. Bên cạnh đó là khu canh tác nông nghiệp theo hướng phục hồi, bảo tàng những nét văn hóa sinh hoạt nông nghiệp truyền thống Nam Bộ, những khu ruộng cạn, ruộng nước, lúa mùa… nuôi trồng tất cả đều gắn kết phù hợp với sản xuất thân thiện môi trường.

Câu chuyện kết nối, gặp gỡ giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp đầu tư du lịch, hy vọng sẽ có những thuận lợi trong thời gian sắp tới. Kỳ vọng vào hướng đi mới cho du lịch Vĩnh Long trong tương lai vài ba năm tới.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG