Ký ức da cam, nỗi đau đến tận bao giờ?

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 11/08/2016 (GMT+7)

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, vùng Bưng Sẫm ngày nào đã thay da đổi thịt nhưng nỗi đau mà chiến tranh để lại vẫn còn dai dẳng trong những gia đình có nạn nhân của chất độc da cam/ dioxin (gọi ngắn gọn là nạn nhân da cam).

Có những gia đình đã 3 đời bị nhiễm chất độc hóa học quái ác này và nhiều người đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Nạn nhân da cam luôn được mọi người chung tay giúp đỡ.
Nạn nhân da cam luôn được mọi người chung tay giúp đỡ.

Những vết thương lòng

Đến vùng Bưng Sẫm (xã Hòa Bình- Trà Ôn) hỏi thăm thì ai cũng biết bà Tô Thị Sáu- một gia đình có nhiều nạn nhân da cam của xã, mặc dù xã còn hơn 60 nạn nhân da cam.

Bà Sáu có 6 người con, 4 trai 2 gái, thì 4 người con trai đều bị nhiễm chất độc hóa học và qua đời ở cái tuổi 18.

Bà Sáu nói: “Lúc đó tui có biết chất độc hóa học là cái gì đâu. Chỉ thấy nó bỏ bom rồi cây cỏ chết, mấy bụi lá cũng bị thúi gốc chết queo. Nhưng sống trong bưng thì xài nước bưng chứ còn lấy đâu ra nữa”.

Khuôn mặt không đổi sắc khi nhắc đến nỗi đau da cam nhưng vết thương trong lòng thì bà không sao giấu được qua giọng nói nghẹn ngào: “Tui làm giao liên, ổng (chồng bà- PV) cũng là du kích. Chiến tranh không giết chết vợ chồng tui mà hòa bình rồi, 4 đứa con trai lần lượt ra đi”.

Bà Sáu nhớ như in 4 hoàn cảnh của 4 con người mà giống nhau như bản phô tô: “Lúc nhỏ, con ra cũng bình thường.

Nó chậm biết đi nhưng rồi cũng đi được và đi học được đến lớp 1, lớp 2 thì yếu dần, phải lếch, phải bò rồi nằm một chỗ đến chết. Giọng bà Sáu nghẹn lại: “Mấy đứa nhỏ đều chết ở tuổi 18, sau mấy năm nằm liệt giường”.

Bà nhớ, thấy con mình yếu ớt, không được bình thường nên cố gắng chăm nom. Con trai thứ hai nằm chưa được bao lâu thì người thứ tư, thứ năm, thứ sáu cũng y chang anh hai nó và nằm liệt giường.

“Đứa đầu bệnh, tui cầu trời cho đứa con sau tròn trịa, rồi hồi hộp chờ con lớn khôn. Nhưng lại như anh nó, cứ vậy, có lúc 4 đứa cùng nằm”. Thời gian đó, bà Sáu như quẩn trí với nghèo đói và con cái bệnh đau.

Nỗi đau của người mẹ phải bó tay nhìn con nằm trên giường bệnh cứ yếu dần, yếu dần thật là khủng khiếp. Bà Sáu rưng rưng: “Tui còn nhớ những năm 1980, con tui thèm ăn bánh, nhà không tiền, phải đợi ít bữa... Tới khi tui đi chợ mua bánh về thì con chưa kịp ăn đã chết”.

4 cái đám tang cho những người con xấu số, cứ cách nhau 1 hoặc 2 năm. Bà Sáu cũng không nhớ nỗi mình đã khóc bao nhiêu nước mắt cho con.

Còn 2 người con gái, cuộc đời bà Sáu lại thêm một lần nữa nhói đau: “Thằng cháu ngoại cũng y chang cậu nó, nằm một chỗ mấy năm rồi. Năm nay nó lên 19 tuổi!”

Và ý chí, tình yêu

Nụ cười da cam.
Nụ cười da cam.

Ở nhiều nhân vật da cam mà chúng tôi gặp được, có một điểm chung là ý chí sống, và sự lạc quan.

Chú Nguyễn Văn Thành (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) là người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam khi tham gia kháng chiến năm 1970. Tay chân teo lại và dị ứng kéo dài làm chú Thành khó khăn trong lao động, sản xuất khi hòa bình lập lại.

Con trai lớn của chú Thành cũng không được bình thường như bạn bè, tâm sinh lý đều kém phát triển. Chú Thành cho biết: “Nhiều lúc chán nản, tui chỉ muốn buông xuôi nhưng rồi nghĩ lại thấy có người còn khổ hơn mình, được sống cũng đã là quý”.

Vậy là, chú Thành cùng vợ con cần mẫn làm ăn “không làm việc nặng được, mình làm việc nhẹ”. Đến nay, gia đình chú Thành đã có căn nhà kiên cố, mua thêm 8 công vườn ruộng.

Chú Thành còn chăn nuôi heo nái và heo thịt. Chú cho biết: “Mỗi năm, tui còn dư khoảng 150 triệu đồng”.

Bản thân chú Thành cũng thường xuyên động viên những người cùng cảnh ngộ vượt qua nỗi đau da cam cố gắng sống tốt, không vì bệnh tật, khiếm khuyết mà nghèo.

Chú Thành cho rằng: “Nạn nhân chúng tôi cần nhất là nguồn vốn để làm ăn để thoát nghèo, tự nuôi sống bản thân”.

Ngồi bên cô con gái lớn Đào Thị Kiều Nga trong buổi họp mặt da cam, chú Đào Văn Em (xã Long Mỹ- Mang Thít) kể: “Lúc đó thiếu hiểu biết quá, con sống trong vùng bị rải chất độc mà không hay nên ra nông nỗi”. Gương mặt, vóc dáng của chị Nga đều không bình thường và tâm sinh lý chỉ như những đứa trẻ lên 5.

Khi chú Em tham gia kháng chiến, vợ con về quê ngoại ở Hậu Lộc (Tam Bình) sinh sống. Đây là vùng có bị rải chất độc hóa học. Lúc đó, chị Nga mới lên 3, hàng ngày phải ăn rau nhiễm độc, uống nước nhiễm độc.

Chú Em tiếc nuối: “Từ nhỏ đến lúc 3 tuổi, con gái tôi hoàn toàn bình thường. Khi dời về Hậu Lộc được hơn 1 năm thì bị teo cơ, đau đớn, đi không vững. Lúc đi khám mới biết là con bị nhiễm chất độc, uống thuốc cũng không trị được”.

Nỗi đau nào rồi cũng phải qua và cũng phải chấp nhận, chú Đào Văn Em nghĩ vậy. Chú cùng vợ lo cho các con ăn học, chăm chút con gái lớn nhiều hơn vì con đã gánh chịu lắm thiệt thòi.

Nỗi đau thì vẫn cứ còn dài vì chất độc da cam/dioxin có thể đến thế hệ thứ 4 và cũng chưa ai biết bao giờ mới dứt.

Trong khi ngoài xã hội vẫn còn nhiều người hoàn toàn bình thường nhưng lại lười lao động, xem thường mạng sống của mình khi lao vào tệ nạn xã hội, phạm pháp… thì họ- những nạn nhân da cam- bằng ý chí, nghị lực và cả tình yêu thương của cộng đồng, vẫn cố gắng vươn lên sống đẹp. Đáng quý lắm thay!

Từ đầu năm 2015 đến tháng 8/2016, Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu (Phường 4- TP Vĩnh Long) đã khám sàng lọc và điều trị miễn phí cho 9.200 lượt người. Trung bình mỗi ngày khám và điều trị 50- 60 cháu. Cơ sở điều trị thường xuyên cho 195 cháu. Trong đó, điều trị khỏi cho 52 cháu, tỷ lệ hơn 26%, điều trị khá 84 cháu, tỷ lệ 44%.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN