Ký ức kháng chiến: "Chạy giặc"

Cập nhật, 18:36, Chủ Nhật, 22/09/2019 (GMT+7)

Khi đi bán những đôi nước sinh hoạt, người bán luôn rao là “đổi nước”. Điều này dễ hiểu bởi bán nước là hành vi xấu hổ, đáng tội chết! Thế nhưng khi đi lánh giặc càn quét trong cả 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thì người ta không ngại dùng cụm từ “chạy giặc!”

Vậy “chạy” ở đây là một hành vi né giặc để tồn tại tiếp tục ủng hộ kháng chiến là hoàn toàn không xấu, bởi người ngán sợ giặc bà con có một cụm từ khác để ám chỉ nói ra ai cũng biết là “sọc dưa” (nói theo kiểu đá cá lia thia, con cá nào mình nổi lên các sọc như sọc các trái dưa gang thì chỉ còn có nước đem… kho!), cao hơn một mức nữa là “chạy dài”, còn “đầu hàng” giặc hay thời đánh Mỹ sau này là “chiêu hồi” thì coi như… hết xài!

Trong cả 2 thời kỳ đánh thực dân Pháp và đuổi đế quốc Mỹ, khi địch càn quét vào vùng lực lượng kháng chiến kiểm soát, trong lúc các lực lượng vũ trang của ta lừa thế “chống càn” hay đánh tiêu diệt chúng thì bà con ta chỉ có tay không nên đành phải “chạy giặc”, tức là né giặc theo nhiều cách khác nhau tùy theo tình hình cụ thể. Nét chung nhất trong các hành vi này là chống lại địch trong thế bị động.

“Chạy giặc” thời đánh Pháp

Thời chống Pháp, bom đạn địch ít, “Tây ruồng” (giặc càn) vào một vùng thì người dân ở đó kéo nhau “chạy giặc”, tức bỏ nhà đùm túm chạy sang nơi khác, thậm chí từ xã này sang xã khác khi giặc rút đi thì ai về nhà nấy.

Nhà nào có người bị giặc giết hay bị bắt, của cải và gia súc bị cướp đi thì các nhà khác an ủi và hỗ trợ nhau khắc phục, nhà ai bị giặc đốt cháy thì giúp nhau cất lại, trâu bò bị chết thì làm thịt chia nhau để san sớt thiệt hại, không tiền đến mùa trả bằng lúa cũng được…

Cũng có nơi địch ra sức tranh thủ dân nên khủng bố có mức độ, khi chúng đi càn quét thì các nhà chỉ để lại người già và trẻ em, số người còn lại đều rời nhà đi lánh chúng, nhưng khi cuộc chiến đến hồi ác liệt, địch khủng bố trắng vùng ta kiểm soát nên khi địch càn là cả làng cùng “chạy giặc” kể cả người già và trẻ con như vừa kể.

Lúc đó bọn trẻ chẳng biết gì nên chạy giặc theo người lớn vẫn nói cười bình thường, nhưng lỡ gia đình bị giặc tóm được thì chúng khóc rân trời. Đàn ông là khổ nhất vì chúng muốn giết hay bắt để đòi tiền chuộc tùy lúc.

Đàn bà con gái sợ nhất là bị chúng hãm hiếp. Chuyện thương tâm do địch gây ra cho đồng bào ta thời ấy trong các trận càn đâu thể kể xiết…

Người Nam Bộ vốn lạc quan nên khổ mấy cũng nghĩ ra chuyện tiếu lâm có nội dung tùy theo hoàn cảnh sống để tự “lên dây cót” tinh thần hay ngầm ý một cách giải quyết cho mình.

Có chuyện như vầy ở cù lao Dài (nay là xã Quới Thiện và xã Thanh Bình thuộc huyện Vũng Liêm): Một nông dân nọ không biết học từ đâu được 2 từ tiếng Tây (tiếng Pháp) là “non” (có nghĩa là không) và “oui” (có nghĩa là có). Trong một lần Tây ruồng, ông ta bị giặc bắt, thằng sĩ quan Pháp tra hỏi ông một câu gì đó.

Tuy chẳng hiểu gì ông cũng gật đầu “oui! oui!”, liền bị nó thụi mấy thoi xiểng niểng. Hoảng quá, ông la lên “non! non!”, nó lại hỏi lại đá, còn ông hết “non” lại “oui” khiến hắn hiểu ra ông chẳng biết gì nên bật cười ha hả…

“Chạy giặc” thời đánh Mỹ

Thời đánh Mỹ thì việc “chạy giặc” có khác đi nhiều. Do bom đạn địch có mật độ rất cao, chúng lại hay dùng các loại pháo lớn bắn phá rất bạo nên chạy khơi khơi như hồi “Tây ruồng” là không xong, nhất là lúc địch dùng nhiều loại máy bay trực thăng vũ trang bay là là trên ngọn cây để “tìm và diệt”.

Dưới sự chỉ đạo của các chi bộ Đảng, người dân có nhiều cách “chạy” khác nhau, như: dựa theo cái cách mị dân của địch là chúng “vì dân” khi thúc ép người dân vào các khu tập trung do chúng kiểm soát được gắn các mỹ danh là “khu trù mật”, “ấp chiến lược’, “ấp tân sinh” để tách dân ra khỏi lực lượng kháng chiến;

thì cách “chạy giặc” hiệu quả nhất là bà con mình tùy khả năng cùng lực lượng ta trong “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) phá banh các nhà tù trá hình này để có cớ “chạy” khỏi nơi đó về quê cũ sinh sống và thực tế là sau các lần như thế các khu gom dân này hầu hết chỉ còn trơ cái khung giả dối…

Tại các vùng giải phóng lõm do lực lượng ta kiểm soát, việc “chạy giặc” trở nên rất linh hoạt. Từ kinh nghiệm lúc làng mạc bị giặc Pháp tái chiếm đóng đồn kềm kẹp sau năm 1945 và các kiểu mị dân của địch tại thời điểm đó, cách thích hợp là quay một góc 180 độ với thái độ “chạy”, dứt khoát bám lại tại chỗ đối mặt với địch theo khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời!”.

Với cách này người dân chấp nhận bị chết chóc, thương tật và bị cướp bóc khi phải đối phó với các cuộc càn quét có bom pháo ở mức độ cao của địch, kể cả lúc làng mạc của mình bị địch đưa vào diện “vùng oanh kích tự do”, tức là vùng máy bay và pháo binh địch “tự do” bắn phá nhằm buộc người dân phải dời nhà ra các vùng chúng kiểm soát.

Vượt qua nhiều hy sinh và gian khổ, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều gia đình vẫn ngoan cường bám ruộng vườn sản xuất ủng hộ kháng chiến. Có những lúc địch khủng bố mạnh, để tránh thiệt hại không đáng có, họ đưa bớt người trong gia đình “chạy giặc” đến vùng khác chỉ để lại nhà các người lớn tuổi, qua đợt đó họ lại kéo nhau về….

Nhiều vùng địch nâng mức độ bắn phá và thả bom trong vườn- nơi bà con sinh sống bao đời- thì họ đối phó bằng cách “chạy” ra đồng đắp “trảng xê” (hầm nổi tránh pháo) và dựng chòi lên đó để ở, nhà trong vườn họ để y đó cho lực lượng kháng chiến.

Không ít nơi không làm dân “chạy giặc” được bằng bom pháo từ xa, địch càn vào đốt chòi, nhưng khi chúng rút đi họ lại giúp nhau cất lại chòi mới trên nền cũ, không hiếm chòi phải cất đi cất lại mấy lần như thế trong năm nhưng bà con vẫn bám trụ.

Cuối cùng địch phải dùng hạ sách là tung một đòn hiểm vào dân bám trụ ở các vùng sâu. Biết dân ta từ lâu đời rất coi trọng trinh tiết của phụ nữ, trong các trận càn dài ngày vào vùng giải phóng, chúng ngó lơ cho binh lính hãm hiếp đàn bà con gái, miếng đánh kiểu lính lê dương Pháp ngày trước này ban đầu rất có hiệu quả, đã làm người dân bám trụ vô cùng khốn đốn.

Để chống lại, các gia đình bám trụ buộc phải cho con gái và số phụ nữ trẻ tạm thời lánh ra vùng địch kiểm soát gần đó để lánh nạn, nhưng người lớn tuổi vẫn bám lại cày cấy nuôi quân và làm tai mắt cho kháng chiến, khi cần thiết như lúc vào mùa sản xuất thì số này trở về lúc “tan phèn” để cùng lao động với gia đình (cụm từ bà con dùng để chỉ khoảng thời gian từ 8- 9 giờ sáng trong ngày, qua thời điểm đó nếu địch không càn vào vùng nào là ngày đó nơi này có thể tạm thời được yên ổn).

Có một khoảng thời gian sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các lực lượng quân sự Mỹ đã rút về nước nên mức độ máy bay và pháo binh địch đánh phá vào vùng giải phóng bị giảm hẳn, kể cả trong các cuộc càn quét của chúng.

Từ thực tế này, nhiều gia đình trước đó tản cư ra vùng địch kiểm soát để tránh bom đạn lần lượt trở về quê cũ sinh sống, nên trong các trận càn của địch vào vùng giải phóng các người lớn tuổi và trẻ em ở đó luôn bám lại nhà đối mặt với chúng, còn số người trẻ tuổi hơn bỏ nhà “chạy giặc” theo sự hướng dẫn của du kích địa phương, nhiều nam thanh niên trốn đi lính cho địch từ các thị xã, thị trấn vào nương náu trong vùng cũng ở trong số này.

Một lần vào cuối năm 1974, trên đường trở về tỉnh nhà từ miền Đông Nam Bộ, khi đi qua huyện Mỏ Cày (Bến Tre) đoàn cán bộ chúng tôi vướng phải một trận càn của địch.

Ai trong chúng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy trong đoàn người dân đi lánh giặc có nhiều nữ thanh niên, họ đội nón lá trắng tinh và mặc các chiếc áo mới đủ các màu, khiến anh Năm Nhất- một cán bộ tiểu đoàn người Trà Vinh- phải thốt lên: “Trời ơi, các cô chạy giặc kiểu gì y như đi mít tinh!” làm mọi người phải cười xòa…

Hỏi ra mới biết phụ nữ trẻ ở đây ai cũng “chạy giặc” vì ở nhà sợ bị chúng hãm hiếp, còn khi chạy mà mặc áo quần mới là cái cách để họ không lo bị giặc cướp đi. Theo nhiều người, thời điểm này ở nhiều địa phương khác cũng có các tình cảnh tương tự…

Nhắc chuyện “chạy giặc” của nhân dân ta trong thời kháng chiến là để nhớ lại những kinh nghiệm quý báu của bà con ta với tay không đối mặt với địch ủng hộ kháng chiến dù ở trong các hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

Đó là một nét đẹp trong truyền thống chống ngoại xâm rất đáng tự hào của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối của người dân vào sự thành công của công cuộc kháng chiến và sự lãnh đạo của Đảng ta.

HỒNG VÂN