Nghề của lòng nhân ái

Cập nhật, 15:33, Thứ Tư, 26/11/2014 (GMT+7)

Hiện nay, nghề công tác xã hội (CTXH) được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội. Đây là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già ...).

Trung tâm là nhà, đối tượng xã hội là người thân

Đó là thông điệp mà ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long chia sẻ về công việc của tất cả cán bộ công nhân viên tại trung tâm.


Nghề công tác xã hội, một nghề mới mẻ, cần nhiều kỹ năng và tấm lòng nhân ái.

Làm công việc chăm sóc cho gần 160 đối tượng là người già, người khuyết tật, trẻ em, người bệnh tâm thần tại trung tâm có 21 chị chia ca phụ trách. Cứ mỗi ca trực là 24 giờ, có một chị phụ trách chăm sóc cho ngần ấy con người đó. Riêng đối tượng nào bệnh, nằm viện hay cần chăm sóc đặc biệt thì sẽ có thêm một người đảm nhiệm.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc cho các đối tượng bệnh tâm thần mới nhận thấy công việc không phải ai cũng làm được. Họ chăm sóc trên cả toàn diện từ việc ăn uống; uống thuốc; giặt quần áo; thậm chí tắm cho cả bệnh nhân nếu họ không ý thức được chuyện sinh hoạt.

Các chị cho biết nguy cơ “bị hứng đòn” là thường xuyên xảy ra, còn chuyện nghe bệnh nhân chửi là mỗi bữa. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh có thâm niên gần 17 năm làm tại trung tâm, tâm sự: “Chăm sóc các đối tượng tâm thần cần phải “nhẫn” mới làm được.

Họ đâu có ý thức được mọi chuyện. Mình phải nói chuyện nhỏ nhẹ để dụ họ ăn, để làm nguôi cơn giận của họ. Nhưng cũng cần phải nghiêm khắc, tâm sự để họ cảm nhận được sự quan tâm mà không làm nư”.

Còn phòng chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, có trên 50 trẻ. Các chị phải chia ca trực 24 giờ với cả khối công việc như: tắm, giặt, vệ sinh, cho bé ăn, bú, ngủ,... Những trẻ bị bại não, rối loạn thần kinh vận động,... nuôi cực gấp 2-3 lần trẻ bình thường. Vất vả như thế nhưng các chị vẫn vui và gắn bó với công việc suốt nhiều năm dài.

Ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết, nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng xã hội ở đây phải thực sự yêu người, có tình cảm, có tâm mới gắn bó được với nghề. Chúng tôi luôn xem họ là người thân, người nhà; là bố, là mẹ đối với các trẻ mồ côi để tận tụy chăm sóc họ. Song, hiện với 56 cán bộ nhân viên thì trung tâm còn thiếu 26 nhân viên mới giảm tải được công việc chăm sóc cho gần 160 đối tượng.

Ông cho biết, nhân viên trung tâm đều được qua tập huấn về CTXH, song để làm tốt nghề CTXH thì nhân viên cần nhiều kỹ năng, kiến thức nghề, được đào tạo kỹ năng mềm và đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp.

Phát triển nghề CTXH

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… Đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở…

Cán bộ chăm sóc nười bệnh tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Trái ngược với các con số trên, lực lượng làm CTXH tại Việt Nam chỉ khoảng 35.000 người, hiện làm việc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn, các cơ sở chăm sóc người già, người tàn tật, các trung tâm CTXH… trong đó có tới hơn 90% chưa qua đào tạo và chưa được xếp ngạch bậc lương, cũng như chưa có chế độ phụ cấp nghề nghiệp để lực lượng lao động này yên tâm gắn bó với công việc.

Do vậy, việc huy động các nguồn lực chăm lo cho các đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ cần được triển khai sâu rộng hơn nữa. Việc tiếp cận các đối tượng yếu thế cần được chuyển từ tính nhân đạo, từ thiện sang quyền con người, tạo điều kiện cho họ chủ động vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Theo Đề án 32, từ năm 2010 - 2020, mỗi năm Việt Nam cần phải đào tạo và đào tạo lại 3.500 người làm CTXH trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Đề án cũng đề ra các giải pháp cơ bản: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề CTXH; điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH; các đối tượng và dịch vụ CTXH để lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về CTXH; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế về cả 3 lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để phát triển nghề CTXH....

Hy vọng, với những quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, nghề CTXH ngày càng được coi trọng, và những đối tượng xã hội ngày càng có nhiều cơ hội được quan tâm, chăm sóc, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội tốt đẹp và mang tính nhân văn.

Thời gian qua, CTXH tỉnh Vĩnh Long góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trong năm 2013, BCĐ Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32) tổ chức, triển khai kịp thời, thực hiện tốt việc tuyên truyền về phát triển nghề CTXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn.

BCĐ Đề án 32 của tỉnh triển khai và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, phổ biến kế hoạch, các chính sách liên quan theo Đề án 32. Đồng thời, soạn thảo, in tờ gấp, tài liệu, tổ chức tuyên truyền để giúp cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ thêm về nghề CTXH; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên CTXH cho các giảng viên.


Bài, ảnh: MAI ANH