Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp-để tạo sự khác biệt

Cập nhật, 13:53, Thứ Ba, 05/04/2016 (GMT+7)

Loại hình du lịch homestay đã được định hình khá lâu ở cù lao An Bình (Long Hồ), nhưng vẫn chưa để lại nhiều ấn tượng đối với du khách. Các chuyên gia của ngành du lịch Việt Nam tư vấn, du lịch Vĩnh Long nên hướng đến sản phẩm đặc thù là du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để tạo sự khác biệt.

Đây là chuyện “khó”, nhưng nếu không dám đi thì làm sao tới đích.

Du khách khám phá sông nước Vĩnh Long bằng tàu.
Du khách khám phá sông nước Vĩnh Long bằng tàu.

Xây dựng thương hiệu du lịch

Không phủ nhận Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch do thiên nhiên ban tặng từ việc nằm giữa hai dòng sông Tiền, sông Hậu, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, đến đất đai màu mỡ, khí hậu và con người ôn hòa, đôn hậu. Nhưng dường như, thời gian qua, du lịch Vĩnh Long vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có.

Để du lịch Vĩnh Long cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch định hướng:

“Vĩnh Long cần xây dựng cho được sản phẩm du lịch đặc thù, dựa trên lợi thế của sông Mekong chảy qua chia thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và vườn trái cây đặc sản, trù phú, có thể tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, du lịch và trải nghiệm”.

Chúng ta đang ở trên dòng Mekong- 1 trong 7 dòng sông lớn nhất thế giới. Có thể nói rằng không ở đâu hệ sinh thái, cảnh quan, không gian văn hóa bản địa lại có sức cuốn hút như ở lưu vực sông Cửu Long- một nhánh của sông Mekong.

Cho nên khi hướng dẫn du khách đến du lịch Vĩnh Long, chúng ta phải nói cho du khách biết họ đang đứng trên một trong những dòng sông lớn nhất thế giới.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, xuất phát từ dòng Mekong này mà người dân ĐBSCL, trong đó có nhân dân Vĩnh Long đã góp phần lập nên 3 kỳ tích cần cho du khách biết, đó là:

“Từ một vùng đất hoàn toàn nguyên sơ con người nơi đây đã biến nó thành vườn trái cây đặc sản lớn nhất cả nước và là một trong những vựa trái cây lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; thứ hai là biến vùng đất ngập nước trở thành vựa lúa lớn nhất thế giới và kỳ tích thứ ba gắn với con cá tra, cá ba sa- mà khi nhắc đến Việt Nam cả thế giới đều biết”.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kiến nghị:

“Dựa trên lợi thế sẵn có, Vĩnh Long nên xác định xây dựng sản phẩm đặc thù là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái sông nước miệt vườn cao cấp và trải nghiệm văn hóa lịch sử gắn với 3 danh nhân lớn, tên tuổi của cả nước và thế giới là cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Và chọn TP Vĩnh Long với thương hiệu “Vinh Long City” làm điểm bắt đầu để phát triển, sau đó tạo sức lan tỏa đến các vùng du lịch khác trong tỉnh, nhất là cù lao An Bình (Long Hồ).

Tiếp đó, chọn một địa điểm phù hợp ở cù lao An Bình để thí điểm xây dựng làng nhà vườn, với vườn trồng đầy hoa, trái cây, gắn với sông nước hữu tình, không có tiếng động cơ, tạo nên điểm du lịch đáng sống, là chốn nghỉ dưỡng an lành cho khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến đây”.

Thúc giục “chim đầu đàn” cất cánh

Xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thì cần phải có cơ sở hạ tầng cao cấp để phục vụ.

Cho dù giai đoạn 2011- 2015, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 329 tỷ đồng, trong đó dự án cải tạo, mở rộng Khu du lịch sinh thái, trang trại Vinh Sang (thuộc Long Hồ) đã đi vào hoạt động và thu hút rất nhiều khách du lịch đến vui chơi và Khu du lịch sinh thái Trường Huy đang triển khai xây dựng.

Song bấy nhiêu vẫn chưa đủ, Vĩnh Long cần tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách thông thoáng, hợp lý để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, chiến lược đến đầu tư cho du lịch Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Nhà đầu tư chiến lược luôn ở quanh ta, nhưng chúng ta cần có chính sách ưu đãi để thu hút họ đến đầu tư tạo ra những dự án mang tính chất động lực, làm thay đổi cục diện, giá trị gia tăng cho du lịch Vĩnh Long.

Với khung cảnh sông nước và văn hóa như thế này, thiết nghĩ Vĩnh Long có thể xây dựng và phát triển mạnh các khu nghỉ dưỡng và resort chất lượng cao. Bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng phải nâng cao chất lượng cơ sở homestay”.

Đồng quan điểm, TS. Trương Thị Kim Chuyên- Ủy viên Hội đồng Khoa học Liên hiệp Khoa học Kinh tế- Đô thị Nam Bộ cũng đề xuất Vĩnh Long cần tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù cao cấp, chất lượng để nhắm đến khai thác có hiệu quả dòng khách tiềm năng đến từ Úc, Nhật Bản,… từ đó có thể xây dựng thêm Viện dưỡng lão cao cấp tại đây để phục vụ và đón những dòng khách này.

Muốn thu hút được doanh nghiệp chiến lược, ngoài cơ chế chính sách ưu đãi hợp lý, thì nhận thức về phát triển du lịch của tỉnh cũng cần phải thay đổi. Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng: “Các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Long cần có sự thay đổi về nhận thức làm du lịch, nếu không quan tâm thì chắc chắn du lịch Vĩnh Long sẽ không thể phát triển được”.

Một điều khá quan trọng khác cũng làm ông Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm là tiến độ xây dựng dự án khách sạn Sài Gòn- Vĩnh Long với tiêu chuẩn 4 sao, bởi “con chim đầu đàn này cất cánh nhằm kéo những con chim khác cùng bay theo”.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ khuyến khích Vĩnh Long xây dựng chương trình quảng bá E.Marketing, tổ chức cuộc thi về hình ảnh đẹp của Vĩnh Long, để đưa du lịch Vĩnh Long lên tầm cao mới. Đồng thời, cần tổ chức các sự kiện, hội thi ẩm thực… nhằm tạo dựng Vĩnh Long thành điểm đến hấp dẫn hàng năm, thậm chí là điểm đến hàng tháng trong lịch trình du lịch của du khách.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT