Giảm nghèo ở Tân Mỹ

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 27/10/2015 (GMT+7)

Xã Tân Mỹ (Trà Ôn) là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer với hơn 4.700 người, chiếm 41% dân số xã. Thời gian qua, từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng với tinh thần vượt khó vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đồng bào Khmer nơi đây ngày càng ổn định hơn.

Nhiều hộ Khmer xã Tân Mỹ đã thoát nghèo nhờ trồng cỏ nuôi bò.
Nhiều hộ Khmer xã Tân Mỹ đã thoát nghèo nhờ trồng cỏ nuôi bò.

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Thạch Út (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) được nhiều người ngưỡng mộ bởi nó gắn liền với sự siêng năng, tự vươn lên bằng nghị lực mà không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan ruộng sen đang cho thu hoạch, anh Thạch Út chia sẻ: “Tui về sống tại quê vợ, do không ruộng đất canh tác nên vợ chồng tui mần đủ thứ nghề. Qua thời gian, thấy trồng sen cho hiệu quả cao nên vợ chồng tui quyết định thuê 6.000m2 đất ruộng trồng sen. Ban đầu do không có kinh nghiệm nên sen tui trồng không trúng nhưng tui tiếp tục học kinh nghiệm của những người trồng sen hiệu quả ở nhiều nơi để áp dụng cho mình. Giờ đây, ruộng sen này đã giúp tui vượt khó thoát nghèo”.

Mô hình trồng sen trên đất ruộng của anh Thạch Út ở ấp Sóc Ruộng.
Mô hình trồng sen trên đất ruộng của anh Thạch Út ở ấp Sóc Ruộng.

Với bản tính cần cù, chí thú làm ăn, anh Thạch Út còn tổ chức thu mua nông sản của người dân địa phương để kiếm thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, còn chăn nuôi tới 5 con bò làm vốn lớn.

Gia đình bà Thạch Thị Cươl (ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ) trước đây là hộ nghèo. Gia đình có đến 4 nhân khẩu, chồng lại mất sớm, bà Cươl phải vất vả lo mưu sinh. Năm 2008, nhờ chương trình hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, hộ bà Cươl được hỗ trợ 1 con bò. Nhờ nuôi bò kết hợp làm ruộng, đến nay bà Cươl đã có đàn bò 3 con, còn nuôi heo để tăng thu nhập kinh tế gia đình.

5 năm qua, xã Tân Mỹ đã giảm được 430 hộ nghèo, trong đó có khoảng 60% là đồng bào dân tộc Khmer. Song, theo Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đặng Văn Ba, điều quan trọng nhất là đồng bào dân tộc ở xã đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức.

Nếu như trước đây các hộ chỉ làm nông nghiệp để đủ ăn thì giờ đây bà con đã có ý thức vươn lên để khá giàu. Từ sự chuyển biến này mà bà con tin tưởng, đồng thuận tham gia các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế do địa phương khuyến khích.

Xã Tân Mỹ hiện còn 665 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,05%; trong đó hộ nghèo người dân tộc là 423 hộ, chiếm 37,2%. Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đặng Văn Ba cho biết thêm:

Trong thời gian tới, xã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giúp đồng bào dân tộc Khmer giảm nghèo bền vững như tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và phối hợp thực hiện các chương trình dạy nghề cho vùng nông thôn; chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo người dân tộc.

Xã cũng kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn. Hiện tại, xã Tân Mỹ đang tập trung điều tra, khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân cũng như nhu cầu của từng hộ nghèo để xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc. Mục tiêu phấn đấu của xã Tân Mỹ là đến năm 2020 sẽ giảm số hộ nghèo còn dưới 11%, trong đó hộ nghèo người dân tộc
còn 22,02%.

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đặng Văn Ba: Công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc Khmer luôn được xã đặt lên hàng đầu. Giai đoạn 2010- 2015, Tân Mỹ đã huy động từ nhiều nguồn vốn vay, hỗ trợ khoảng 12 tỷ đồng cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn và hộ dân tộc. Trong thực hiện các chính sách dân tộc, xã triển khai tốt các Quyết định 54, Quyết định 29, Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ với gần 950 triệu đồng. Bên cạnh đó, để giúp đồng bào dân tộc nâng cao hiệu quả sản xuất, xã còn phối hợp mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế như: nuôi bò, trồng nấm rơm, trồng sen, đưa cây màu xuống ruộng,…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG