Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho xã hội phát triển bền vững

Cập nhật, 07:09, Thứ Sáu, 03/12/2021 (GMT+7)

 

Nâng cao chất lượng KHHGĐ là nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa
Nâng cao chất lượng KHHGĐ là nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa

Chính sách dân số (DS) đã có nhiều thay đổi thời gian qua, từ “giảm sinh” với khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con” thì nay là “Mỗi gia đình nên có đủ 2 con”. Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Long đang nỗ lực phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Thành tựu và những thách thức

Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác DS- KHHGĐ. Phong trào sinh đẻ có kế hoạch được tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước thực hiện sôi nổi “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con” và có hiệu quả đã giải quyết được vấn đề quy mô dân số, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số trong thời gian tới phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh Vĩnh Long là 1,81con/PN.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ, do thời gian dài thực hiện mục tiêu giảm sinh, đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc thực hiện gia đình quy mô nhỏ; trở thành chuẩn mực thấm sâu trong toàn xã hội; xu hướng kết hôn muộn, không muốn sinh, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và kinh tế phát triển dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ, học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp.

Bên cạnh đó, hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, thiếu chính sách đủ mạnh để người dân ở vùng có mức sinh thấp sinh đủ hai con, đặc biệt là tình trạng nạo phá thai tại các khu vực y tế tư nhân phát triển nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến hậu quả vô sinh ngày càng tăng.

Nâng cao chất lượng dân số

Nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ là nhằm nâng cao chất lượng DS. Theo Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh, chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ được triển khai rộng khắp.

Hiện tại 8/8 Trung tâm Y tế đã trình UBND cấp huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ” đến năm 2030. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19, nên việc tổ chức triển khai nội dung kế hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân còn hạn chế; chủ yếu thực hiện trên các kênh phương tiện truyền thông đại chúng như: đài phát thanh, cơ quan báo chí.

Trong năm 2021, hoạt động tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ đã cung cấp đủ nhu cầu phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng ưu tiên miễn phí, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, xã hội hóa phương tiện tránh thai. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên cũng được tổ chức thực hiện. Số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm là 61.600 người đạt 101,6% kế hoạch năm.

Bà Phạm Thị Thuận cho biết: “Ngoài công tác phối hợp, kết hợp chặt với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; đối với gia đình và chăm sóc bố mẹ khi già yếu.

Chi cục DS – KHHGĐ cũng đã tham mưu Sở Y tế trình HĐND, UBND tỉnh thống nhất đưa chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh vào trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phê duyệt Kế hoạch Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Chi cục DS-KHHGĐ sẽ mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan; phổ cập dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn; lồng ghép các hoạt động phổ cập dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản với Chương trình củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN