Làm du lịch từ những điều nhỏ nhất

Cập nhật, 11:07, Chủ Nhật, 06/08/2017 (GMT+7)

Trong cuộc trò chuyện với ông Lưu Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi ấn tượng với quan niệm làm du lịch của ông: Xuất phát từ những điều rất nhỏ.

Ông Minh nêu điển hình khi đến một di tích lịch sử- văn hóa, theo thông lệ, du khách sẽ được hướng dẫn thắp nhang, phút mặc niệm… và rồi nghe lịch sử, tiểu sử về nhân vật, sự kiện có liên quan.

Những điều đó thực ra không cần đến di tích mà chỉ cần mở sách hoặc tra google là biết tất cả, cho nên ông Minh nhấn mạnh: “Làm sao mang đến cho du khách những cảm nhận mà chỉ khi đến di tích mới có”.

Ví như tại sao cổng di tích hình cong mà không phải vuông, tại sao gian thờ có 19 cây cột mà không phải 20, lý do tại sao di tích có kiến trúc, phù điêu như thế, và cả cây cối, đất đai, phong tục bản địa… Những cảm nhận, hiểu biết mà chỉ trải nghiệm thực tế, du khách mới có được.

Sự niềm nở của thương hồ ở chợ nổi Cái Răng làm du khách ấn tượng.
Sự niềm nở của thương hồ ở chợ nổi Cái Răng làm du khách ấn tượng.

Chúng tôi rất tâm đắc khi ông Minh cho rằng, khi du khách đến một điểm tham quan, điều đầu tiên cần được chỉ dẫn là nhà vệ sinh- chuyện nhạy cảm nhưng lại rất thiết thân (trong khi đó, nhà vệ sinh ở một số điểm tham quan, nhất là nơi vắng khách, chưa được quét dọn sạch sẽ, khiến du khách e ngại). Rồi hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm giúp cả đoàn chụp ảnh lưu niệm...

Đó là những ấn tượng đẹp ban đầu. “Tâm thế làm du lịch” là cái mà nhiều nhân viên tại các di tích chưa có hoặc thờ ơ. Khi có xe du khách đến tham quan thay vì nhận được sự tiếp đãi niềm nở, hướng dẫn đậu đỗ xe thì lại là những câu truy vấn: đi đâu, có xin phép ai chưa, đậu xe chỗ đó là không được…

Rõ ràng, một điểm di tích, khu du lịch đẹp đến đâu, quy mô cỡ nào mà thái độ đón tiếp của đội ngũ nhân viên, hướng dẫn không tốt, du khách sẽ chưa hài lòng.

Thực tế, ở nhiều điểm di tích ở ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ, nhiều nhân viên còn chưa có “tâm thế làm du lịch” khi còn hành chính hóa, thủ tục hóa.

Một điều tưởng nhỏ nhưng cũng rất quan trọng là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch còn hẹp kiến thức. Nhiều người chỉ thuộc chăm chăm bài thuyết minh của mình, khi du khách hỏi những điều liên quan đều không biết, hoặc trả lời sai.

Như có lần chúng tôi tháp tùng cùng đoàn đi tham quan chợ nổi Cái Răng, cô thuyết minh viên đã lý giải những phong tục tập quán của thương hồ chợ nổi rất “huyễn hoặc”, mang đậm tính dị đoan, làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa chợ nổi.

Hay có lần đi tham quan một di tích ở An Giang, khi chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về nhân vật lịch sử được thờ ở đó, anh nhân viên nói qua loa và tỏ vẻ khó chịu…

Thuyết minh viên, hướng dẫn viên được xem là cầu nối, vậy nên mỗi thái độ ứng xử của họ sẽ tác động nhận xét của du khách.

Một điểm cộng cho du lịch Cần Thơ nhân Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng vừa qua là các thương hồ rất dễ thương, giao lưu nhiệt tình và hồ hởi với du khách, tạo ấn tượng đẹp. Điều này rất cần để xây dựng văn minh trong du lịch.

Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. 

Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết nêu ra là: “Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam”.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, những chuyện nhỏ như đã nêu cần được quan tâm chấn chỉnh, khắc phục để tạo thiện cảm với du khách.     

Theo Cần Thơ Online