Mô hình... không muốn "tự giới thiệu"

Cập nhật, 15:12, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Thời gian gần đây, cánh nhà báo và một số nhà nông xuất hiện “mâu thuẫn nhỏ” trong khâu hợp tác để đưa về các mô hình sản xuất tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một vài nhà nông e ngại “sau khi đưa lên báo đài” thì việc sản xuất, làm ăn có thể gặp khó?

Cần thông tin, tuyên truyền nhân ra những mô hình làm ăn hiệu quả để góp phần xây dựng NTM.
Cần thông tin, tuyên truyền nhân ra những mô hình làm ăn hiệu quả để góp phần xây dựng NTM.

Tại cuộc giao lưu tăng cường hợp tác tuyên truyền giữa Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long và huyện Bình Tân hồi đầu tháng 10 vừa qua, vấn đề này cũng đã được bàn thảo khá sôi nổi.

Chúng tôi chuyên đi viết về đề tài xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thường tìm hiểu viết về các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhằm góp phần mở rộng thông tin để giúp tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân. Nhưng không ít người dân dè dặt và từ chối khéo…

Tại xã H., chúng tôi được cán bộ nông nghiệp giới thiệu đến tìm hiểu viết về phong trào người dân trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ xã nhiệt tình hướng dẫn đến tận nơi nhưng gia chủ N.M.Q. chỉ đồng ý cho chụp ảnh, quay phim bên ngoài chứ nhất quyết không cho vào vườn vì “sợ vườn cam tôi tiêu hết…”.

Khi tiếp xúc tìm hiểu mô hình trồng cam của ông T.V.T. ở xã Đ. thì ông T. có thoáng hơn là cho chụp hình chứ không cho quay phim. Lý do, ông T. nói: “Năm ngoái, ông sui tui ở Tân Quới có mấy công khoai đang tươi tốt, quay phim xong nó… héo dây hết trơn”.

Chị H. ở xã khác thì kể: “Trước đây, nhóm chúng tôi cũng có lần nghiên cứu trồng nấm bào ngư. Sau thời gian trồng thử nghiệm cho hiệu quả rất cao, nấm ra tươi tốt, nhưng “quay phim- chụp ảnh” rồi thì… bán không được, mô hình bị phá sản khi phải bỏ vốn đầu tư không nhỏ”.

Tại cuộc giao lưu tăng cường hợp tác tuyên truyền giữa Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long và huyện Bình Tân hồi đầu tháng 10 vừa qua, vấn đề “ngại thông tin” của nhiều người dân trên địa bàn huyện với phóng viên báo, đài cũng được bàn thảo khá sôi nổi.

Về phía huyện cho rằng, sẽ tiếp tục vận động người dân để nhận thức rõ hơn về việc thông tin, tuyên truyền trên báo, đài là có lợi chung cho cả địa phương và xã hội. Nếu nhà nông trồng trọt, chăn nuôi có bị thất bại, cần đi sâu, tìm hiểu rõ nguyên nhân để lý giải thấu đáo.

Trong quá trình tác nghiệp tại xã T.A., một cán bộ địa phương cho biết, cũng có hiện tượng sau khi đưa tin thì mô hình thất bại. Là do “trâu buộc ghét trâu ăn”, khi thấy mô hình của người khác làm ăn giỏi hơn mình, vài người xấu so đo, tức tối nên bỏ hóa chất độc hại vào nguồn nước tưới, làm cho rau màu của người khác để gây thiệt hại. Vậy là “quay phim, chụp ảnh” bị tiếng oan.

Một yếu tố nữa, mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cao, sau khi thông tin rộng rãi, nhiều đoàn này tới tổ chức kia đến tham quan, cũng gây không ít phiền toái cho những người xây dựng được mô hình.

Hơn nữa, trong điều kiện thị trường đầu ra cho nông sản chưa ổn định, mô hình hiệu quả sẽ nhanh chóng được “bắt chước” nên gây khó cho khâu tiêu thụ sản phẩm. Điều đó khiến cho không ít người chỉ muốn lặng lẽ làm mà không muốn thông tin rộng.

Hiện nay, nhiều vị lãnh đạo tỉnh, ngành vẫn đang quan tâm tại sao chúng ta có rất nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hay, hiệu quả cao, nhưng qua nhiều năm vẫn khó nhân rộng được?

Thiết nghĩ, khi việc sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi đi vào căn cơ bài bản, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, thì mâu thuẫn giữa người sản xuất và người đưa thông tin là rất cần cho nhau để đồng hành cùng phát triển.

Thông tin, tuyên truyền mô hình hay, hiệu quả để nhiều người cùng biết, cùng học hỏi, chia sẻ và rút kinh nghiệm chính là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện tốt tiêu chí thu nhập xã NTM trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Quy trình từ gieo trồng, chăm bón, thu hoạch và chế biến rượu nho của nước Pháp đã hình thành hàng trăm năm, không ít lần được ống kính truyền hình miêu tả tỉ mỉ cho mọi người biết, từ đó, nó phát triển mạnh khắp thế giới- là một minh chứng.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT