Đăng ký mấy nguyện vọng và nên chọn tổ hợp nào?

Cập nhật, 06:07, Thứ Tư, 10/04/2019 (GMT+7)

Với phiếu đăng ký thi THPT quốc gia 2019 đang cầm trên tay, thí sinh của kỳ thi năm nay còn khoảng 1 tuần để “chọn mặt gửi vàng”. Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là vừa và chọn tổ hợp nào cho ngành mình yêu thích?

Phải nghiên cứu chương trình đào tạo của ngành học, trước khi chọn ngành học đó.
Phải nghiên cứu chương trình đào tạo của ngành học, trước khi chọn ngành học đó.

Bao nhiêu bài thi, bao nhiêu nguyện vọng

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, tổ chức thi 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh ngoài làm bài thi 3 môn bắt buộc phải chọn 1 trong 2 tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội. Tương đương mỗi học sinh phải thi ít nhất 6 môn.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vĩnh Ca- Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) cho biết: “Năm 2018, trường chúng tôi có 1 học sinh chọn thi cả 2 tổ hợp và đạt kết quả cao”. Nhưng thầy Ca cho rằng đó là trường hợp học sinh phải thật sự giỏi đều các môn.

Hơn thế nữa, việc dồn sức cho 9 môn học không phải là điều dễ dàng và rất khó để đạt kết quả cao. Các em chỉ cần chọn 1 tổ hợp mình yêu thích và tổ hợp này đáp ứng có trong những môn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Một lưu ý đối với học sinh chọn 2 tổ hợp là: các em đăng ký cả 2 bài tổ hợp thì phải thi cả 2. Nếu bỏ 1 môn trong 2 bài thi sẽ không được xét tốt nghiệp!

TS. Phạm Tấn Hạ- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh- cho rằng: Căn cứ đầu tiên để chọn môn thi/bài thi là năng lực. Các em nên chọn bài tổ hợp tùy thuộc vào năng lực của mình.

Đối với học sinh đã tốt nghiệp trung cấp muốn xét tuyển ĐH phải hoàn thành các môn văn hóa THPT và muốn thi lấy bằng tốt nghiệp thì phải có học bạ THPT. Những thí sinh nếu muốn xét tuyển ĐH thì phải đánh vào mục số 9.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Khương- Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) thông tin những điểm mới đến học sinh lớp 12 năm nay. Nói về nguyện vọng, ông cho biết: Các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, các trường cũng phải xét tuyển nguyện vọng bình đẳng.

Tuy nhiên, càng nhiều nguyện vọng thì phí càng cao. Năm 2018, Vĩnh Long có 1 học sinh đăng ký đến 21 nguyện vọng. Với lệ phí xét tuyển 1 nguyện vọng 30.000đ, em này đã tốn 630.000đ cho xét tuyển.

Chọn ngành và tổ hợp

Phụ huynh cùng tìm hiểu thông tin, đồng hành, hỗ trợ con chọn ngành nghề phù hợp.
Phụ huynh cùng tìm hiểu thông tin, đồng hành, hỗ trợ con chọn ngành nghề phù hợp.

Có 190 tổ hợp xét tuyển, đây là cánh cửa rất lớn cho thí sinh chọn lựa và có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Điều này đòi hỏi thí sinh cần có chọn lựa tổ hợp môn thông minh, phù hợp với ngành học.

Ví dụ, có những thí sinh chọn môn dễ đậu nên sử dụng tổ hợp xã hội để xét tuyển các ngành kỹ thuật. Sinh viên Trần Thị Ngọc Trúc- ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long)- cho biết: Ngành học này học rất nhiều về Toán và Hóa nên các bạn giỏi, khá 2 môn này nên chọn lựa.

Việc lựa chọn môn thi rất quan trọng vì không chỉ để trúng tuyển mà còn ảnh hưởng đến ôn tập và cả quá trình học tập sau này. Không ít sinh viên không thể ra trường hoặc bỏ ngang chương trình học vì đã chọn nhầm tổ hợp.

Khi nào nên điều chỉnh nguyện vọng? Theo quy định, thí sinh có quyền điều chỉnh lại sau khi đã có kết quả thi THPT quốc gia. Khi đó thí sinh có thể điều chỉnh trực tuyến (không thêm số nguyện vọng) và điều chỉnh bằng giấy (có tăng số nguyện vọng). Thí sinh chỉ chọn 1 trong 2 cách để điều chỉnh.

Tuy nhiên nếu đã cân nhắc kỹ lưỡng, thí sinh không cần quan tâm đến việc điều chỉnh nguyện vọng. Một trong những bí quyết thành công mà chuyên gia thường chia sẻ là “nếu có đam mê sở thích sẽ rất thành công, điều này có thể thấy ngay khi học, còn ngược lại thì có thể bị “mất lửa”.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khi tư vấn tuyển sinh tại Vĩnh Long cho rằng, vào bằng được trường mong muốn nhưng không đúng ngành học là điều không nên.

Các em không nên học theo phong trào, đã lựa chọn tổ hợp môn thế mạnh thì nên giữ ổn định. Nếu thích ngành sức khỏe phải có năng lực môn Hóa học và Sinh học, các ngành kỹ thuật là môn Vật lý, Toán… vì đây chính là nền tảng để học tập.

Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên có thể chọn đăng ký dự thi cả bài thi Ngoại ngữ để dùng điểm bài thi này xét tuyển sinh ĐH, CĐ; không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đó.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN