ĐBSCL thu hút trên 17 triệu lượt khách du lịch

Cập nhật, 11:31, Thứ Sáu, 18/08/2017 (GMT+7)

Theo Cục công tác phía Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu năm đến nay, các địa phương khu vực ĐBSCL đã đón trên 17 triệu lượt khách đến tham quan. Nhiều địa phương có số lượng lượng khách đến đông là: TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre...

Chợ đêm thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) thu hút khách du lịch (Ảnh: NS)
Chợ đêm thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) thu hút khách du lịch (Ảnh: NS)

Vùng ĐBSCL gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL đã được đầu tư mạnh mẽ. Các tuyến đường bộ phát triển tương đối rộng khắp, các cây cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên... đã hoàn thành trên tất cả các con sông lớn trong vùng.

Một số tuyến giao thông mới quan trọng đã hoàn thành như tuyến Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Bạc Liêu, nhiều tuyến khác đang được nâng cấp, mở rộng. Giao thông đường bộ phát triển mạnh đã mang lại những thuận lợi to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch.

Khu vực này có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng. Phần lớn các tài nguyên du lịch của ĐBSCL gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi là hình ảnh đặc thù của vùng.

ĐBSCL cũng có 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Đây là những tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý báu của vùng cũng như của cả nước.

Để phát huy tiềm năng du lịch vùng, Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, trong đó có những định hướng lớn cho vùng ĐBSCL.

Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, du lịch vùng ĐBSCL sẽ phát triển theo mảng; phát huy từng nhóm liên kết để tạo sản phẩm du lịch theo diện rộng. Sau quá trình phát triển theo mũi nhọn của các sản phẩm đặc thù và các sản phẩm chuyên đề, các địa phương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm liên kết để có sự đa dạng hóa mạnh mẽ về sản phẩm du lịch.

Tăng cường nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc thù và sản phẩm chuyên đề, kéo theo sự phát triển của từng cụm…

Nguồn: ĐCSVN