Kinh thư diễn nghĩa

Một kiệt tác in đậm tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn (1726- 1784)

Cập nhật, 09:24, Chủ Nhật, 09/06/2019 (GMT+7)

TRƯƠNG CÔNG GIANG

Lê Quý Đôn sinh ngày mùng 5/7 năm Bính Ngọ (2/8/1726). Thân sinh ông là Tiến sĩ Thượng thư Lê Trọng Thứ (người làng Diên Hà, xã Diên Hà, huyện Diên Hà, sứ Sơn Nam, nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). 

Tuổi nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng (1), lên 5 tuổi ông đã học kinh thi “nhất mục thập hàng” (đọc 10 dòng chữ một lúc). Năm 12 tuổi, ông đã học thông suốt khắp kinh truyện sử sách của bách gia chư tử, không sách nào là không thông suốt, văn ông rộng rãi, tao nhã, sâu sắc, cầm bút là xong ngay(2).

Năm 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi hương đỗ đầu. Năm 27 tuổi, ông thi hội đỗ đầu, vào thi đình đỗ bảng nhãn, làm quan đến chức Thượng thư bộ công.

Nội dung bài văn sách thi đình của Lê Quý Đôn khá phong phú, văn phong sắc sảo, xứng đáng là kỳ bút trong lịch sử khoa cử nho học của nước ta, tuy chưa một ngày làm quan chức nhưng qua trau dồi kiến thức sách vở đã thể hiện tư tưởng chiến lược gia giúp triều đình chấn hưng đất nước(3).

Cuộc đời của Lê Quý Đôn có 58 năm, 30 năm làm quan nhưng lại có 42 năm khảo cứu, biên soạn sách vở, người cùng thời với ông là Tiến sĩ Trần Danh Lâm phải thốt lên rằng: “Lê Quý Đường” (Lê Quý Đôn) tiên sinh không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ điều gì đều viết ngay thành sách, chất đầy bàn, đầy tủ kể ra khôn xiết”.

Lê Quý Đôn đã viết hơn 50 bộ sách, gồm hàng trăm quyển về nhiều lĩnh vực, từ thơ văn đến lịch sử, địa lý, thiên văn, triết học, y học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học (4). Tiêu biểu, nổi tiếng nhất là các tác phẩm: Vân Đài loại ngữ, Đại Việt thông sử, Phủ Biên tạp lục, Bắc Sứ thông lục, Quần Thư khảo biện, Thư Kinh diễn nghĩa, Quế Đường thi tập. Trong đó Thư Kinh diễn nghĩa là một kiệt tác in đậm tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn.

Kiệt tác in đậm tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn

Kinh thư còn gọi là thượng thư (nghĩa là lịch sử thời thượng cổ, cuốn sách ghi chép chính sử). Tương truyền do Khổng Tử soạn lại và chia làm 100 thiên, chép sử từ thời Đường Nghiên đến thời Tấn Mục Công, để giảng dạy cho học trò. Nhà Tần đốt sách làm một số thiên của thượng thư bị mất nay chỉ còn lại 58 thiên(5).

Qua các đời, nhiều học giả Trung Quốc có diễn giải kinh thư như sách “Thượng Thư chính nghĩa” của Khổng An Quốc thời Hán “Thượng Thư giảng nghĩa” của Sử Hạo và “Thư Kinh tập truyện” của Thái Trầm đời Tống. “Thư Kinh trung luận” của Trương Anh đời Thanh. Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn là người đầu tiên có sách riêng bàn về kinh thư(6).

Trong bài tựa sách (đề năm 1772), Lê Quý Đôn viết: “Trị thiên hạ không thể không có chính sự, mà xưa nay làm chính sự thường căn cứ ở thượng thư, người xưa khen sách ấy là “kho chứa nghĩa lý” bởi vì lời dạy hay, mưu mô tốt, rường cột rộng, điển chương lớn, những điều khanh sĩ phải hiểu rõ quân tử phải noi theo, không cái gì là không có ở trong ấy(7). Trong lời đề bạt năm 1778, Tiến sĩ Lý Trần Quán- học trò của Lê Quý Đôn- cũng xác nhận: “Học thuật và chính sự không thể chia thành hai lĩnh vực khác nhau. Kinh Thư ghi lại chính sự của hai đời đế, ba đời vương mà tâm pháp truyền thụ đều do từ học thuật mà đến”(8).

Kinh thư là tác phẩm lịch sử cổ đại nêu bật những tư tưởng chính trị về quản lý xã hội giá trị của cái kho nghĩa lý ấy được đánh cao đến mức có thể làm mẫu mực cho muôn đời. Cái đạo được rút ra ở sách ấy là chân lý tuyệt đối “Theo đạo ấy thì trị, trái đạo ấy thì loạn, làm theo đạo ấy thì thịnh vượng, không làm theo đạo ấy thì suy vong” (tựa của Lê Quý Đôn).

Vì những nguyên lý “duy nhất đúng đắn” đó nên ngay từ thuở thiếu thời Lê Quý Đôn đã được học và bộc lộ tư tưởng chính trị của mình trong bài văn sách ở kỳ thi đình đỗ Thám Hoa (Khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (năm 1752) đời Lê Hiển Tông).

Kinh thư chứa đựng những nguyên lý “duy nhất đúng đắn” nhưng mãi đến năm 46 tuổi (độ tuổi chín chắn) kinh qua các chức vụ ở đài sảnh, nhà học giả Lê Quý Đôn mới đủ sức bắt tay vào chứng minh, bình luận, chú giải (diễn nghĩa) sách ấy của thánh hiền và thông qua đó phát biểu tư tưởng chính trị của mình. Trong lời tựa ông viết: “Tôi ngu lâu, nghiền ngẫm lâu năm hiểu qua nghĩa lớn, mỗi khi đọc cảm thấy ý vị dạt dào lý thú vô cùng, chỗ nào xúc động mà phát minh thì tùy bút chép ra, trưng dẫn các chuyện ký, bàn bạc việc xưa đều là muốn làm ấn chứng cho sách của thánh nhân”(9).

Trấn Quán đã đánh giá sự cống hiến của ông khá xác đáng: “Từ buổi Thánh Nhân san định Kinh thư đến nay số người nói ra được cái tôn chỉ sâu sắc kín đáo của kinh ấy thật là ít lắm. Quyển sách này thường thường có nêu ra được những nghĩa mới từ trong nguyên bản kinh điển, nói được cái điều mà bách gia chưa nói, phát hiện cái điều mà thiên cổ chưa phát hiện ra, bên trên có thể làm gương mẫu sửa đức cho bậc đế vương bên dưới có thể khuyến khích kẻ làm tôi chú vào mục đích lập công, cần nghiệp, lại thêm có sự hiệu thù khảo dị cẩn thận(10).

Kinh thư diễn nghĩa là cuốn sách bàn về chính trị, quản lý xã hội rất thiết thực nên Lê Quý Đôn viết ở lời tựa: “Sách này cũng có thể cho nhà Vua (thực quyền là Chúa) xem luôn bên mình”(11).

Trong Kinh Thư diễn nghĩa, ta thấy Lê Quý Đôn đã dựa vào chú giải tác phẩm kinh điển để phát biểu tư tưởng chính trị của mình.

So sánh Kinh Thư diễn nghĩa với chính văn Kinh thư ta thấy cách làm mới mẻ của tác giả, tiếng là diễn nghĩa nhưng thực tế đã bình giải tác phẩm chứ không phải bám sát chính văn, giải nghĩa các câu chữ như nhiều người đã làm.

Rõ ràng Kinh Thư là một tác phẩm riêng, chứ không phải là lời chú giải (cước chú) bắt buộc phải kèm vào chính văn Kinh thư.

Sơ lược về nội dung(12):

Toàn văn Kinh Thư Lê Quý Đôn vẫn giữ nguyên thứ tự 58 thiên như cũ, xen kẽ ông thêm vào 342 tiết (đoạn) bình giải.

Thiên Hồng Phạm là thiên giải thích lý luận chính trị của nhà nho, là học thuyết chính trị của giai cấp phong kiến buổi sơ kỳ. Chương này nặng tư tưởng thần bí, siêu hình, vua là con trời, trời sai xuống cai trị thiên hạ, vua có quyền lực tối cao, còn quan dân phải cúi đầu theo lệnh vua.

Lê Quý Đôn diễn giải Kinh thư lại chỉ ra rằng vua phải làm gương cho các quan, làm gương cho dân.

Quan hệ giữa vua và dân được vạch ra, ý dân là ý trời, dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên, dân cống nạp cho vua hưởng thụ, vua bảo điều hay thì dân làm theo, vua có trách nhiệm chăm lo đời sống cho dân, nếu không thì dân sẽ trở thành thù địch, vua mất ngôi lộc trời sẽ hết.

Về phẩm chất đạo đức của vua quan: Vua phải có tài năng, quyết đoán, suy nghĩ sâu sắc, khoan thư, giản dị hiếu sinh, đời tư trong sạch, lành mạnh, tận tụy với công việc, ham học hỏi, có chí đổi mới, cởi mở tiếp thu ý kiến mọi người, đoàn kết được mọi người.

Ngược lại những vua có thói hư tật xấu, như ham chơi hưởng lạc, rượu chè, gần bọn gian nịnh kiêu căng (thì bị mất ngôi).

Đối với quan lại thì: Vua tài giỏi sáng suốt phải đào tạo, sử dụng hết nhân tài không bỏ sót. Nhân tài sẽ làm cho nước thịnh, họ là nhân tố quyết định thời cuộc, vua phải đề phòng bọn bẻm mép, bọn gian nịnh, xúi bẩy, phải loại dần bọn xấu xa dốt nát dù chúng là thân cận. Phải có nhân tài mới đổi mới được chính sự, cách chọn nhân tài phải xem việc làm chứ không căn cứ ở lời nói.

Để quản lý xã hội không phải chỉ bó tròn ở việc tu dưỡng đạo đức, mà phải khuyến khích sản xuất, bảo vệ tài nguyên, coi trọng kỹ thuật và trị thủy theo quy luật thủy văn.

Về tài chính thuế khóa phải thu cho công bằng, không tích tụ của cải vào một chỗ mà nên để phân tán trong dân, chi dùng nên tiết kiệm, nhẹ bớt đóng góp cho dân, nâng cao đời sống cho dân.

Muốn điều hành chính trị phải có bộ máy quan lại, chế độ đãi ngộ quan lại, còn có tác dụng lớp sau nhìn theo lớp trước để phấn đấu.

Đặc biệt ông không giữ nghiêm chế độ đức trị mà rất chú ý vấn đề pháp trị (quản lý nhà nước bằng pháp luật).

Ông lưu ý phải phổ biến sâu rộng pháp luật cho dân biết, xét xử phải công bằng, không nhẹ với người quyền quý nặng với dân hèn, xét xử phải có lòng thương xót và có mục đích giáo dục, người hành pháp không được lợi dụng pháp luật. Trị tội không trị đến người nối đời (bỏ lệ tru di tam tộc, cửu tộc) tội còn nghi ngờ nên xử nhẹ đi.

Quản lý xã hội còn phải tiến hành các lĩnh vực khác như quân sự, văn hóa, giáo dục, quản lý hành chánh, cần phải có sự phân cấp trung ương và địa phương.

Tóm lại, trong Kinh Thư diễn nghĩa, Lê Quý Đôn đã đề cập đến khá nhiều mặt của công việc “chính sự” quản lý nhà nước, xã hội và cải tổ chính trị. Qua thực tiễn nghiên cứu, Lê Quý Đôn đã nhận thức rằng chân lý là cụ thể chứ không phải trừu tượng chung chung áp dụng cho mọi thời đại hoàn cảnh. Học xưa để hiểu nay, tùy cơ ứng biến, phương pháp nhận thức đúng đắn đó đã đưa ông đạt đến đỉnh cao của kiến thức.

Thay lời kết

Kinh Thư diễn nghĩa là một tác phẩm biểu hiện khá tập trung tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn, tham vọng cải tổ chính quyền chấn hưng đất nước.

Tác phẩm Kinh Thư diễn nghĩa của Lê Quý Đôn ra đời đã hơn 2 thế kỷ (244 năm) nhưng ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi trong công cuộc đổi mới chính trị, xã hội hiện nay.

Lê Quý Đôn là một học giả lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII. Trước tác của ông để lại thật đồ sộ, với nội dung tri thức sâu rộng mênh mông. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, khai thác vốn cổ dân tộc và bồi dưỡng tri thức cho thế hệ trẻ tương lai. Nên chăng Nhà nước sớm thành lập viện Lê Quý Đôn và tôn vinh Lê Quý Đôn là danh nhân văn hóa thế giới, đặt ngang hàng với danh nhân Nguyễn Trãi và Nguyễn Du?

Chú thích:

1. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình từ điển Thái Bình, NXB Văn hóa Thông tin năm 2010 trang 514

2. Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Giáo dục 2007 tập 1 trang 465

3. Đình Khắc Thuân, khoa cử thời Lê và bài văn sách của Lê Quý Đôn kỷ yếu hội thảo (tháng 7/2016 tại Thái Bình)

4. Từ điển Thái Bình, sách đã dẫn trang 515

5. Lê Quý Đôn “Kinh Thư diễn nghĩa”. NXB TP Hồ Chí Minh năm 1993 trang 7

6. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 7

7. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 8

8. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 387

9. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 9

10. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 387

11. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 11

12. Kinh Thư diễn nghĩa sđd trang 13- 18.