Người chỉ huy anh hùng biệt danh "Sáu Quết"

Cập nhật, 13:06, Thứ Ba, 30/04/2019 (GMT+7)

Bằng sự mưu trí, dũng cảm, khéo léo, ông Sáu Bá đã thực hiện thành công nhiệm vụ đại diện quân giải phóng tiếp quản chính quyền ở tỉnh Vĩnh Long, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ mà không phải tiêu hao thêm sinh lực, vũ khí.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Sáu Bá (bìa trái) được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân- huy chương cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Sáu Bá (bìa trái) được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân- huy chương cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trưa 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng, ông Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá), khi đó mang hàm đại úy được thăng hàm Thiếu tá- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Quân khu 9) lãnh nhiệm vụ đến gặp Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long kêu gọi chuyển giao chính quyền.

Bằng sự mưu trí, dũng cảm, khéo léo, ông Sáu Bá đã thực hiện thành công nhiệm vụ đại diện quân giải phóng tiếp quản chính quyền ở tỉnh Vĩnh Long, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ mà không phải tiêu hao thêm sinh lực, vũ khí.

Xuất thân trong gia đình nghèo, chứng kiến bao cảnh bất công, đàn áp, bắt bớ do kẻ thù gây ra và hình ảnh kiên cường của những người anh, người chị trong gia đình ngày ngày đi rải truyền đơn kêu gọi chống thực dân Pháp, ông Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá) đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nuôi hoài bão làm việc gì to lớn hơn vì nền tự do, độc lập của đất nước.

Năm 1959, ông tham gia vào lực lượng du kích xã Trung Ngãi. Năm 1961, khi giữ chức vụ xã đội phó, ông Sáu Bá đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ ở địa phương, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Đến khi giữ chức vụ Huyện đội trưởng Vũng Liêm vào năm 1963, ông tổ chức huấn luyện cho bộ đội thành thạo các loại vũ khí tự tạo và kỹ thuật đặc công.

Đây cũng là giai đoạn diễn ra nhiều trận đánh vang dội như: trận tiêu diệt đại đội ác ôn do Quận trưởng Vũng Liêm Trương Tài Ba và 2 cố vấn Mỹ chỉ huy, trận chống càn do tên Đại úy Trần Văn Sáu (Ba Sáu) chỉ huy Đại đội bảo an huyện Vũng Liêm tại vườn dừa “Ba Ty” (xã Trung Thành).

Trong trận đánh tại vườn dừa “Ba Ty”, ông ra lệnh cho đồng đội quyết tâm “quết” nó (tức Đại úy Ba Sáu). Cũng từ đó, đồng đội đặt cho ông biệt anh “Sáu Quết”. Sau giai đoạn này, ông tiếp tục tham gia nhiều trận đánh khác và lần lượt trải qua các vị trí lãnh đạo từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn.

Trưa 30/4/1975, Ban chỉ huy chiến dịch trọng điểm 2 của khu TX Vĩnh Long mở máy thu thanh theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng.

Ban chỉ huy lập tức thông báo tình hình cho các nơi và ra lệnh cho lực lượng vũ trang kêu gọi đối phương đầu hàng. Trường hợp họ không chấp nhận hạ vũ khí, ta sẽ tiếp tục thực hiện phương án đã lên kế hoạch sẵn.

16 giờ cùng ngày, tại ngã ba kênh Thông Quan (xã Lộc Hòa- Long Hồ) Trung tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh tiền phương Quân khu- quyết định thăng quân hàm từ đại úy lên thiếu tá đối với ông Sáu Bá- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Quân khu 9)- kèm theo nhiệm vụ đến gặp Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long- kêu gọi chuyển giao chính quyền. Cùng đi có đồng chí Lê Văn Bê, Bùi Minh Nhựt là cán bộ thông tin và chiến sĩ bảo vệ tên Đinh Xuân Lai.

Khi bắt được liên lạc, ông Sáu Bá yêu cầu Đại tá Thành phải bàn giao chính quyền ngay trong đêm 30/4, vì “đến thời kỳ hai bên không còn bắn nhau nữa”.

Tuy vậy, tên Đại tá Thành vẫn ngoan cố tuyên bố “còn một viên đạn sét vẫn chơi tới cùng” và hăm dọa “tụi mầy lên sớm thì các sĩ quan tao sẽ bắn chết hết hai bên”.

Sau nhiều giờ kiên trì đàm phán và thuyết phục, 4 giờ sáng 1/5/1975, Đại tá Thành chấp nhận đầu hàng và lên máy truyền tin ra lệnh cho binh lính buông vũ khí đầu hàng.

Dù biết có thể hy sinh nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, khéo léo, ông Sáu Bá đã thực hiện thành công nhiệm vụ đại diện quân giải phóng tiếp quản chính quyền ở tỉnh Vĩnh Long, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ mà không phải tiêu hao thêm sinh lực, vũ khí.

“Ngay lập tức, tôi cùng Đại tá Thành lên 2 chiếc xe jeep quay về dinh Tỉnh trưởng và tập hợp tất cả các sĩ quan trao đổi một số ý, ổn định tư tưởng để chuẩn bị cho việc chuyển giao chính quyền”- ông Sáu Bá nhớ lại.

Bài, ảnh: VĂN CANG- NGUYỄN THỊNH