Nghề của lòng nhân ái

Cập nhật, 15:52, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

Ở Việt Nam, công tác xã hội (CTXH) hiện được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội.

Đây là một nghề xứng đáng với tên gọi “nghề của lòng nhân ái”chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Bên cạnh đó, còn có những con người thầm lặng luôn hết lòng vì công tác xã hội.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh xem ”Trung tâm là nhà, đối tượng xã hội là người thân”.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh xem ”Trung tâm là nhà, đối tượng xã hội là người thân”.

Sẻ chia lòng nhân ái

Với tấm lòng thiện nguyện cứu người, những bác sĩ, lương y đã về hưu ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại não Nguyễn Ngọc Điểu nhiều năm qua đã góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật mà trẻ khuyết tật phải gánh chịu.

Lúc đầu, cơ sở chỉ nhận có 10 cháu, hiện nay, số cháu đến điều trị từ 1 đến 16 tuổi đã vượt con số 40, gồm nội trú và ngoại trú. Để thực hiện tâm nguyện, các bác sĩ và lương y luôn dành hết thời gian vào việc chữa trị, đồng thời hướng dẫn người nhà biết cách chăm sóc con cháu.

Từ sự nhiệt tâm của các bác sĩ, đã có nhiều trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng và có thể đến trường đi học như những đứa trẻ bình thường khác.

Với tình thương của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Phường 8- TP Vĩnh Long), hơn 17 năm qua, hàng trăm đứa trẻ bất hạnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Phường 8 và các địa phương lân cận đã được sinh hoạt, học tập tại lớp học của lòng nhân ái.

Ở lớp học đặc biệt này, hơn 2/3 số các em đều mang trong mình căn bệnh thiểu năng trí tuệ, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm HIV,… và gia cảnh của các em đều gặp nhiều khó khăn. Có em học đến 5 năm chỉ biết được 2 chữ a, o.

Có “học trò” ngoài 30 tuổi, đi khập khiễng do bệnh bại não vẫn đều đặn tới lớp. Hành trình để các em biết chữ, biết con số thật gian nan, song cô Nga vẫn cố gắng duy trì lớp học để các em có niềm vui học tập như bao trẻ em khác.

Lớp học nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm. Trong đó, phần lớn là những giáo viên đã nghỉ hưu, học trò cũ của cô và chính quyền địa phương. Người thì tặng bánh, tặng sữa, người lại cho tập vở, có cơ quan thì tặng bàn ghế,… vì vậy việc duy trì lớp học cũng có phần thuận lợi hơn.

Bên cạnh việc dạy chữ, dạy đạo đức, cô Nga còn như người mẹ thứ hai của các em. Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui của những đứa trẻ bất hạnh này, bởi quan trọng hơn những giá trị vật chất mà cô Nga đã mang lại cho các em là tình thương ấm áp để các em có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống.

Cô Nga tâm sự chưa bao giờ có ý định sẽ ngừng dạy: “Khi nào cô còn đứng được thì khi đó lớp học vẫn còn tiếp tục duy trì, dạy đến khi nào lực bất tòng tâm thì thôi”.

Mái nhà hạnh phúc

“Chúng tôi luôn xem các đối tượng xã hội là người thân, người nhà; là ba, là mẹ đối với các trẻ mồ côi để tận tụy chăm sóc họ”- ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long- chia sẻ về công việc của cán bộ công nhân viên tại trung tâm.

So với tổng số các nhóm đối tượng đang được trung tâm này quản lý, chăm sóc thì phải có 92 nhân viên nhưng hiện chỉ có 66 (kể cả gián tiếp). Do ít người nên các nhân viên phải cố gắng choàng giúp việc cho nhau.

Gần 170 người già neo đơn, trẻ em bị bỏ rơi, người bệnh tâm thần, người khuyết tật, mỗi người có một hoàn cảnh. Song, khi vào trung tâm, nơi đây thực sự là mái nhà chung, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cuộc đời.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc cho các đối tượng bệnh tâm thần mới hiểu rằng, việc này không phải ai cũng làm được.

Từ việc ăn, uống thuốc, giặt quần áo, thậm chí tắm cho bệnh nhân. Các chị cho biết nguy cơ “bị hứng đòn” là thường xuyên xảy ra, còn chuyện nghe bệnh nhân chửi mắng là mỗi bữa. Ở phòng chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, có gần 40 trẻ.

Các chị phải chia ca trực 24 giờ với cả khối công việc như: tắm, giặt, vệ sinh, cho bé ăn, bú, ngủ,... Với những trẻ bị bại não, rối loạn thần kinh vận động,... thì cực gấp 2- 3 lần trẻ bình thường. Vất vả như thế nhưng các chị vẫn vui và gắn bó với công việc suốt nhiều năm dài.

Chị Thạch Thị Ra Đô (hộ lý) cho biết: “Tuy vất vả nhưng lúc đùa giỡn với các bé, thấy bé nói chuyện ngây thơ vui vẻ, mình cũng thấy vui. Mình sẽ cố gắng bù đắp cho các cháu có đủ tình thương để không mặc cảm với mọi người trong xã hội”.

Còn chị bảo mẫu trẻ Phan Thị Bảo Anh tâm sự: “Tôi nhớ sáng lên nhận ca làm thì các bé gặp rất là mừng, nói con xách giỏ cho má, con xách đồ cho má. Về thì tạm biệt má, mai nhớ lên với con, làm cho mình rất xúc động. Chăm riết thương mến như con cháu mình luôn. Làm ở đây phải có tấm lòng thương trẻ, thương đối tượng xã hội mới gắn bó lâu dài được”.

Vì hoàn cảnh côi cút, em Nguyễn Kim Tuyết Nhung- lớp 10 Trường cấp II- III Phú Quới (Long Hồ) đã ở đây gần năm.

Em đã đón cái tết vui đầu tiên ở mái ấm yêu thương này và trân trọng, biết ơn “các ba, các má” ở đây:

“Các má thương tụi con lắm, lo cho tụi con từng miếng ăn giấc ngủ, bù đắp cho con sự thiếu thốn tình thương. Ở đây giống như là gia đình vậy, con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành một công dân tốt cho xã hội, cống hiến giống như mấy má vậy, chăm sóc lại cho các em nhỏ được đầy đủ tình thương”.

Theo ông Trần Ngọc Chi, các đối tượng ở đây được quản lý, chăm sóc, điều trị, tham gia các hoạt động nâng sức khỏe thể chất, tinh thần. Đồng thời, các cháu trong độ tuổi được chăm lo, cho theo học tại các trường phổ thông.

Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, đơn vị còn tích cực vận động các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ để đảm bảo chất lượng đời sống cho các đối tượng.

Tất cả nhân viên trung tâm đều qua tập huấn về CTXH, song để làm tốt nghề CTXH thì cần nhiều kỹ năng, kiến thức nghề, được đào tạo kỹ năng mềm và đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp.

 
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Doãn Mậu Diệp, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo hơn 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau và việc phát triển nghề CTXH theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế sẽ góp phần giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội, qua đó đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN