Nhọc nhằn nghề thông cống, thoát nước

Cập nhật, 14:47, Thứ Tư, 02/11/2016 (GMT+7)

Không kể ngày đêm, mỗi khi triều cường dâng cao, trong dòng người và xe cộ lại xuất hiện những chiếc áo đồng phục màu xanh, họ- những công nhân thoát nước đô thị- lại vất vả bơm thoát nước giảm ngập đường hay ngâm mình trong nước cống đen ngòm, bốc mùi khó chịu để thông cống, rút nước.

Công nhân chuẩn bị bơm thoát nước trong mùa mưa lũ.
Công nhân chuẩn bị bơm thoát nước trong mùa mưa lũ.

Ngâm mình trong dòng nước đen ngòm

Mùa mưa, nước lũ tràn về khiến đô thị lỉnh bỉnh nước rồi tắc cống, nghẹt ống, rác thải, sình bùn ùa nhau xuống cống. Vào đỉnh điểm mùa lũ, nước ngập sâu có nơi hơn nửa bánh xe, có nơi nước cống tràn lên, đen xì, bốc mùi hôi thối khiến nhiều người không khỏi e ngại, chỉ cần đặt chân xuống thôi là đã thấy ngứa.

Ấy vậy mà, trong những đường cống ngầm đen ngòm ấy lại có những con người ngày đêm túc trực lúc mưa lũ để giữ cho cống thông, đường thoáng, cho đô thị sạch, đẹp hơn.

Khàn giọng vì cảm do phải trực lũ liên tục, anh Võ Văn Thành- Tổ trưởng tổ thoát nước (Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) tâm sự: “Sáng, tối đi trấn nắp quạt, bây giờ bị cảm, tới mùa mưa trực liên tục, ai cũng muốn bệnh mà phải ráng.

Hễ tới mùa này là ai cũng “oải”- nhất là lúc nước lớn lại gặp trời mưa. Năm nay, con nước cao hơn mọi năm nên càng nhiều việc hơn nữa”.

Theo chân anh Thành đến kho hàng của công ty nằm trong khuôn viên Công viên TP Vĩnh Long, hơn chục người đang chuẩn bị đồ nghề cho công việc của mình.

Theo anh Thành, ở những khu vực triều cường, công nhân thoát nước phải đi làm lúc 1- 2 giờ sáng là chuyện thường bởi phải canh từng con nước và thức sớm hơn con nước 2- 3 tiếng để chuẩn bị.

Nếu là hố ga thoát nước thì chỉ cần đứng xuống hốt rác, còn với những cống lớn, anh em phải chui xuống dưới, có khi nước ngập tới ngực.

Anh Thành chia sẻ, trong các khâu thì cực nhất là đóng nắp quạt, bởi phải thường xuyên trầm mình trong nước để chống nắp quạt dưới miệng cống.

Dù bên ngoài giáp sông đã có bố trí các van tự động bằng sắt kiên cố khóa một chiều, nhưng vẫn phải có thêm nắp quạt bằng gỗ để khắc phục hệ thống cống cũ, hoặc đường thoát nước từ nhà hộ dân tự phát chảy tràn,…

Dưới dòng nước đen ngòm, anh Lý Thanh Trang- tổ thoát nước vẫn phải trầm mình gần 20 phút mới thay xong miếng bạt cho một nắp cống. Anh nói, khi nước ròng mình cũng phải lội xuống mở nắp để nước sinh hoạt của người dân tháo ra sông.

Chú Hoanh- gắn bó với nghề gần 20 năm- chia sẻ: Càng bẩn thì càng phải dọn, vì nếu không, trời mưa cống sẽ tắc, nước không thoát được, đường càng ngập hơn. Nếu mùa mưa thì công việc chủ yếu là xử lý hệ thống thoát nước; còn tới mùa khô thì phải nạo vét cống, còn cực dữ nữa.

Công nhân phải ngâm mình trong nước cống cho tới khi lòng cống được nạo vét xong. Nào là dầu nhớt, xác động vật, thức ăn thừa... bốc mùi không chịu nổi, chưa kể còn có mảnh chai, mảnh kiếng, bọc ny lông… tất cả đều phải được vớt lên.

Mong người dân có ý thức hơn

Ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm để thông cống, cho việc thoát nước dễ dàng hơn.
Ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm để thông cống, cho việc thoát nước dễ dàng hơn.

Ông Phan Thanh Hiền- Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường cho biết: Hiện tổ thoát nước có 14 tổ viên, khi mưa to, tổ phải túc trực và bơm nước hàng giờ liền.

Máy bơm đa phần cũ kỹ, công suất nhỏ. Những ngày triều dâng cao, nước tràn cả những con đường trung tâm Phường 1 là các máy bơm chạy gần như liên tục.

Nhiều công nhân cho biết, khoảng 10 năm trước nước ngập không nhiều như bây giờ. Giờ nhà cửa nhiều nhưng đường cống xuống cấp, lại thêm một số người dân thiếu ý thức, cứ xả rác xuống cống nên ngập hoài.

Trời tối mịt, chúng tôi gặp những anh em trong đội đắp bao cát. Họ đang lui cui chuẩn bị đắp bờ bao cát. Thắc mắc tại sao không đắp luôn mà chờ nước lên thì họ cho biết, chủ nhà không cho đắp cát trước vì sợ ảnh hưởng đến việc buôn bán, đi lại nên chỉ còn cách chờ nước tới chân mới… đắp.

Anh Phan Thanh Hiền cho biết thêm: Nhiều con hẻm thấp, địa phương vận động và người dân hiểu thì chúng tôi đỡ cực. Bởi nếu ở đâu chịu xây kiên cố bờ chặn nước hoặc cho đắp bao cát thì khỏi lo.

Đằng này còn nhiều nơi chúng tôi muốn đắp mà dân không cho vì sợ cản trở lưu thông cho gia đình, hoặc nước tràn ngược lại vào nhà họ,…

Giá như mọi người có ý thức hơn, tiếp sức, đồng thuận với chúng tôi trong công tác chống ngập, đừng cái gì cũng thải xuống cống rãnh thì công việc của chúng tôi bớt vất vả hơn.

Vất vả là vậy, nhưng “chúng tôi vẫn thấy vui vì làm việc có ích cho xã hội”- anh em công nhân cho biết. Và niềm mong muốn đơn giản của họ là mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường, góp sức giữ gìn hệ thống thoát nước, không xả rác, bịt lấp, lấy cắp nắp hố ga, bảo đảm cho việc thoát nước an toàn, hiệu quả. Tất cả cũng để có được đô thị sạch, đẹp và thông thoáng.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng cho biết, để kéo giảm tình trạng nước ngập, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp khác, như: vận hành van tự động để ngăn nước triều cường, bơm nước hay đắp bao cát ngăn nước… Đồng thời cho nhân viên trực xuyên suốt các điểm nóng thường xuyên xảy ra ngập lụt để kịp thời khắc phục khi có sự cố.

Bài, ảnh: ANH THẢO