Khi dân hiến đất làm đường

Kỳ 2: Khơi sức dân

Cập nhật, 07:15, Chủ Nhật, 30/11/2014 (GMT+7)

>> K 1: Có những tấm lòng quý hơn vàng

Cô Sáu Nhung đã “gật đầu cái rụp” hiến 2.500m2 “đất hai lúa” mà không hề đòi hỏi điều chi. Ông Sáu Thì mất gần cả công đất, rồi mấy chục cây dừa “mười mấy năm tuổi, trái oằn oại” mà ông cũng không ngần ngại kêu “thằng con… rạp luôn”. Chú Hai Điểm vì lợi ích chung tiên phong hiến cả ngàn mét vuông đất dù mình không phải là người giàu có…


Đường giao thông liên xóm Ấp 4 (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) vào ngày khánh thành.

Thế mới thấy khi Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng các công trình giao thông nông thôn, sức dân to lớn vô cùng!

Sức dân to lớn lắm!

Chúng tôi đến xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) trong lúc Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng tất bật chuẩn bị họp dân để khởi công bờ vùng Thạnh An- Thạnh Hòa dài trên 4km.

Tuy “thở không ra hơi”, điện thoại réo liên tục và phải ngồi tạm ở gốc mận nhà dân để trò chuyện nhưng vị chủ tịch không giấu sự phấn khởi: Nhờ làm “bài bản” nên các công trình xây dựng đường giao thông ở địa phương tương đối thuận lợi. Khi hiểu chủ trương của mình thì bà con đồng tình rất cao. Ở đây bà con sống chủ yếu bằng ruộng vườn mà đồng tình hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc thì cũng không phải là chuyện nhỏ. Sức dân to lớn lắm!

Chủ tịch UBND xã Tân Long (Mang Thít) Lê Thành Phương đưa tôi xem bảng danh sách dài ngoằng tên công trình, địa chỉ, diện tích hiến, trị giá bằng tiền mà bà con đã góp sức cùng chính quyền xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi.

Hàng chục ngàn mét vuông đất cùng thiệt hại hàng tỷ đồng về cây ăn trái hoa màu khi công trình đi qua song bà con không hề tính toán. Trên những tuyến đường như: đường nhựa từ Đường tỉnh 903- QL 53, có hộ dân hiến trên 3.000m2 đất; đường nhựa Tân Long- Đồng Bé: 1.580m2; đường nhựa từ UBND xã- đập Tầm Dinh 2.200m2…

Từ thực tế địa phương mình, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp (Tam Bình) Nguyễn Bá Tòng cho biết thêm: Công trình nào cũng vậy, dân đồng tình thì mới mau lẹ được. Có hộ vườn cây ăn trái đang cho bông phải đốn bỏ, có hộ chuồng trại đang chăn nuôi phải dỡ ra, thu hẹp lại. Xót lắm chứ nhưng bà con cũng đồng tình để công trình được thuận lợi.

Ở Tân Long, bà con không ai không biết chuyện cô Sáu Nhung đã “gật đầu cái rụp” hiến 2.500m2 “đất hai lúa” mà không hề đòi hỏi điều chi. Ông Sáu Thì mất gần cả công đất, rồi mấy chục cây dừa trái oằn oại mà ông cũng không ngần ngại “rạp” luôn để không cản trở công trình”.

Chú Hai Điểm (xã Hòa Hiệp) vì lợi ích chung tiên phong hiến cả ngàn mét vuông đất dù mình không phải là người giàu có. Chú Sáu Biểu (xã Hòa Thạnh) không chỉ hiến đất mà còn vui vẻ “tiễn” luôn nguyên bờ xoài đang cho trái…

Chúng tôi cứ nhớ mãi lời nói chân tình của ông Sáu Thì: “Tui nghĩ thiệt cho mình thì có thiệt nhưng cái lợi đến hàng ngàn năm”. “Ký tên hiến đất tui xin ký trước. Lúc đó, bà con ở đây có người cũng bực tui lắm nhưng giờ thì… thương tui rồi”- “Lão nông” Nguyễn Văn Nghiệp (xã Tân Long) cũng thừa nhận mình không giàu có gì nhưng vẫn hiến liền “công hai” đất.

Bài học huy động sức dân

Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm) Thái Quang Trần cứ nhớ hoài câu chuyện vận động nhân dân làm đường đan đê bao chống lũ dọc theo tuyến sông Bưng Trường và sông Nhà Đài. Ông kể: “Người đồng ý nhiều nhưng người không đồng ý cũng không ít.

Thế là “cứ sẩm sẩm tối, cơm nước xong là đồng chí bí thư và mấy đảng viên trong chi bộ đến mấy nhà chưa đồng tình mà rỉ rịch. Nói cho vô thiệt khó vô cùng. Nhiều khi mình vô nhà, ngồi nói mỏi miệng mà không được mời… một ly nước”.

Có lẽ cái khó này không là ngoại lệ cho bất kỳ công trình nào và bất kỳ địa phương nào. Song, bài học quý giá được lãnh đạo các địa phương đúc rút chính là nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin. Chỉ có dựa vào dân thì mới khơi nguồn sức dân.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh Lê Văn Xứ chia sẻ: “Bà con mình ở đây gắn bó cả đời với mảnh vườn thửa ruộng và sống chủ yếu cũng nhờ nó cho nên trong quá trình vận động mình phải nói sao cho có lý, có tình, phân tích cho bà con thấy lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của công trình mang lại chứ mình không thể nói khơi khơi được”.

Còn đối với Chủ tịch UBND xã Tân Long Lê Thành Phương thì công trình nào cần huy động sức dân thì dù lớn hay nhỏ; dài, ngắn thế nào, hiệu quả mang lại ra sao đều phải tổ chức họp dân, thông tin cho dân rõ.

Tại các cuộc họp, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư và tư vấn đều đủ mặt để dân thắc mắc đến đâu thì giải thích cho bà con hiểu đến đó. Thực tế, không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng nhưng khó mấy lãnh đạo địa phương cũng quán triệt phương châm: Không được “nóng”, từ từ nói cho bà con hiểu, mưa dầm rồi sẽ thấm lâu! Tất cả đều trên tinh thần công khai, dân chủ!

Điều đáng ghi nhận là hầu hết các công trình giao thông nông thôn “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đất đai do nhân dân hiến, không bồi hoàn, cũng không chi trả chi phí giải phóng mặt bằng. Dẫu chỉ là cây chuối, bụi trúc cũng đều được ghi nhận vì tất cả đều là công sức của bà con.

Nhiều địa phương cũng có sự linh động ghi nhận tấm lòng của bà con. Xã Tân Long ghi vào Quyển sổ vàng của xã những hộ hiến nhiều đất. Xã Hòa Hiệp thì vận động Mạnh thường quân hỗ trợ nhà ở hay mua thẻ BHYT cho những hộ gia đình khó khăn, mất nhiều đất…

Một bài học “xương máu” được đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Long Lê Thành Phương “rút ruột” đó là: Công trình dân đồng tình bắt tay vào làm thì phải làm nhanh, không để dự án treo. Nói phải đi đôi với làm, tuyệt đối không để mất lòng tin với bà con được.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: UYÊN QUYÊN