Chuyện làm ăn

Tổ lao động nông thôn

Cập nhật, 14:38, Thứ Năm, 26/09/2019 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Phụng (37 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phú Sung, xã Phú Thành- Trà Ôn) một ngày cuối tháng 9 gọi hẹn tôi sáng sớm qua sông nhập theo “Tổ làm thuê gắn với giải quyết việc làm” tại ấp để cùng đi hái nhãn.

Một buổi hái nhãn của 4 lao động nam tại vườn nhà anh Nguyễn Văn Danh.
Một buổi hái nhãn của 4 lao động nam tại vườn nhà anh Nguyễn Văn Danh.

Đây là vườn nhãn da bò của anh Nguyễn Văn Danh. Nay anh Danh hái 900kg nhãn giao thương lái đi Cà Mau. Tổ làm thuê hôm nay có gần chục nhân công gồm các anh Minh Sang, Hùng Cường, Văn Phước, Văn Quý; các cô, các chị: Tú Trinh, Lan Phương, Phụng Cơ... cùng tham gia.

Công mần theo giá cả thị trường cũng cao. “Sáng 6 giờ tụi tui làm đến tầm 13 giờ là xong lượng trái theo yêu cầu chủ vườn”- chị Lan Phương nói.

Người lao động cho biết tiền công khoảng 20.000- 30.000 đ/giờ tùy nam hay nữ. Tính ra, lao động nữ một buổi lặt lá nhãn đã có 140.000 đ/người, lao động nam một buổi trèo cây hái nhãn thu nhập 210.000 đ/người.

Nhân công nữ lặt lá để ra chùm nhãn sạch đẹp.
Nhân công nữ lặt lá để ra chùm nhãn sạch đẹp.

Anh Nguyễn Văn Phụng nói “như vậy là ít”. Khi rộ mùa trái (nhãn, chôm chôm mà chủ yếu là nhãn) và thị trường ăn nhiều, có nhà vườn ngày ra 4-5 tấn hay trên dưới chục tấn nhãn. Tổ làm thuê phải huy động 30-40 lao động tham gia từ hái trái, lặt lá, vào bọc và đẩy xe cút kít ra đầu lộ đưa lên xe tải đi tiêu thụ...

Bí thư kiêm Trưởng ấp Nguyễn Văn Phụng cho biết, hồi đầu thành lập (2014), tổ chỉ có 10 thành viên, đến nay đã trên 60 thành viên. Hầu hết lao động đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

Và 5- 6 năm qua, theo mùa cây trái, nhân công của tổ đã làm bao nhiêu việc vườn: hái nhãn, xuống giống rau màu, đào đất đắp mô bưởi/sầu riêng, móc mương, vác thức ăn cho công ty nuôi cá... ở vùng cù lao này.

Đó là điều rất tích cực về mô hình tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn nhàn rỗi, góp phần phát triển đời sống địa phương.

Bài, ảnh: MINH THÁI