Sách hay

"Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX"

Cập nhật, 16:41, Chủ Nhật, 07/04/2019 (GMT+7)

Về lịch sử, nếu chỉ ghi chép lại những triều đại cùng những vấn đề quân sự, chính trị đơn thuần, thì người học sử đôi lúc lúng túng khi lý giải nhiều vấn đề xã hội một cách tổng quan, tổng hòa.

Quyển sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của GS. Lê Thành Khôi đã giải quyết được vấn đề này; đồng thời đem lại cho người đọc và những nhà nghiên cứu một cách nhìn mới, biện chứng hơn về khoa học lịch sử.

“Một trong số ít sử gia Việt đương đại quan trọng nhất”

Quyển sách “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” được biên soạn lại và lần đầu tiên dịch ra tiếng Việt, từ 2 công trình khoa học kinh điển (xuất bản ở Pháp vào năm 1955 và 1958) của GS. TS Lê Thành Khôi- người đã học tập và làm việc ở Pháp hơn 60 năm; nhưng phần lớn cuộc đời ông đã dồn vào nghiên cứu về văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam. 2 công trình khoa học này được nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp- Geoges Condominas cho rằng:

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới, ông đã sử dụng nó trong gần 30 năm và sau đó gần như hoàn toàn lệ thuộc trên con đường khoa học nghiên cứu lịch sử Việt Nam và thế giới.

GS. Lê Thành Khôi sinh năm 1923 trong gia đình trí thức có truyền thống Nho học và Phật giáo tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Lycee Albert Sarraut năm 1947, ở tuổi 24 ông sang Pháp du học.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về kinh tế học ở Paris năm 1949; ông tiếp tục học và tốt nghiệp Học viện Luật pháp quốc tế tại Den Hagg- Hà Lan; rồi lại học tiếp và lấy bằng cử nhân văn chương ở Trường ĐH Sorbonne; học Hán ngữ ở Trường Hán ngữ Phương Đông Paris.

Năm 1969, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về công nghệ giáo dục và bảo vệ lấy học vị tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội.

GS. Phan Huy Lê nhận xét: “GS. Lê Thành Khôi là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế học, luật học, giáo dục học đến văn học, văn hóa, sử học, nghệ thuật, mỹ học.

Hơn 60 năm sống giữa Paris- một trung tâm tiên tiến và sôi động của văn minh phương Tây, ông đã tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại, những luồng tư tưởng tiến bộ, nhất là những lý thuyết và phương pháp tiếp cận khoa học mới.

Nhưng tấm lòng của ông luôn hướng về Đất Mẹ, vẫn giữ trong tâm hồn và phong thái của mình cốt cách truyền thống văn hóa Việt Nam và phương Đông”.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS. Lê Thành Khôi đã để lại một di sản đồ sộ với 25 công trình nghiên cứu khoa học với tư cách tác giả và 33 công trình là đồng tác giả.

Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm luận văn khoa học đang tải trên tạp chí khoa học ở Pháp và quốc tế. Đó là những công trình khoa học vừa chuyên sâu, vừa đa ngành.

Mà theo GS. Phan Huy Lê: “Tất cả nói lên một tư duy, một phong cách nghiên cứu rất nghiêm túc, hiện đại, một trí tuệ đầy tính sáng tạo, một con người trung thực, thẳng thắn. Ở GS. Lê Thành Khôi có một sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa phương Tây và phương Đông”.

Quyển sách quý, cần thiết với nhiều giới

Theo GS. Lê Thành Khôi, lịch sử con người luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nơi họ sinh sống, vị trí của họ trong thế giới, tính chất của đất đai, môi trường và khí hậu.

Theo lập luận đó, ông cho rằng sự vận động, biến đổi của địa hình, địa lý diễn ra một cách chậm chạp, có những đột biến trên nền đơn vị thời gian hàng triệu năm, chục ngàn năm; trong khi đó, sự thay đổi của xã hội, của diễn biến hoạt động con người diễn ra nhanh hơn và cả hai đều có mối tương quan tổng hòa với nhau.

Do đó, phần trình bày đầu sách là diễn biến sự hình thành của bán đảo Đông Dương trong sự vận động chung của địa cầu.

Sự vận động, hình thành vị trí địa lý của đất nước Việt Nam ngay từ buổi đầu bình minh của lịch sử giúp cho chúng ta có thể lý giải một cách xác thực, khoa học về lịch sử đất nước, tính cách dân tộc và những hoạt động văn hóa, sự thay đổi ảnh hưởng của những nền văn minh đi đến hình thành đặc tính chung của đất nước, con người Việt Nam.

Bằng sử bút nghiêm túc, GS. Lê Thành Khôi đã trình bày và giải thích cho người đọc hình dung một cách thật rõ ràng, biện chứng những giai đoạn lịch sử, những sự kiện đặc biệt mà trong hầu hết các giáo trình, các tài liệu lịch sử xưa này ở nước ta còn khá mờ nhạt. Sự trình bày, lý giải lịch sử trong sách thật sự lôi cuốn người đọc.

Trong đó, phân tích tính chất những cuộc khởi nghĩa, bản chất những cuộc chiến tranh xâm lược từ phương Bắc qua từng thời kỳ, qua từng triều đại, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn lịch sử nước nhà.

Nhất là chính sách mang tính nhất quán các triều đại Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với kẻ thù phương Bắc; một đối sách mềm dẻo, nhưng cương quyết để vừa giữ vững nền độc lập, vừa thiết lập tốt mối bang giao để tránh họa xâm lăng.

Phân tích, đánh giá chính sách cai trị quốc gia của các triều đại Việt Nam, trong mối tương quan tình hình đối ngoại với các quốc gia xung quanh, có tính minh định cao.

Và sự hấp dẫn, cuốn hút khi lịch sử được trình bày trong cái nhìn tổng quan, các mối quan hệ giữa thời đại, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, văn minh… giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về tiến trình lịch sử của dân tộc.

Thật hiếm có một quyển sách, một công trình nghiên cứu khoa học, cùng lúc cung cấp đến cho người đọc một khối lượng đồ sộ, phong phú nguồn tư liệu đa ngành trong cùng một chuyên khảo sử học.

Tuy nhiên, độc giả không bị choáng ngợp, rối rắm bởi lối trình bày, dẫn dắt cực kỳ khoa học, dễ hiểu so với nhiều tầng lớp người đọc.

“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của GS. Lê Thành Khôi là quyển sách hay không chỉ để đọc một lần, nó sẽ là tài liệu quý giá, cần thiết trong suốt thời gian dài đối với những ai quan tâm, hay gắn bó với công việc liên quan đến các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Quan trọng hơn, là từ đây giúp người đọc có một tư duy khoa học, biện chứng khi cần biện giải những vấn đề liên quan.

GS. Phan Huy Lê: “GS. Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hóa lớn của đất nước”.

“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của GS. Lê Thành Khôi, do Nguyên Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính; Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành, năm 2018. Sách dày 620 trang.

NGỌC TRẢNG