Câu chuyện nông thôn

Cần thay đổi thái độ, cách ứng xử với nguồn nước!

Cập nhật, 10:01, Thứ Tư, 13/03/2024 (GMT+7)

Trước khi nói đến những tác động của các công trình do con người tạo ra ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống dòng chảy của dòng Mekong- Lan Thương; con người cần cấp thiết thay đổi thái độ, cách ứng xử với nguồn nước, để có thể giảm thiểu những tác động đang ngày càng trở nên gay gắt, cực đoan của biến đổi khí hậu.

Toàn bộ người dân sống nương tựa vào dòng sông này, cần có một suy nghĩ thấu đáo về kịch bản tồi tệ nhất vào thời điểm nguồn nước chảy qua 6 nước này bị kiệt quệ, mà thực tế nhiều năm nay nó đang diễn ra quá trình kiệt quệ dần. Những con đập thượng nguồn như những “khóa nước”, đồng thời với những công trình, siêu công trình mở nhánh sông mới để vét sạch nước từ dòng chính, khác nào “bản án tử hình” cho một dòng sông.

Trước khi có thể tác động thay đổi một cách toàn hệ thống, thì người dân đặc biệt là đồng bằng mình cần phải biết “tự cứu mình trước”, bằng những đổi thay trong thái độ và cách ứng xử với những dòng sông, kênh rạch và những nguồn nước khác. Khi mà những tác động của biến đổi khí hậu diễn ra với tần suất ngày càng nhặt hơn, có tính thường niên hơn và cực kỳ gay gắt hơn.

Nam Bộ đang nếm trải đợt nắng nóng bất thường ngay từ những tháng trước Tết Nguyên đán, cảm giác mùa hè đến sớm và đang “đốt cháy” mọi khoảnh khắc thời tiết mát mẻ, dễ chịu của mùa xuân. Và thực tế là hạn mặn cũng đã kéo đến sớm hơn thường lệ. Trong khi thói quen sử dụng nước, những phương thức trữ nước truyền thống ngày xưa đã không còn được người dân đồng bằng quan tâm nữa. Ngược lại lượng nước sử dụng tăng lên gấp hàng chục ngàn lần hồi xưa, cách thức khai thác nguồn nước cũng máy móc hơn, ồ ạt hơn, nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, khoa học.

Nắng nóng gay gắt cùng với hệ thống bê tông hóa phủ khắp diện tích mặt đất, cũng góp phần… rút khô nguồn nước ngầm cũng đang bị khai tác dữ dội. Cùng với những lợi thế đồng bằng được gọi với những mỹ từ “giàu có”, hãy suy xét cho kỹ những yếu điểm, sự mong manh của đồng bằng, nếu không biết quý trọng, bảo vệ, lối canh tác vun bồi, thay thế cho sự khai thác kiệt quệ, vắt kiệt sức nguồn đất, nguồn nước, thì kịch bản tương lai đồng bằng vừa bị “thiêu đốt” vì khô hạn, vừa bị chìm ngập dưới mực nước biển là điều khó tránh khỏi.

Ngồi đây nói kịch bản 100 năm nghe thật xa xôi, nhưng chỉ cần 3 thế hệ con cháu chúng ta là lãnh đủ.

Hailua@.com