Mùa mưa: lo cây xanh đổ ngã

Cập nhật, 15:24, Thứ Tư, 14/09/2016 (GMT+7)

Bước vào mùa mưa, thông tin về nhiều vụ cây xanh đổ ngã làm thiệt hại về tài sản, thậm chí gây thương vong ở các thành phố lớn, khiến không ít người dân đô thị lo lắng. Ở TP Vĩnh Long, tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra tai nạn này.

Một cây dầu lâu năm bị nghiêng ra đường và đã được xử lý.
Một cây dầu lâu năm bị nghiêng ra đường và đã được xử lý.

Lo cây cao, cổ thụ

Cây xanh ở đô thị không chỉ giúp che bóng mát mà còn khiến không khí trong lành, hạn chế ô nhiễm. Song, không ít cây xanh ở đô thị, nhất là cây cổ thụ lâu năm tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ.

Lo lắng, chú Nguyễn Văn Nam (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: “Nghe thông tin cây lớn ngã ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tôi rất lo. Thành phố mình cũng có rất nhiều cây lớn và cũng đã từng xảy ra trường hợp cây ngã, tét nhánh”.

Theo Xí nghiệp Công viên cây xanh, hiện trên địa bàn TP Vĩnh Long có hơn 2.200 cây mới trồng (dưới 2 năm), gần 5.500 cây loại 1 (trên 2 năm) và có 268 cây cổ thụ (cây loại 3: có tuổi thọ 10 năm trở lên, đường kính từ 50cm, có chiều cao từ 12m), chủ yếu là các loại cây sao, dầu, sanh, xà cừ, cồng, hoàng hậu, chiêu liêu, bã đậu, lim xẹt..., tập trung nhiều ở công viên thành phố, bảo tàng, đường Hưng Đạo Vương, đường Trưng Nữ Vương (Phường 1), Lê Thái Tổ (Phường 2)...

Ông Ngô Thành Thía- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng cho biết: Trong mùa mưa, chỉ cây cổ thụ mới lo đổ ngã, cây còn nhỏ không đáng lo, những cây nào có dấu hiệu mục là đốn liền.

Tuy nhiên, đáng lo hiện nay là có một số cây có nguy cơ đổ ngã cao, nhất là cây cồng. Hiện trong nội ô thành phố còn 6 cây cồng cổ thụ tập trung ở đường Trưng Nữ Vương.

Đặc tính của cây cồng là thân giòn, tán nặng, lá rụng, ít bóng mát và rễ ăn ngang, không biết rễ mục lúc nào, đồng thời, khi có mưa lớn, dông, hoặc mưa dầm thì đất mềm có nguy cơ ngã đổ. Bên cạnh đó, cây xà cừ cũng dễ ngã đổ, do rễ cây ít, ăn ngang. Ông Ngô Thành Thía dẫn chứng: ở các thành phố lớn, khi xảy ra ngã đổ cây xanh thì phần lớn là cây xà cừ.

Không chỉ 2 loại cây trên, theo bà Lê Thị Tuyết Nga- Giám đốc Xí nghiệp cây xanh: cây sò đo cam, cây bã đậu cũng là loại cây dễ đổ ngã, đây cũng là 2 loại cây liệt vào danh sách cấm trồng ở đô thị.

Trong đó, cây sò đo cam là thực vật ngoại lai xâm hại, dễ phát tán, còn cây bã đậu nhánh giòn, trái to, lá có mủ, nguy hiểm cho người đi đường khi trái rụng xuống. Hiện thành phố còn hơn 10 cây bã đậu, tập trung ở đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1).

Về vấn đề cây đổ ngã, bà Lê Thị Tuyết Nga nói thêm: Bây giờ cây trồng dễ đổ ngã hay không còn do đất trồng, khi đào trồng cây đụng cống, ống nước, nên cây khó bám sâu vào đất, tình trạng đào lên lấp xuống nhiều làm cây bị đứt rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Một nguyên nhân khác nữa là do người trồng, thấy ở địa phương khác cây ngã còn nguyên bọc ny lông ở gốc, nên bật gốc khi có mưa lớn là điều hiển nhiên.

Chú trọng công tác bảo dưỡng cây xanh

Từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp Công viên cây xanh đã trồng mới 18 cây thay cho 17 cây loại 1 bị sâu bệnh và 1 cây gãy đổ (đốn 17 cây loại 1), di dời 26 cây (trồng dặm 12 cây, giảm khối lượng 14 cây).

Đang vào đợt tăng cường rong mé, anh Đỗ Văn Nghiệp- Tổ trưởng tổ cây xanh của xí nghiệp, nói: Gần đây cây ít đổ ngã xảy ra do kiểm tra thường xuyên, xử lý cây nghiêng, rong nhánh. Theo đó, sẽ ưu tiên mé, rong tàn cây cổ thụ cây lớn trong mùa mưa, đồng thời kết hợp mé nhánh loại 1, loại 2.

Ông Ngô Thành Thía cho biết thêm, đối với những cây có nguy cơ đổ ngã, cho kiểm tra sâu bệnh, mục, rong mé, tán cành để giảm bớt độ nặng, hạn chế bật gốc. Hiện nay, đối với vỉa hè rộng không vướng dây điện, tập trung trồng sao, dầu, bằng lăng.

Qua thời gian cho thấy, 3 cây này phù hợp trồng ở đô thị bởi có rễ cọc, bám sâu vào đất, ít rụng lá, trong đó, cây sao, dầu chịu nắng hạn tốt, tán rộng, có bóng mát. Riêng cây bằng lăng, hoa đẹp nhưng trái nhiều, do đó sau đợt ra hoa sẽ cho cắt tỉa, thu gom trái vì nếu rơi xuống lộ sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tương tự, bà Nga cũng nói: Dù biết một số loại cây có nhánh giòn, dễ gãy nhưng vẫn phải giữ cây cổ thụ cho đô thị, theo đó sẽ cho khảo sát, kiểm tra thường xuyên nhất là trong mùa mưa.

Đồng thời, vận động người dân bảo vệ cây xanh. Tuy nhiên, gần đây tại một số tuyến đường có mặt bằng đẹp, để tạo sự thông thoáng, một số người dân đã lén cắt cành, thậm chí đổ hóa chất, khiến cây xanh không phát triển được. Thế nhưng, rất ít trường hợp bị phát hiện. Do đó, sẽ tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh.

Tuy cây xanh tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ, nhất là cây cổ thụ nhưng phải giữ lá phổi xanh cho đô thị. Bởi theo ông Ngô Thành Thía, cây cổ thụ ở đô thị rất quý, do đó giữ bằng mọi cách.

Trước đây, làm đường đụng cây xanh là né để giữ cây, khi cây sâu, mục mới cho xử lý. Cây cổ thụ ở đô thị không chỉ tô điểm thêm nét đẹp mà còn là “minh chứng xanh” cho sự phát triển lâu đời ở đô thị.

Đã bước sang mùa mưa bão, sự chuẩn bị kỹ càng về vấn đề cây xanh sẽ góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Song, trong những ngày mưa bão người dân cần hết sức cảnh giác, chú ý, tìm hiểu thông tin về tình hình mưa bão để có kế hoạch phòng tránh, hạn chế tối đa việc phải di chuyển ở ngoài đường.

 

Ông Ngô Thành Thía- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng:

Đang nghiên cứu trồng tuyến đường đặc trưng: Ở đô thị trồng sao, dầu phù hợp nhưng chưa đặc trưng, nhưng những cây có bông đẹp thì tán thấp, ít bóng mát. Thêm vào đó, trong nội ô, vỉa hè nhỏ khó trồng cây xanh.

Đối với các vỉa hè mới mở, khi thấy đất trống sẽ trồng cây nhưng vướng dây điện, vướng nhà dân. Về lâu dài, công ty đang nghiên cứu đưa vào thay thế các loại cây đảm bảo yêu cầu không độc hại, an toàn, rễ ăn sâu, hài hòa với cảnh quan đô thị. Trước mắt, sẽ cho trồng thử nghiệm một phần của tuyến đường Nguyễn Văn Thiệt (Phường 3).

 

Chú Lê Xuân Thảo, 74 tuổi- khóm Nguyễn Du, Phường 1:

 

Lúc trước, tôi cũng lo cây xanh đổ ngã, nhưng giờ thấy cây được rong mé thường xuyên nên cũng bớt lo. Theo tôi, nhất định phải giữ cây xanh lớn ở đô thị. Cây cũng thở như mình, phải giữ cây xanh, thành phố mới xanh- sạch- đẹp hơn.

 

Tôi cũng thường gom nhánh khô về để chụm và cho đường phố sạch hơn. Tuy nhiên, người dân phải có ý thức giữ cây xanh hơn. Tôi thấy nhiều người đổ chất thải, rác thải hoặc đổ nước sôi, thuốc bảo vệ thực vật lên gốc cây.

 

™Bài, ảnh: THẢO LY