Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật, 06:57, Thứ Bảy, 09/03/2024 (GMT+7)
Các hoạt động tại thiết chế văn hóa góp phần phát triển văn hóa đọc.
Các hoạt động tại thiết chế văn hóa góp phần phát triển văn hóa đọc.
Sau hơn 10 năm bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, văn hóa đã trở thành một trong những nền tảng, động lực quan trọng để cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
 
Từ việc chú trọng tiêu chí phát triển văn hóa, các địa phương trong tỉnh đã nâng cao các hoạt động văn hóa, thu hút khách du lịch và tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
 
Nền tảng quan trọng
 
Trong công cuộc xây dựng NTM, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
 
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM từng bước được nâng cao chất lượng, đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của Nhân dân, huy động được nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.
 
Tỷ lệ lao động, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân. 
 
BCĐ giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, NTM và đô thị văn minh các cấp thực hiện nâng chất phong trào gắn với các tiêu chí NTM, đô thị văn minh.
 
Thực hiện tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; triển khai vận động Nhân dân ở khu dân cư tham gia đóng góp kinh phí xây dựng mô hình ấp văn hóa sáng- xanh- sạch- đẹp, tham gia trồng cây xanh, trồng hoa cảnh trên các tuyến đường tạo diện mạo khu dân cư thêm đổi mới.
 
Chung sức trồng cây xanh, tạo không gian sáng- xanh- sạch- đẹp, khu dân cư thêm đổi mới.
Chung sức trồng cây xanh, tạo không gian sáng- xanh- sạch- đẹp, khu dân cư thêm đổi mới.
Hầu hết các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo, trạm y tế, chợ, bến tàu, bến xe trên địa bàn tỉnh đều tích cực tham gia thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, lễ tang có tiến triển theo chiều hướng tích cực, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với truyền thống của dân tộc.
 
Huyện Tam Bình vừa được công nhận là huyện NTM, thành tựu chung là sự góp sức của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, trong đó có đóng góp của ngành văn hóa.
 
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hộ gia đình và Nhân dân đồng tình hưởng ứng các phong trào, tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày phát triển, văn minh. Năm 2022, huyện Tam Bình có 40.431 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 95,33%.
 
Đến năm 2023, toàn huyện có 41.551/41.551 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2022). Có 100% hương ước, quy ước của khu dân cư được UBND huyện công nhận và đưa vào thực hiện.
 
TT Tam Bình được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 128/128 ấp, khóm đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Thông qua phong trào, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu là những gương sáng điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
 
Kế thừa và tiếp tục phát huy
 
Theo ông Trần Văn Ẩn- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Ôn, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn kết với thực hiện chương trình xây dựng NTM, được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
 
Năm qua, các thiết chế văn hóa- thể thao từ huyện đến cơ sở phát huy hiệu quả đáp ứng yêu cầu phục vụ vui chơi giải trí của Nhân dân. Huyện tổ chức 4 cuộc liên hoan, hội thi văn nghệ có 59 đơn vị tham gia, thu hút 50.000 khán giả đến xem cổ vũ.
Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được chú trọng, tuyên truyền xây dựng NTM.
Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng được chú trọng, tuyên truyền xây dựng NTM.
 
Trung tâm văn hóa- thể thao, trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng các xã trong huyện bám sát kế hoạch, nhiệm vụ chính trị ở địa phương đã tổ chức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được 156 cuộc, bình quân mỗi thiết chế tuyên truyền từ 14 cuộc trở lên…
 
Việc nâng cao chất lượng ấp văn hóa thực sự là những điểm sáng về văn hóa ở nông thôn được thực hiện bằng những công việc cụ thể như: vận động Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… Đến nay toàn huyện Trà Ôn có 90/90 ấp- khu đạt văn hóa.
 
Thời gian qua, TX Bình Minh cũng tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, xã Thuận An đã có 100% điểm công cộng được lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục thể thao, gồm: 5 dụng cụ được lắp đặt tại nhà văn hóa- khu thể thao liên ấp, trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng xã có 10 dụng cụ và 5 dụng cụ tại công viên tái định cư ấp Thuận Phú A.
 
Cùng với đó, chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ngày càng nâng lên, diện mạo văn hóa của xã cũng được nâng cao. Ông Phan Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, chia sẻ: “Xã định hướng phát triển mô hình du lịch miệt vườn với làng nghề trồng cải xà lách xoong truyền thống với diện tích 49ha tại ấp Thuận Thành.
 
Đồng thời, xã đã thành lập CLB đờn ca tài tử sẵn sàng kết nối với các cơ sở kinh doanh du lịch trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử khi khách du lịch có nhu cầu, nhằm quảng bá hình ảnh, con người Thuận An đến với du khách gần xa, cũng vừa bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM cũng còn một số hạn chế như: Ban vận động khu dân cư ở một số nơi vẫn chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào theo điều kiện thực tiễn của địa phương.
 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các thiết chế văn hóa- thể thao cơ sở vẫn chưa đồng bộ. Hiệu quả hoạt động một số phòng chức năng của thiết chế văn hóa cấp xã chưa phát huy hiệu quả… 
 
Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đoàn thể địa phương chủ động tổ chức đa dạng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa- thể thao để phát huy hiệu quả.
 
Lựa chọn những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các lĩnh vực để truyền thông sâu rộng, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống xã hội.
 
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Các hoạt động lồng ghép bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian để tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa.
Các hoạt động lồng ghép bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian để tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa.
 
Tổ chức lồng ghép đưa các nội dung phát huy giá trị các di tích lịch sử, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian vào các hoạt động văn hóa ở cơ sở để tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước của Nhân dân trên địa bàn…
 
Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa trên quê hương và tinh thần làm chủ, ý thức tự giác, tính sáng tạo của người dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp địa phương trở thành vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, tạo nên bức tranh NTM ngày càng sinh động. 
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ