Thần tốc tiêm vắc xin, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 12:21, Thứ Bảy, 18/12/2021 (GMT+7)

 

Thủ tướng yêu cầu
Thủ tướng yêu cầu "thần tốc" hơn nữa trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, tháng 1/2022 phải hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi.

(VLO) Để giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong, phải thực hiện thật nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ cơ sở và thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng ban BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến vào chiều 16/12/2021 với 63 tỉnh- thành phố để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Mầm bệnh trong cộng đồng, biến chủng Delta lây lan nhanh

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 15/2 cả nước ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh, 28.500 ca tử vong.

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số tử vong tăng 24,3%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%. Đến nay, Việt Nam đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vắc xin, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.

Lý giải ca nhiễm cộng đồng và ca tử vong tiếp tục có xu hướng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng sau khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường.

Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến chủng Delta lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương...

Lãnh đạo các địa phương cũng phản ánh về tình trạng một số người dân chưa tự giác tiêm chủng, trong khi một số người đã tiêm vắc xin lại chủ quan cho rằng có vắc xin thì không bị lây nhiễm nên không thực hiện Thông điệp 5K.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại một số địa phương lỏng hơn so với trước; còn lúng túng khi có nhiều ca mắc trong cộng đồng nên chậm xử lý dứt điểm; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu...

Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất- kinh doanh theo hướng an toàn COVID-19.

“Bộ Y tế đề nghị triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà theo tinh thần một nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 (hoặc nhiều hơn) theo địa bàn khu vực, thực hiện đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ, tỷ lệ đối tượng cần tập trung theo dõi chiếm khoảng 15-25% và ưu tiên quan tâm theo dõi đối tượng này.

Các bệnh viện phân loại nguy cơ và theo dõi sát người bệnh ngay từ khi nhập viện, nhất là đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo tiếp cận thuốc điều trị từ sớm cho người bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thần tốc tiêm vắc xin phòng COVID-19

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mọi đánh giá, dự báo về biến chủng Omicron đều cho thấy biến chủng này rất phức tạp, không thể lơ là, chủ quan. Mục tiêu đặt ra là kiểm soát tình hình, kiểm soát rủi ro, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tối đa ca chuyển nặng, tử vong.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.

“Để giảm ca chuyển nặng thì người dân cần được tiếp cận y tế sớm, từ cơ sở. Có phản ánh về việc người dân mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, các địa phương phải đáp ứng ngay nhu cầu về y tế của người dân.

Đồng thời tăng cường năng lực y tế cơ sở từ nhân lực, đảm bảo dinh dưỡng, thuốc, oxy; kết hợp đông - tây y để chữa trị cho người bệnh”- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cho rằng trong chống dịch, vấn đề vắc xin là yếu tố cốt lõi, chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn, yêu cầu thần tốc trong việc tiêm chủng để sớm đạt mục tiêu 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vắc xin và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vắc xin cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vắc xin.

Nếu thiếu vắc xin thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.

Các địa phương có nhiều ca mắc và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng, phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện kịp thời.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN