Dạy nghề, tạo việc làm nhìn từ nhu cầu và lợi thế địa phương

Cập nhật, 08:16, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Nổi lên trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Vũng Liêm thời gian qua được cho là: dạy những nghề người dân có nhu cầu, nguyện vọng và gắn với đặc thù, lợi thế địa phương.

Mô hình trồng nấm rơm ở Trung Thành Tây trong một khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Mô hình trồng nấm rơm ở Trung Thành Tây trong một khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Dạy những nghề người lao động cần

Ngày 12/12/2016, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Vũng Liêm phối hợp xã Trung An tổ chức bế giảng lớp dạy nghề “Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm và kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc” cho hơn 60 lao động nông thôn tại ấp An Lạc II. Những học viên nông dân đã “tốt nghiệp” sau 150 tiết học thực học. Ở nhà họ, đa phần đã có chăn nuôi đại gia súc (bò), gà và ít nhiều có kinh nghiệm sản xuất.

Giảng viên Nguyễn Minh Trí ở Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản tại TP Cần Thơ khi đứng lớp nói đã dạy rất gọn cho bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu.

“Những nông dân bây giờ đã chú trọng nhiều vào thực hành chăn nuôi, trong đó rất chú ý tới tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Họ có kiến thức và thực tế chăn nuôi khá tốt, nên kỹ thuật trong chăn nuôi chỉ cần cập nhật cao hơn để đạt hiệu quả sản xuất”- giảng viên Trần Minh Trí chia sẻ.

Đây là một trong nhiều lớp dạy nghề lao động nông thôn mà Trung tâm GDNN- GDTX phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng và chính quyền cấp xã ở Vũng Liêm mở cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Mười Một- Phó Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX huyện Vũng Liêm cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 36 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn- Đề án 1956) được mở với hơn 1.000 học viên tham gia.

“Đầu năm chúng tôi gửi phiếu khảo sát đến xã, xã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của người dân địa phương để biết họ có nguyện vọng, yêu cầu gì đối với ngành nghề cần học. Từ đó, trung tâm sẽ phối hợp, thỉnh giảng giáo viên các trường ĐH ở TP Cần Thơ, Trà Vinh về dạy”- ông Nguyễn Văn Mười Một nói điểm tích cực trong việc đem nghề đến cho lao động nông thôn hiện nay.

Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế lại những ngành nghề ít phù hợp thực tế và yêu cầu công việc sau khi học như: nữ công gia chánh, nấu ăn, tin học.

Theo ông Võ Văn Nhiên- Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trung Thành Tây, tại xã bây giờ chủ yếu bà con có nhu cầu học hỏi những nghề phù hợp tại địa phương như: chăn nuôi bò, gà và trồng lúa, nấm rơm...

Còn theo ông Trần Văn Lực- Phó Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, với hơn 1.000 lao động nông thôn được đào tạo dạy nghề trong năm, đã đạt chỉ tiêu ngành tỉnh và Nghị quyết Huyện ủy.

Kết quả giải quyết việc làm sau đào tạo ước đạt 85% trở lên. Đáng chú ý, kết quả khảo sát mới đây khoảng 10 lớp dạy nghề với từng người lao động, thì học xong có việc làm, “có cơ sở để áp dụng kỹ thuật, kiến thức vào sản xuất” ở một số nghề đã đạt rất cao.

Nghề và việc phải gắn với đặc thù, lợi thế địa phương

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Trung Thành Tây nói: Năm nay, kết hợp mở được 3 lớp dạy nghề nông thôn (2 lớp nuôi gà, 1 lớp trồng nấm rơm) với 99 học viên.

Năm ngoái, mở 5 lớp, gồm 1 lớp tin học, 1 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 1 lớp chăn nuôi gà, 2 lớp chăn nuôi bò với tổng số 151 học viên, khá nhiều so các địa bàn trong huyện. Cũng năm nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa, trồng nấm rơm, nuôi bò, gà,... cho hàng trăm nông dân tại xã.

Hơn 60 nông dân ở ấp An Lạc II (xã Trung An) tốt nghiệp khóa học nuôi bò, gà hôm 12/12. Điều được lớn nhất với họ là kiến thức về tiêm phòng và chăm sóc đàn gia cầm, gia súc tốt.
Hơn 60 nông dân ở ấp An Lạc II (xã Trung An) tốt nghiệp khóa học nuôi bò, gà hôm 12/12. Điều được lớn nhất với họ là kiến thức về tiêm phòng và chăm sóc đàn gia cầm, gia súc tốt.

Thầy Lê Quang Khải- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành Tây A cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã cho biết: Trung tâm khảo sát tất cả các ấp, coi người dân cần kiến thức gì, có nguyện vọng gì về ngành nghề, từ đó tham mưu cho xã, rồi phối hợp Trung tâm GDNN- GDTX mở lớp.

Theo lời ông Nguyễn Thanh Hùng và thầy Lê Quang Khải, cái được lớn nhất trong đào tạo nghề thời gian qua là đã “thể theo nhu cầu, nguyện vọng nông dân; chủ động thời gian, địa điểm và chính vì dạy cái họ cần, cái họ đã có cơ sở sẵn (bò, nấm rơm, lúa) nên đầu ra lao động nông thôn được giải quyết tốt sau mỗi khóa học”.

Giảng viên Nguyễn Minh Trí hôm 12/12 vừa đến nơi dự tổng kết tại xã Trung An đã vác ngay ba lô lên “đi chích phòng bệnh bò giúp một nông dân”. Ông nói lớp học đã xong nhưng không phải kết thúc. Bà con có thể liên lạc mọi lúc qua điện thoại để chia sẻ, để được tư vấn thêm cách thức phòng bệnh, chăm sóc bò, gà tốt nhất.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở Trung Thành Tây nói: chính giảng viên, chuyên gia nông nghiệp với sự nhiệt tình giảng dạy, tiếp cận trực tiếp mô hình nuôi trồng do bà con gầy dựng đã “làm nông dân khoái, hứng chí mà hoàn thành tốt khóa học và áp dụng vào sản xuất hiệu quả”.

Nói con số ước gần 3.000 lao động được giới thiệu việc làm trong năm qua, ông Trần Văn Lực chỉ ra, ngoài lao động làm việc tại các khu- cụm công nghiệp trong ngoài tỉnh thì lao động ở nông thôn với lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) hay dịch vụ cũng rất đa dạng.

Ông cho biết hướng tiếp theo, ngành sẽ nỗ lực đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn “gắn với lợi thế địa phương”.

Khuyến khích dạy nghề gắn với giải quyết việc làm liền, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh kế, tái cơ cấu nông nghiệp và đặc thù từng địa bàn.

 

Theo tìm hiểu thực tế, có nhiều địa phương ở Vũng Liêm đang phát triển rộ cam sành trên đất lúa; vùng làm nấm rơm; vùng trồng và xe lõi lác; và có ấp “ngày trước chỉ một ông thầu xây dựng, thì nay có vài ba ông thầu”. Chính vì vậy, lao động nông thôn cần cho các nghề nuôi trồng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ xây dựng cơ bản khá cao.

Bài, ảnh: MINH THÁI