"Mái nhà chung" ở phường Thành Phước

Cập nhật, 05:38, Thứ Sáu, 27/09/2019 (GMT+7)

Cho đến giờ này, ông Phạm Văn Vàng (81 tuổi, ngụ xã Chánh An- Mang Thít) cứ ngỡ như mơ khi vợ chồng ông được về sống trong “Mái nhà chung” ở phường Thành Phước (TX Bình Minh).

Những người bệnh có “hoàn cảnh” tại “Mái nhà chung”.
Những người bệnh có “hoàn cảnh” tại “Mái nhà chung”.

Ông Vàng xúc động kể: “Nhà tôi quá nghèo, con đông, tôi bị bệnh thận đã 9 năm rồi, phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

8 năm trước, vợ chồng tôi mỗi ngày xin cơm tổ từ thiện để sống qua ngày và ở luôn tại bệnh viện vì không có tiền mà đi về nhà thì rất tốn kém”.

“Gần 7 tháng qua, đã bớt vất vả vì đã được về chung sống tại “Mái nhà chung” của chú Hiền. Mừng lắm chú ơi!”- ông Vàng bật khóc.

Không chỉ có ông Vàng mà “Mái nhà chung” hiện đang là nơi nương tựa cho 9 trường hợp chạy thận nhân tạo khác hiện đang cư trú ở khắp các địa phương như: Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn...

Chúng tôi rất bất ngờ khi đến tham quan “Mái nhà chung” cho người bị bệnh thận giai đoạn cuối được xem là mô hình nhân đạo, độc nhất khu vực ĐBSCL này. Nơi ở của bệnh nhân và thân nhân rất khang trang, sạch sẽ và có đủ vật dụng cần thiết như: điện, nước sinh hoạt; phương tiện nghe nhìn.

Tất cả đều được miễn phí tiền ăn hàng ngày (sáng và chiều), được miễn phí tiền điện, nước sinh hoạt, tiền nhà ở và các khoản chi phí khác.

Cứ 2 ngày một lần, những người ở “Mái nhà chung” này đều được ô tô chuyển bệnh miễn phí đưa sang Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ lọc thận và được rước về tận nơi ở.

Người thành lập và duy trì mô hình đặc biệt này là anh Trần Văn Hiền (40 tuổi ngụ phường Thành Phước).

Anh Hiền đang thăm hỏi người bệnh ở “Mái nhà chung”.
Anh Hiền đang thăm hỏi người bệnh ở “Mái nhà chung”.

Anh lý giải về việc làm rất nhân văn của mình: “Hồi trước, gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay đã có cuộc sống ổn định thì mình phải nghĩ đến những người nghèo, nhất là những người đang bị bệnh thận giai đoạn cuối.

Những bệnh nhân này thường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở xa nên không đủ tiền đi về mỗi lần chạy thận liên tục.

Cạnh đó, nếu ở lại bệnh viện thì họ không có chỗ ở phải ở tạm mái hiên bệnh viện, lại ăn uống kham khổ lắm. Rước họ về “Mái nhà chung” này tuy có tốn kém vất vả đôi chút nhưng mình lo toan được. Làm được chuyện tốt cho đời, mình rất vui”.

Biết được tấm lòng nhân ái này, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ thức ăn; nhiên liệu cho xe chuyển bệnh với mong muốn kéo dài sự sống cho những mảnh đời bất hạnh.

Ông Phạm Văn Lộc (60 tuổi, ngụ huyện Tam Bình) xúc động kể: “Tôi chạy thận nhân tạo đã 2 năm rồi. Từ khi được chú Hiền đón về ở trong “Mái nhà chung” này, sức khỏe tôi đã khá hơn rất nhiều.

Vợ chồng tôi không còn cảnh ngủ hành lang bệnh viện như trước nữa. Ngoài ra, về đây còn có nhiều người cùng cảnh ngộ cùng quan tâm động viên nhau nên cũng vơi nhẹ nỗi buồn. Tôi mang ơn chú Hiền cho đến khi nhắm mắt”.

Anh Hiền kể thêm: Hồi đầu khi tôi thành lập mô hình nhân đạo này (tháng 2/2019), nhiều người nói tôi làm chuyện bao đồng, đánh bóng tên tuổi nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai với suy nghĩ: mình làm việc thiện từ cái tâm thì tiếng lành sẽ đồn xa thôi.

Mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc mua bán với vợ, tôi lại về đây để an ủi động viên nghị lực sống của các bệnh nhân. Chuyện rất bình thường.

Tôi còn chuẩn bị sẵn mọi chuyện hậu sự miễn phí cho tất cả bệnh nhân như: đất an táng, xe tang, nghi thức mai táng cho bệnh nhân khó khăn không may vắn số”.

Hiện nay đã có nhiều bệnh nhân ở xa đang chạy thận nhân tạo đã đăng ký nhờ anh Hiền giúp đỡ để có thể về sinh sống tại “Mái nhà chung”. Vì vậy, anh đang tiếp tục xây dựng, mở rộng nơi ở vốn là đất của gia đình mình, dự kiến anh sẽ đón thêm 20 trường hợp tương tự về đây vào cuối năm 2019 sau khi hoàn thành cơ sở vật chất.

Một “Mái nhà chung” rất đặc biệt mang theo hơi ấm nghĩa tình đã có thật ở phường Thành Phước.

 

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM (TP Cần Thơ)