Khi trẻ chậm biết nói

Cập nhật, 12:34, Thứ Sáu, 10/06/2016 (GMT+7)

Thấy trẻ đi đứng, ăn uống, vui chơi chạy nhảy bình thường, nhiều cha mẹ phớt lờ hay không nghĩ tới việc sao con mình chậm nói. Việc chậm nói có nhiều nguyên nhân.

Ở mỗi giai đoạn nhất định, bé sẽ phát triển kỹ năng ngôn ngữ thích hợp nên phụ huynh dựa vào những mốc phát triển này, khi phát hiện con cái mình chậm nói thì kịp thời đưa con thăm khám, điều trị hợp lý.

Cha mẹ cần để ý để biết con mình có bị chậm nói hay không, để đi khám và điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần để ý để biết con mình có bị chậm nói hay không, để đi khám và điều trị kịp thời.

Giữa khuya xếp hàng khám “sự nói” cho trẻ

Khoa Tâm lý- Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh mỗi ngày nhận từ 10- 20 bệnh nhi. Mới 2 giờ sáng, anh Tính (TP Vĩnh Long) đã đến “quầy số 2, cửa số 4” xếp hàng bốc số chờ khám bệnh. Anh Tính bốc được số 3.

Để có mặt lúc 2 giờ sáng ở đây, anh Tính cùng vợ và con trai 32 tháng tuổi đến TP Hồ Chí Minh từ hôm trước và thuê trọ qua đêm, đợi đến khuya thì anh đi bốc số. Anh nói là đi sớm vậy mà còn có 2 người đi sớm hơn. Giải thích sự chờ chực khuya khoắt này, anh cho biết do con trai anh chậm nói.

Nguyên nhân con anh Tính chậm nói được bác sĩ xác định là “trẻ xem truyền hình nhiều quá, không có người chơi, trò chuyện, thiếu sự quan tâm của người lớn”.

Khi con trai tròn 6 tháng tuổi, vợ chồng anh chị đều đi làm và thuê người giữ cháu. “Vợ chồng tôi đều bù đầu với công việc nên ít dành thời gian cho con. Thấy cháu mê ca nhạc thiếu nhi, xem quảng cáo thì thường xuyên cho con xem để bé ngoan lại chịu ăn, đâu ngờ hại con chậm nói”- anh kể.

Con trai anh Tính biết nói nhưng nói rất ít từ dễ nói ban đầu như “ba”, “ùm, “đi”. Nhà đã đưa bé đi khám nhiều nơi từ trong tỉnh Vĩnh Long đến bệnh viện ở TP Cần Thơ nhưng vẫn chưa cải thiện. “Nhìn nó lanh lẹ vậy, mà không biết có gì không nữa”- chị Hà là vợ anh Tính âu lo.

Tại Khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng có đông bệnh nhân chờ từ sáng sớm.

Chị Hiền ở tỉnh Quảng Nam ôm cậu con trai 3 tuổi vào lòng chờ số bảng số tự động hiện lên con số 4. “Lần này tôi đi tái khám và tập âm ngữ trị liệu cho con. Cực khổ không sợ, chỉ sợ nó không nói được như người ta”- chị Hiền thở dài.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, theo bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, thỉnh thoảng có gia đình đem trẻ nhỏ đến thăm khám về vấn đề chậm nói.

Bác sĩ cho biết, ý thức được quá trình chậm nói của con mình, nhiều phụ huynh thường đưa con mình lên cơ sở có chuyên khoa sâu trên TP Hồ Chí Minh ngay từ đầu để được tư vấn, can thiệp khiếm khuyết này.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng I, khoảng 50% lý do phụ huynh đưa con đi khám bệnh ở Khoa Tâm lý là do chậm nói. Đáng nói, số trẻ chậm nói được đưa đến điều trị sớm trước 3 tuổi là rất ít.

Điều trị sớm, thành công cao

Theo tài liệu y khoa, bé trai thường phát triển khả năng nói chậm hơn bé gái từ 1-2 tháng. Lúc 16 tháng tuổi, bé trai sử dụng trung bình 30 từ, trong khi bé gái dùng đến 50 từ. Tuy nhiên, khi phát hiện trẻ chậm nói hay có bất thường về vận động, tinh thần, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Ngọc Duy- Trưởng Khoa Tai mũi họng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết có nhiều nguyên nhân gây chậm nói: do lúc mới sinh ra cháu bé bị ngạt, do ảnh hưởng về thần kinh, thiểu năng trí tuệ.

“Trước tiên với trẻ chậm nói do các nguyên nhân này, người nhà cần đưa trẻ đi cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị hợp lý”- bác sĩ Ngọc Duy nói.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Trinh ở tỉnh Long An kể: “Con tôi chậm phát triển tâm thần nên giao tiếp kém mà tôi có biết đâu. Nghe kết quả kiểm tra của bác sĩ, sự nói con tôi mới bằng bé khoảng tuổi rưỡi, trong khi cháu đã 3 tuổi rồi”.

Chuẩn bị về quê và bắt đầu hành trình trị liệu cho con, chị nói “bác sĩ nói bé càng nhỏ tuổi thì cơ hội hồi phục càng cao”.

Khá nhiều cha mẹ “sợ bệnh” nên không dám đưa con đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám kịp thời. Anh Minh (ngụ TP Cần Thơ) có con gái gần 4 tuổi vẫn chưa nói được tiếng nào. Anh và gia đình vẫn đinh ninh là bé chỉ “chậm nói” và dần dần sẽ nói được.

Đến khi học xong lớp mầm, bé vẫn chưa nói được, vợ chồng anh chở bé đi khám và được Bệnh viện Nhi đồng 1 chẩn đoán “lưỡi của cháu có lớp màng phía dưới bất thường, cản trở khi bé phát âm, cần phải phẫu thuật”.

Theo bác sĩ Ngọc Duy, cần phân biệt trẻ chậm nói với trẻ gặp vấn đề tai mũi họng. Chậm nói là do ảnh hưởng liên quan đến thần kinh và trí tuệ.

Còn bên lĩnh vực tai mũi họng, có trẻ nói ngọng, ăn uống bị sặc... do dây thanh của trẻ đó có thể có vấn đề. Với trẻ chậm nói, bác sĩ Ngọc Duy khuyến cáo: “Trẻ muốn gì cần gì thì phụ huynh “bắt” trẻ nói rồi mới đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Dạng như là “ép” trẻ phải nói rồi mới cho quà bánh, đồ chơi”.

Khi nào nên cho trẻ khám tâm lý?

Trẻ từ 0-2 tuổi: Khó khăn trong mối quan hệ mẹ- con, do một bệnh lý hay dị tật của trẻ; trầm cảm ở người mẹ; khó khăn trong việc ăn uống, giấc ngủ; hành vi bất thường, bé thụ động, cáu gắt, dễ khóc, không tiếp xúc mắt với người khác, có cử chỉ đu đưa cơ thể. Trong trường hợp trẻ bị chậm nói, trẻ cần được khám thần kinh và thính lực trước khi khám tâm lý. Song song với điều trị tâm lý, trẻ có thể được giới thiệu đến khoa phục hồi chức năng để được điều trị bằng tâm vận động và âm ngữ.

(Theo quyển Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 1)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- MINH THÁI