Đồng bào Khmer Trà Ôn cùng chính quyền nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Cập nhật, 07:16, Thứ Năm, 13/04/2017 (GMT+7)
Đường quang, nhà đẹp- nét mới ở nông thôn hiện nay. Ảnh: THANH TÙNG
Đường quang, nhà đẹp- nét mới ở nông thôn hiện nay. Ảnh: THANH TÙNG

Trà Ôn là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn, tập trung tại xã Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành, chiếm 45,5% dân số.

Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh- chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đời sống đồng bào Khmer trong huyện từng bước ổn định, bà con không chỉ nỗ lực vươn lên mà còn tích cực chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi dần bộ mặt phum sóc

Về các phum sóc trên địa bàn xã Trà Côn, Tân Mỹ, điều dễ nhận thấy là những căn nhà tường khang trang của bà con Khmer mọc lên ngày một nhiều hơn.

Bên cạnh các chương trình chính sách hỗ trợ nhà ở của Nhà nước, bà con còn có ý thức tự nỗ lực vươn lên, tích cực sản xuất, phát triển kinh tế tích lũy để xây dựng ngôi nhà thêm vững chắc.

Năm 2015, nhà ở tạm bợ trong đồng bào Khmer khá cao với 1.028 căn. Đến nay, tỷ lệ nhà ở tạm bợ chỉ còn 498 căn. Mục tiêu của huyện là đến cuối năm sẽ xóa nhà tạm trong đồng bào Khmer, nhà kiên cố bán kiên cố đạt 100%.

Kết quả đó, góp phần cùng chính quyền thực hiện đạt tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ- đánh giá về nhận thức của đồng bào khmer trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương:

“Qua 6 năm triển khai phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, nhìn chung đồng bào Khmer có nhận thức rõ rệt đặc biệt là phong trào xây dựng giao thông nông thôn.

Bà con đồng bào dân tộc Khmer đã tích cực hiến đất làm đường đê, đường giao thông nông thôn. Thứ 2 nữa là khi triển khai mô hình xây dựng nhà ở gắn với nhà vệ sinh tự hoại thì đồng bào Khmer rất là tích cực thực hiện tiêu chí môi trường”.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như ý chí phấn đấu vươn lên của bà con Khmer, Trà Ôn đã xuất hiện nhiều tấm gương người Khmer điển hình chí thú làm ăn, phát triển kinh tế, cùng chính quyền địa phương xóa nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer được kéo giảm đáng kể, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer được kéo giảm từ 2- 3%.

Tiêu biểu như hộ ông Thạch Thiên (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn) là một nông dân siêng năng, ham học hỏi, ý thức tự vươn lên bằng nghị lực của bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Ngoài trồng nấm rơm và tận dụng nguồn phân rơm để sản xuất rau màu, gia đình ông còn chăn nuôi vịt tăng thêm thu nhập, từ đó giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, vượt khó thoát nghèo.

Ông Thạch Thiên (ấp Ngãi Lộ B) chia sẻ: “Trước đây, gia đình khó khăn, tận dụng rơm làm nấm rơm rồi hết nấm rơm thì ủ rơm làm phân trồng rau màu. Cuộc sống cũng tạm ổn. Giờ đón Tết Chol Chnam Thmay cũng sung túc hơn, gia đình cũng thoải mái hơn”.

Bên cạnh việc chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội ở vùng có đồng bào Khmer sinh sống, chính quyền từng địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động để phát huy nội lực, huy động sức dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo các phum sóc thêm khởi sắc. Nhất là khi xây dựng các công trình phát triển kinh tế- xã hội như làm đường, đê bao, trường học,…

Đồng bào Khmer ai nấy đều phấn khởi và tự nguyện hiến đất hoa màu, kiến trúc góp ngày công lao động, nhiều bà con còn tham gia xây dựng cột cờ đèn đường, trồng hoa ven đường tạo vẻ mỹ quan cho địa phương.

Ông Thạch Hương (ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ) nói: “Chỗ đồng bào Khmer mỗi hộ ra một cây cột cờ cho thôn xóm mình được vui vẻ, sáng sủa. Đi động viên, thấy hộ nào cũng thống nhất, phấn khởi. Mừng là sắp tới mấy ổng cũng bàn chuyện lên đèn đường cho sáng tỏ, cho cô bác mình qua lại, phòng, tránh được kẻ gian”.

Ông Thạch On (ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ) là người tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào địa phương.

Ông vừa hiến 200m2 đất để làm công trình đê bao. Ông bộc bạch: “Từ khi Nhà nước có hướng đầu tư làm công trình đê bao ở đây thì bà con Khmer quá mừng, vừa tránh được ngập lụt vừa đảm bảo hoa màu, tiện việc sản xuất. Đa số bà con Khmer ở đây ủng hộ cho công trình làm được sớm để bảo đảm việc đi lại, đảm bảo cho việc sản xuất hoa màu”.

Sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Trà Ôn đã đổi thay rõ rệt, nhất là sự thay da đổi thịt tại các phum sóc trên địa bàn huyện. Kết quả đó, một phần nhờ vào sự đoàn kết một lòng của bà con với cấp ủy chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Tết Chol Chnam Thmay năm nay, nhiều bà con Khmer trên địa bàn huyện Trà Ôn vừa vui mừng đón năm mới trong ấm cúng sung túc vừa phấn khởi khi quê hương mình ngày càng đổi mới, tươi đẹp.

KIM BẰNG