Lo thu nhập cho người dân nông thôn

Cập nhật, 09:46, Thứ Tư, 20/04/2016 (GMT+7)

 

Phát triển giao thông gắn với thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các địa phương tập trung thực hiện.
Phát triển giao thông gắn với thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các địa phương tập trung thực hiện.

 

Nếu hỏi BCĐ xây dựng nông thôn mới (NTM) các cấp hiện nay lo nhất là vấn đề gì thì nhiều người cho rằng đó là tiêu chí thu nhập. Bởi trong điều kiện thuận lợi, nhiều xã đã khó đạt trong khi giờ đây việc sản xuất nông nghiệp càng khó hơn do ảnh hưởng nắng hạn và nước mặn xâm nhập.

Hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một bộ phận của tái cơ cấu nền kinh tế. Khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì có tác động trực tiếp và góp phần rất lớn trong xây dựng NTM.

Ngược lại, nếu xây dựng NTM thành công thì có tác động trở lại tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nhằm nâng cao mức thu nhập, đảm bảo đời sống và phát triển của người dân nông thôn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015 và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2014 đến nay, mặc dù kết quả chưa được nổi bật như mong muốn nhưng cũng đã đóng góp vào thành tựu chung giúp cho tỉnh Vĩnh Long phát triển thành tỉnh trung bình khá trong khu vực và sắp tới nâng lên thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL.

Riêng năm 2015, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch.

Về cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ cũng chuyển dịch đúng hướng, đó là giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ.

Theo đó, cánh đồng mẫu lớn toàn tỉnh hiện nay đã đạt trên 15.000ha, chiếm 1/4 tổng diện tích sản xuất lúa; đàn heo tăng 5%, đàn bò tăng 13% và đàn gia cầm tăng 9%, các lồng bè nuôi cá tăng 30% so với năm 2014,… góp phần tăng thu nhập bình quân, nếu năm 2010 đạt hơn 100 triệu đồng/ha, thì năm 2014 đạt 140 triệu đồng/ha và năm 2015 đạt 160 triệu đồng/ha/năm.

Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn- vì vậy, tiêu chí khó nhưng đã có 50% xã đạt được.

Mặt khác, tác động từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2015 đã giúp cho 89/89 xã đạt tiêu chí (13) về hình thức tổ chức sản xuất. Về thực hiện tiêu chí thủy lợi gắn với giao thông nông thôn, đến cuối năm 2015 cũng có 58 xã đạt tiêu chí (3) về thủy lợi. Tiêu chí môi trường có 54 xã đạt.

Trong đó, chỉ tiêu về hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đã có 62 xã đạt.

Tuy nhiên, đánh giá của BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian qua còn hạn chế, một số nơi thực hiện tái cơ cấu còn chậm, chưa có kết quả rõ nét.

Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, bởi vẫn còn nhiều người dân không biết tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu từ đâu và làm những gì.

Một số cán bộ địa phương còn lúng túng trong triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Cần có kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và có đánh giá rút kinh nghiệm.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhiều nông dân quan tâm.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhiều nông dân quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Liêm cũng đề xuất, cần tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Long có thế mạnh sản xuất được nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong đó có nhiều sản phẩm có thương hiệu và có thị trường.

Trong điều kiện hạn, mặn tấn công, việc chuyển đổi là cần thiết để giúp người dân chuyển sang sản xuất một số lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn để góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững hơn.

Các cấp chính quyền địa phương cần có giải pháp tạo việc làm cho người dân. Quan tâm đưa sản xuất tiểu thủ công nghiệp về địa phương, liên kết doanh nghiệp về đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân có thêm việc làm tăng thu nhập.

Đặc biệt, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ cho việc phòng chống thiên tai như hạn, mặn và phục vụ cho việc tiêu thụ nông sản thuận lợi.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản là việc cần làm ngay, vì thời gian qua Vĩnh Long có khá nhiều mô hình rất thành công, nhưng khó nhân rộng được. Nguyên nhân, do mô hình ở mức độ nhỏ, nông sản bán được và hiệu quả tốt, nhưng khi phát triển thành quy mô lớn thì lại không có thị trường.

Việc xúc tiến thương mại tạo đầu ra nông sản ổn định sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Tất cả nhằm góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, đồng thời, giữ vững các tiêu chí và danh hiệu xã NTM.

 

Các huyện- thị cần có quy hoạch, lộ trình để phấn đấu đưa các xã đạt chuẩn NTM từ nay đến năm 2020. Lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống cư dân nông thôn.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT