Hình ảnh người mẹ trong thi ca

Cập nhật, 11:03, Thứ Ba, 09/03/2021 (GMT+7)

 

Tượng đài mẹ Suốt.Ảnh: Internet
Tượng đài mẹ Suốt. Ảnh: Internet

(VLO) Những năm đầu giải phóng, lứa tuổi chúng tôi bước vào cấp II. Học sinh vùng sâu, vùng xa có được quyển sách Ngữ văn nhà trường cho mượn là mừng lắm. Nó được xem như là món ăn tinh thần vì trong sách có truyện, trẻ con rất thích nhưng chẳng tìm đâu để đọc ngoài sách Ngữ văn.

Bên cạnh các loại truyện cổ tích, truyện đồng thoại, truyện đương đại,… sách Ngữ văn còn có thơ, ca dao, tục ngữ, … Những bài thơ được đưa vào chương trình giảng dạy môn Văn phần nhiều có lẽ là thơ Tố Hữu.

Học sinh chúng tôi tiếp cận thơ Tố Hữu không chỉ đơn thuần là đọc thuộc lời mà phải đọc bằng cảm xúc, biết cảm nhận, phân tích mới mong làm được những bài văn hay, điểm cao.

Tôi thích thơ Tố Hữu vì rất hay từ nội dung đến cách gieo vần, chính vì vậy mà thơ ông dễ thuộc và thấm sâu vào lòng người. Có những bài thơ được học cách nay đã hơn 40 năm mà chúng tôi vẫn còn thuộc làu.

Trong chương trình phổ thông, tôi đã được học nhiều bài thơ Tố Hữu viết về người mẹ, như: “Bà má Hậu Giang” (trong tập thơ “Từ ấy”); “Bầm ơi!” (trong tập thơ “Việt Bắc”); “Mẹ Tơm” (trong tập thơ “Gió lộng”); “Mẹ Suốt” (trong tập thơ “Ra trận”).

Bằng những bài thơ chân thực và xúc động, Tố Hữu đã khắc họa bức chân dung người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp cũng như khắc ghi công lao to lớn của người phụ nữ đối với cách mạng, với đất nước.

Người mẹ trong thơ Tố Hữu là những con người cụ thể ở khắp mọi miền đất nước, từ bà má ở Hậu Giang, mẹ Suốt ở Quảng Bình, mẹ Tơm ở Thanh Hóa đến bà bầm ở Phú Thọ. Những người mẹ ấy là hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất cao quý nhân hậu, đảm đang, giàu lòng yêu nước.

Trong thời chiến tranh, người mẹ phải lặng thầm hy sinh để chồng, con đi chiến đấu. Như câu chuyện bà mẹ trong bài thơ “Bầm ơi” của Tố Hữu. Mẹ có người con đi vệ quốc quân đã lâu mà không có thư từ, tin tức gì. Ban ngày mẹ vẫn vác cuốc lên đồi, xuống ruộng tăng gia, nhưng tối về thì thút thít khóc vì thương nhớ con:

“Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần”

(Bầm ơi)

Càng thương nhớ người con của mình bao nhiêu, mẹ càng dành tình thương yêu, chăm sóc các chiến sĩ xa nhà đi chiến đấu như chính đứa con của mình:

“Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

Bầm quý con, bầm quý anh em”

(Bầm ơi)

Và ngược lại, con của mẹ cũng được các bà mẹ khác trên khắp mọi miền đất nước thương yêu như con ruột:

“Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

Bao bà cụ từ tâm như mẹ

Yêu quý con như đẻ con ra”

(Bầm ơi)

Xuất phát từ tình thương bao la của những người mẹ đối với những đứa con sinh ra trong thời chiến, các mẹ luôn là những “pháo đài” vững chắc âm thầm che chở, nuôi giấu cán bộ:

“Buồng Mẹ- buồng tim- giấu chúng con

Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?

Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn...”

(Mẹ Tơm)

Nếu bị phát hiện, mẹ vẫn một mình chịu đựng để bảo vệ những chiến sĩ cách mạng dù mẹ cận kề cái chết:

“Lưỡi gươm lạnh toát kề hông

“Các con ơi! Má quyết không khai nào!””

(Bà má Hậu Giang)

Từ những người nuôi dưỡng, che giấu cán bộ, dần dần các mẹ đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh như rải truyền đơn:

“Chợ xa, Mẹ gánh mớ rau xanh

Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh”

(Mẹ Tơm)

hay như người mẹ Quảng Bình, đã chèo hàng ngàn lượt đò bất chấp bom đạn, bất chấp nắng mưa gió bão, không ngại đêm khuya để kịp thời vận chuyển, chi viện cho chiến tuyến:

“Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay”

(Mẹ Suốt)

Những người mẹ lam lũ, nghèo khó, không sợ mưa bom bão đạn, góp sức cùng những người chồng, người con trong kháng chiến chỉ mong có ngày được sống trong bầu trời tự do:

“Bây chừ sông nước về ta

Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào

Bây chừ biển rộng trời cao

Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!”

(Mẹ Suốt)

Để đổi lấy cuộc sống thanh bình cho bao thế hệ, các mẹ đã hy sinh cả thân mình, và sự hy sinh ấy đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc:

“Nước non muôn quý ngàn yêu

Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang”

(Bà má Hậu Giang)

Tố Hữu đã đưa hình ảnh những người mẹ thật ngoài đời vào trong thơ với lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca. Có thể nói người mẹ là hình ảnh đẹp nhất trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ đã khắc họa bức chân dung người phụ nữ Việt Nam hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Từ đó cho thấy, để có được cuộc sống như hôm nay chính nhờ sự hy sinh to lớn của những người bà, người mẹ, và qua ngòi bút của nhà thơ Tố Hữu những người bà, người mẹ ấy đã trở thành tượng đài trong lòng các thế hệ mai sau.

THANH HUYỀN