Xin đừng lặng im trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Kỳ 2: Bắt mạch căn bệnh xâm hại tình dục trẻ em

Cập nhật, 08:56, Thứ Sáu, 19/01/2018 (GMT+7)

 

Nhiều nạn nhân không dám tố cáo khi bị XHTD. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án cha xâm hại con mà gần 1 năm sau khi bị xâm hại nạn nhân mới trình báo.
Nhiều nạn nhân không dám tố cáo khi bị XHTD. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án cha xâm hại con mà gần 1 năm sau khi bị xâm hại nạn nhân mới trình báo.

Hàng loạt vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em xảy ra không chỉ làm bức xúc dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo cần bảo vệ trẻ em.

Nguyên nhân dẫn đến XHTD trẻ em rất nhiều: bị hại, bị can đều thiếu hiểu biết, do gia đình thiếu quan tâm, do tính phức tạp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là văn hóa phẩm độc hại trên Internet...

Thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm

Trẻ em thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu hiểu biết về cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ XHTD… đã dẫn đến những sự việc đau lòng. Điểm chung của hầu hết vụ án là nạn nhân (bé gái) đều thiếu sự quan tâm của gia đình.

Các bị hại đa phần sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa để con ở nhà; cha mẹ, anh chị em không quan tâm để trẻ sinh hoạt, đi lại một mình. Hay nói cách khác, gia đình, người thân quản lý trẻ em lỏng lẻo nên dẫn đến bị lợi dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long, trong nhiều vụ XHTD trẻ em, thủ đoạn của các đối tượng là do quen biết; có tình cảm từ trước; tổ chức uống rượu bia say sau đó quan hệ tình dục; lợi dụng người lớn không có ở nhà, thiếu sự quản lý của cha mẹ, trẻ đi một mình nơi vắng vẻ ít người qua lại, buồn chuyện gia đình bỏ nhà đi,… Sau khi thực hiện hành vi đồi bại thì kẻ thủ ác dọa giết, nếu các em tố cáo.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: do công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đạt hiệu quả cao. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị XHTD; thiếu sự quan tâm của gia đình…

Bé N.K.H. (10 tuổi, học sinh lớp 3, xã Thành Lợi- Bình Tân) bị người hàng xóm là Huỳnh Thanh Trung dụ xem phim đồi trụy rồi hắn thực hiện hành vi XHTD nhiều lần dẫn đến em có thai gần 5 tuần.

Cha mẹ bé H. ly thân nhiều năm, em H. được ông bà ngoại nhận nuôi dưỡng. Song, bà ngoại cũng lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, em H. ở nhà với ông ngoại.

Do không ruộng đất, hàng ngày ông ngoại cũng thường xuyên vắng nhà đi làm thuê nên sau giờ học em H. phải ở nhà một mình. Vì vậy, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Dù kẻ xâm hại bị tòa xử án chung thân vì tội “Hiếp dâm trẻ em” nhưng hậu quả mà em H. phải gánh chịu thật nặng nề.

Đại tá Phạm Văn Ngân- Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Luật quy định mọi hành vi giao cấu với trẻ dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm nhưng nhiều em không biết, thậm chí có bị hại còn cãi lại “vì em tự nguyện...” Rõ ràng nhận thức pháp luật của các em còn rất kém”.

Im lặng là đồng lõa với tội phạm

Tình trạng trẻ bị XHTD là có nhưng do ngại ngần, những chuyện này thường bị giấu kín. Một số người cho rằng các trường hợp được biết đến, gây xôn xao thời gian qua thật ra chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm.

Đa số phụ huynh có con là nạn nhân không muốn lên tiếng vì nhiều lý do, trong đó có phần sợ ảnh hưởng tới tương lai của con.

Vấn đề XHTD trẻ em luôn là vấn đề nóng, bị xã hội lên án... nhưng tại sao ít được phanh phui trước pháp luật?

Nguyên nhân đầu tiên là bởi sự im lặng và không dám lên tiếng của chính gia đình các nạn nhân; nguyên nhân thứ hai là khái niệm XHTD của chúng ta còn chưa đầy đủ và chung chung; nguyên nhân thứ ba là công cụ pháp lý hiện nay còn thiếu, chưa đủ để kết tội kẻ phạm tội.

11 tuổi, lẽ ra em Đ. (xã An Phước- Mang Thít) phải được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình.

Song, giờ đây bé phải sống trong nỗi sợ hãi, kinh hoàng khi bị chính người có máu mủ ruột rà xâm hại. Mẹ em Đ. lúc đầu khi nghe con kể chuyện bị ông nội và cha xâm hại, đã chọn cách im lặng vì sợ hãi những trận đòn của ông chồng có máu bạo hành.

Mẹ em Đ. la rầy, không cho con nói vì sợ “tao và mày bị đánh”. Còn em Đ. thì: “Cha “quýnh” con, cha với ông nội đòi “quýnh”, hăm chém chết nên con hổng dám nói với ai”.

Chính sự im lặng ấy đã khiến em bị xâm hại không chỉ một lần, chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Đến khi em Đ. nói việc này với bà ngoại và bà dẫn cháu lên cơ quan công an trình báo thì mẹ của Đ. còn…giận con.

Tâm lý sợ “vạch áo cho người xem lưng” đã ăn sâu vào nhiều người. Hàng chục học sinh tại Trường Tiểu học La Pan Tẩn (Lào Cai) bị bảo vệ Đỗ Văn Nam nhiều lần lạm dụng tình dục.

Đến khi các em không chịu đến trường, nhà trường và địa phương đến tận nhà vận động mới biết các em liên tục bị bảo vệ có hành vi dâm ô. Có một vài em đã bị lạm dụng suốt 3 năm nhưng vì sợ hãi nên không dám tố cáo.

Trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017, Lang Thanh Duẩn (SN 1959)- nguyên bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (xã Ea Pô, huyện Cư Jút- Đắk Nông) đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô với 6 học sinh (cùng SN 2006) tại khu vực nhà vệ sinh nữ và bãi xe của trường.

Điều đáng buồn là các em không báo ngay từ đầu mà để sau một thời gian dài bị xâm hại mới đưa sự việc ra pháp luật.

Thật ra, không chỉ ở Việt Nam, nạn nhân bị XHTD ở nhiều nước thường cảm thấy xấu hổ, sợ hãi và ít khi chịu trình báo. Người bị hại thường có xu hướng tự trách mình nhiều hơn là nghĩ đến lý do khách quan. Trong trạng thái mặc cảm về tâm lý, nghĩ mình là kẻ không sạch sẽ, là đồ bỏ đi, sợ bị mọi người dị nghị, phán xét…, trẻ sẽ chọn phương án im lặng, tự chịu đựng.

Mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị XHTD, kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Không những trẻ em gái, trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân bị XHTD.

 “Thủ phạm XHTD có thể là bất kỳ ai”- lời khẳng định nghiêm khắc của các chuyên gia như một yêu cầu với tất cả mọi người- Không chỉ trang bị hiểu biết để cảnh giác, bảo vệ trẻ em, lên án thủ phạm mà còn phải nâng cao ý thức với chính mình.

“Mục đích cuối cùng là chặt gốc rễ để không còn thủ phạm, không có nạn nhân” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ- Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Và cách mà bà muốn mọi người chọn cùng mình là lên tiếng, quyết liệt đến cùng trong những vụ việc cụ thể và mạnh mẽ cảnh báo trong tuyên truyền về hành vi phạm tội.

Vì vậy, nhằm phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, các ngành, đoàn thể các cấp và bản thân trẻ em.

Đề tài “Nghiên cứu tình hình XHTD tỉnh Vĩnh Long năm 2014- 2017” do BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Anh Tuấn, BS. Trương Thanh Hùng, BS Chuyên khoa II Nguyễn Minh Nhựt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) thực hiện. Qua nghiên cứu 123 trường hợp giám định XHTD trong 4 năm, trung bình mỗi năm 36 vụ. Tần suất số vụ ở Vĩnh Long tăng 2,5 lần tỉnh Khánh Hòa, gấp 1,5 lần so với Kiên Giang. Long Hồ là nơi có số vụ xảy ra nhiều nhất trong tỉnh. Số vụ trẻ em bị xâm hại chiếm 108/123 vụ, số lượng bị hại có hiểu biết chiếm tỷ lệ thấp 10/123 vụ. Đa số trường hợp bị hại có quen biết với đối tượng. Có 7 trường hợp có thai. Trong 108 vụ XHTD trẻ em trong tỉnh thì có đến 58 tuổi bị hại là trẻ em dưới 14 tuổi. Chỉ có 10/123 bị hại có trình độ THPT. Có 93 trường hợp có quen biết với bị hại, đặc biệt có 13 trường hợp là người thân trong gia đình. Hơn 60% bị hại bị dụ dỗ, kế đến là 16,3% do rượu.

>> Kỳ cuối: Ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em: Hãy quyết liệt vì tương lai!

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN