Thu phí đường bộ không dừng- tiện lợi đôi đường

Cập nhật, 16:00, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

 

Nhân viên Viettel Vĩnh Long dán thẻ ePass cho xe.
Nhân viên Viettel Vĩnh Long dán thẻ ePass cho xe.

Thu phí đường bộ không dừng là hình thức thu phí tự động mang lại nhiều tiện ích, giúp người sử dụng phương tiện tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc khi qua các trạm thu phí và giảm được nhiều chi phí khác như in vé, nhân công bán vé, thu tiền,… nên nhiều người quan tâm, ủng hộ.

Ngày 7/10/2020, Chỉ thị số 39/CT-TTg về sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (gọi tắt là ETC) do Thủ tướng ban hành đã đánh dấu bước chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics (vận chuyển, lưu trữ, đóng gói hàng hóa,…). Theo đó, các trạm thu phí đường bộ đang hoạt động bằng cách soát vé thủ công sẽ phải chuyển sang hình thức thu phí tự động không dừng.

Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các chủ phương tiện trong thời gian tới là phải dán thẻ thu phí không dừng cho xe tại lần kiểm định gần nhất hoặc ngay khi qua trạm đã vận hành hệ thống ETC. Nếu xe chưa dán thẻ thu phí tự động sẽ không được đi vào làn ETC mà phải mua vé tại làn hỗn hợp.

Anh Phạm Minh Trung (ở phường Cái Vồn- TX Bình Minh) ủng hộ thu phí bằng hình thức ETC và cho biết: “Tôi chạy xe dịch vụ, nay khách đi tỉnh này, mai tỉnh khác nên không thể mua vé quý hay năm, cứ tới trạm nào thì dừng mua vé tại đó, nhiều lúc xe đông phải chờ rất mất thời gian. Còn thu phí tự động, chỉ cần dán thẻ, nạp đủ tiền vào tài khoản, xe qua trạm không phải dừng, vậy là tiện lợi quá rồi”.

Để người sử dụng phương tiện giao thông dễ dàng tiếp cận với công nghệ thu phí tự động không dừng, nhiều chính sách mới đã được Nhà nước ban hành. Trong đó, có quy định, từ nay đến trước ngày 31/12/2021, chủ phương tiện khi dán thẻ thu phí không dừng sẽ được miễn phí. Sau thời gian này, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ bắt đầu thu phí.

Tại Vĩnh Long, dù không có trạm thu phí đường bộ nhưng lượng ô tô tham gia lưu thông qua các tỉnh- thành khác khá lớn nên nhiều chủ phương tiện cũng có nhu cầu dán thẻ thu phí không dừng.

Do đó, từ tháng 2/2021, Viettel Vĩnh Long là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng đã triển khai cấp thẻ thu phí tự động ePass miễn phí đến các chủ phương tiện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Viettel Vĩnh Long đã cung cấp gần 2.000 thẻ ePass cho các chủ phương tiện tại các huyện, thị, thành.

Anh Nguyễn Phước Thịnh (ở phường Trường An- TP Vĩnh Long) chỉ cho chúng tôi xem xe 7 chỗ đang được nhân viên Viettel dán thẻ ePass rồi bảo: “Nhà tôi có 4 ô tô, do công việc kinh doanh phải đi về giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để giao dịch với khách hàng nên khi biết Viettel Vĩnh Long có cung cấp thẻ thu phí không dừng, tôi tìm hiểu thấy tiện hơn sử dụng vé kiểu thủ công liền gửi thông tin đăng ký, bữa nay đưa xe đến dán thẻ luôn”.

Được biết, dự án thu phí không dừng tại Việt Nam chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 gồm 26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ khác; giai đoạn 2 gồm 10 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc, quốc lộ khác. Mặc dù còn khá mới nhưng việc chuyển từ thu phí thủ công sang hình thức ETC là điều cần phải làm trong xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Đây được xem là một trong những hệ thống công nghệ thông tin đầu tiên không chỉ giúp chủ phương tiện nâng cao trải nghiệm và hiệu quả khi tham gia giao thông mà còn góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG