Nâng chất đào tạo nghề nông thôn

Cập nhật, 15:19, Thứ Sáu, 28/03/2014 (GMT+7)

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công tác dạy nghề cho LĐNT đến nay cơ bản đã đi đúng hướng và có những kết quả bước đầu đáng khích lệ; đồng thời tạo cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng dạy nghề cho LĐNT trong những năm tới.

Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình mở nhiều lớp bảo trì, sửa chữa vận hành máy gặt đập liên hợp.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Sau gần 4 năm thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, Vĩnh Long được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Giai đoạn 2010- 2013, tỉnh mở trên 1.000 lớp cho hơn 33.000 LĐNT học nghề.

Trong đó, có đến 73,5% LĐNT học nghề phi nông nghiệp và giải quyết trên 80% việc làm cho LĐ sau khi học nghề. LĐNT không chỉ được giải quyết việc làm ở những khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, mà còn được đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, tạo cơ hội làm ăn ngay tại địa phương.

Thu nhập từ 900.000- 1.500.000 đ/người/tháng đối với LĐNT học các nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm; 1,8- 2,5 triệu đồng/tháng đối với LĐNT học các nghề về kỹ thuật- dịch vụ. Riêng học nghề nông nghiệp, thu nhập tăng thêm nhờ nâng cao chất lượng nông sản, tăng năng suất canh tác từ 1,5- 2 lần so với trước khi học nghề.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, các nội dung đào tạo nghề cho LĐNT chủ yếu là kỹ thuật trồng cây lương thực, thực phẩm, cây ăn trái; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; đa canh tổng hợp VAC và sinh vật cảnh.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đề xuất UBND tỉnh hợp nhất trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp cấp huyện để tập trung đầu mối quản lý và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
Qua đó, giúp LĐNT cải tạo vườn tạp để chuyển đổi hình thức canh tác nuôi- trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn tại mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Việc đào tạo nghề nông nghiệp để tạo điều kiện cho LĐNT nâng cao chất lượng nguồn LĐ, phát triển sản xuất theo hướng dịch vụ nông nghiệp, giúp LĐ tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập thông qua các mô hình nông nghiệp.

Đồng thời, có tác động mạnh đến phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy- Trưởng Khoa Nông nghiệp- Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long cho biết: “Các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp LĐNT nâng cao hiệu quả sản xuất ngay trên miếng vườn, thửa ruộng của mình. Để việc đào tạo nghề nông nghiệp đạt hiệu quả, chúng tôi phối hợp với địa phương theo yêu cầu của LĐ. Năm 2013, chúng tôi tổ chức nhiều lớp nuôi gà tàu thả vườn, nuôi lươn và lớp trồng lúa cho chương trình “1 phải 5 giảm”.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn

Bên cạnh những thuận lợi trên, trong quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Vĩnh Long vẫn còn gặp khó khăn.

PGS.TS Dương Ngọc Thành- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL- Đại học Cần Thơ cho rằng: Những tồn tại trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh Vĩnh Long là công tác nâng cao chất lượng của người tham gia học nghề; quy hoạch và tổ chức thực hiện dạy nghề; tuyên truyền định hướng nghề cho học sinh; công tác liên kết trong đào tạo nghề giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng LĐ góp phần giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tại hội thảo đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long tổ chức, các đại biểu còn đề xuất những vấn đề như cần tăng kinh phí mô hình dạy nghề nông nghiệp để LĐ vừa học lý thuyết lẫn thực hành; các thủ tục dạy nghề còn rườm rà cần tinh gọn, đơn giản để tạo điều kiện cho LĐ học nghề; tạo điều kiện để LĐNT tham gia nhiều lớp học nghề ngắn hạn hay chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu và nâng cao thu nhập; tăng các định mức hỗ trợ học nghề,...

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Vũng Liêm Nguyễn Đăng Khoa đề xuất, cần tăng thêm biên chế giáo viên cơ hữu cho các trung tâm. Đồng thời, Trung ương cần tăng kinh phí dạy nghề nông nghiệp để làm sao LĐ học xong được thực hành liền, tránh “học chay”; đề xuất hỗ trợ 70% ngày công thu nhập làm thuê của hộ nghèo để thu hút họ học nghề.

Theo PGS.TS Dương Ngọc Thành, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề dựa trên cơ sở phân tích hiện trạng đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Vĩnh Long cần tập trung 4 nội dung cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý đào tạo nghề cho LĐNT; người tham gia học nghề và giáo trình dạy nghề cho LĐNT.

Trong đó, việc nâng cao chất lượng LĐ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. Do vậy, cần tăng cường và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, định hướng nghề và việc làm cho LĐ phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Các ngành chức năng của tỉnh đánh giá nhu cầu học nghề, xác định danh mục nghề và kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế ở các địa phương trong tỉnh.

Năm 2014, tỉnh tập trung mở lớp dạy nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ nhằm tăng thu nhập cho LĐ và góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN