Dấu ấn Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long

Cập nhật, 08:06, Thứ Bảy, 24/11/2018 (GMT+7)

Từ tháng 3/1934 đến 1936, Xứ ủy Nam Kỳ cử các đồng chí Phan Văn Đại (Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ), Nguyễn Văn Nhựt vừa mãn hạn tù và đồng chí Tạ Uyên (nguyên Bí thư Xứ ủy) vừa vượt ngục từ Côn Đảo trở về tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, để tiếp tục móc nối lại cơ sở về hoạt động tại đây.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thị Huệ nay đã 101 tuổi (ngồi) trong lần về thăm Tỉnh ủy Vĩnh Long (tháng 10/2018).
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thị Huệ nay đã 101 tuổi (ngồi) trong lần về thăm Tỉnh ủy Vĩnh Long (tháng 10/2018).

Sự chuẩn bị mọi mặt của Tỉnh ủy Vĩnh Long

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Thực dân Pháp phải lo đối phó với phát xít Đức ở Châu Âu và phát xít Nhật ở Đông Dương. Chúng gom dân, bắt lính chuẩn bị chiến tranh.

Các thành quả thời kỳ Mặt trận dân chủ bị tước đoạt, các tổ chức hội quần chúng bị giải tán, nạn bắt bớ khủng bố tiếp tục xảy ra khắp nơi. Các tổ chức của Đảng phải rút vào bí mật, kể cả khi đồng chí Tạ Uyên, sau vượt ngục Côn Đảo, về lại hoạt động ở miền Tây, tìm cách móc nối lại địa bàn, trong đó có tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Sau Hội nghị ở Tân Hương (Mỹ Tho) cuối tháng 7/1940, tình hình chuẩn bị càng khẩn trương. Lúc này, sau lớp học huấn luyện cán bộ của Tỉnh ủy Vĩnh Long do đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Cùi) phụ trách đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm về cách đánh phá cầu, đánh xe tăng, phòng hơi độc,… cũng như cách sử dụng mật khẩu đánh ban đêm, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra ở Vĩnh Long và các tỉnh.

Cơ sở Liên Tỉnh ủy (trong đó có Tỉnh ủy Vĩnh Long) đóng bí mật ở nhà may Tiến Thành (còn gọi là nhà may Cây Kéo Lớn tại Phường 1), số 28 đường Salicetty (nay là đường 30 Tháng 4) và đường Lò Rèn (nay là đường 2 Tháng 9- Hộ 1).

2 công nhân là Nguyễn Hồng Minh và Nguyễn Hồng Phước học Trường Technique CanTho về mở garage ở cạnh nhà việc Long Châu (số 30 đường Salicetty), lấy cớ làm cơ sở theo dõi hoạt động địch, bảo vệ cho cơ sở Liên Tỉnh ủy và từng bước gây dựng lại phong trào.

Cơ sở mật của Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc này do đồng chí Trần Văn Bảy (Bí thư Tỉnh ủy), Ngô Thị Huệ (Phó Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Hiếu Tự (Tỉnh ủy viên) đều đã tranh thủ bám cơ sở trong nội ô, thông qua những người làm liên lạc cho Tỉnh ủy như: bà Đặng Thị Nhiên, ông Lê Văn Khanh và ông Phan Văn Nghị (tên thường gọi Ba Nghĩa).

Đồng chí Quản Trọng Hoàng có bà Phạm Thị Anh làm liên lạc thường xuyên đi đưa thư đến các cơ sở trong nội ô, nắm và chỉ đạo phong trào.

Thời điểm cuối năm 1940, để chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ đang được Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo sâu sát. Tại tỉnh lỵ, hướng chính chủ yếu bám địa bàn nội ô như nhà bà Tám Ngô nằm trên đường Lò Rèn, từ chợ Cầu Lầu (Phường 1) đi vào khoảng 400m, sát bờ kinh Cầu Lầu. Điểm thứ hai tại nhà may Tiến Thành, qua cầu Thiềng Đức rẽ phải vào đường 8 Tháng 3 khoảng 500m, phía sát mé sông Long Hồ.

Tại tiệm may Cây Kéo Lớn (Phường 1- TP Vĩnh Long), tổ chức đã mời 3 cô gái này vừa làm thêm bánh men, bánh sùng, bánh kẹp đi bỏ mối ở chợ Vĩnh Long, tạo thế hợp pháp đưa thư và làm liên lạc cho cơ quan Tỉnh ủy.

Công việc chuẩn bị khởi nghĩa ngày càng gấp rút, nên các đồng chí Trần Văn Bảy và Lê Quang Phòng quyết định đưa cơ quan Tỉnh ủy trở về nhà may Cây Kéo Lớn, gần cầu Lầu để thuận tiện trong việc chỉ đạo cuộc khởi nghĩa.

Cuối tháng 7/1940, đồng chí Tạ Uyên- Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ khi về Vĩnh Long trú để hoạt động (do mật thám Pháp truy lùng) đã đề nghị triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy tại nhà may Cây Kéo Lớn (họp trên gác) thảo luận “Dự án Nam Kỳ khởi nghĩa”.

Cuộc họp tiến hành được khoảng 20 phút, do đã bị chỉ điểm, nên bọn mật thám Pháp ập đến. Chúng đã bao vây và bắt sống toàn bộ các đồng chí trong Tỉnh ủy đến dự họp, gồm:

đồng chí Trần Văn Bảy (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long), đồng chí Lê Quang Phòng (Tỉnh ủy viên, phụ trách Bí thư quận Vũng Liêm), đồng chí Lưu Văn Tài (Tỉnh ủy viên, phụ trách quận Châu Thành), đồng chí Quảng Trọng Hoàng (Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ) đang tiến hành hội nghị… Đây là một thiệt hại lớn cho phong trào cách mạng tại tỉnh Vĩnh Long, khi khởi nghĩa gần kề.

Do cuộc họp bị đàn áp, bắt bớ, nên tài liệu bị kẻ địch tịch thu là khá quan trọng, gồm: 11 tờ báo Tiến lên số 7 ra ngày 15/9/1940 (số mới ra); 30 bản công tác bí mật; 6 bản Thông cáo của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang các ngày 5, 6 và 7/9/1940;

2 truyền đơn viết bằng tiếng Hoa; Điều lệ Liên đoàn chống Nhật Đông Dương; 3 sổ tay ghi chữ quốc ngữ; 1 bản về tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương (đang soạn thảo); nhiều tài liệu bằng tiếng Hoa;

Dự thảo nghị quyết đại biểu của Xứ ủy Nam Kỳ ngày 21, 22 và 23/9/1940 (tức là Nghị quyết Xứ ủy Nam Kỳ vừa họp ở Tân Xuân-Hóc Môn, cách đó 3 ngày); “Dự án Nam Kỳ khởi nghĩa”, sách “Chiến thuật du kích” tài liệu bằng tiếng Trung Quốc do Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên dịch ra nhằm để phổ biến trong Tỉnh ủy.

Nguyên nhân cuộc họp bị lộ vì kẻ địch đã bắt được một cán bộ của ta, do không chịu được đòn tra tấn dã man, nên đã khai ra điểm họp của cơ quan Tỉnh ủy.Từ đó, các hoạt động chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ tạm thời bị lắng xuống.

Lợi dụng lúc sơ hở của địch, đồng chí Quảng Trọng Hoàng đã được nhân dân giúp đỡ trốn thoát, trở về Rừng Dơi ẩn náu, tiếp tục nhờ bà Phạm Thị Anh đi móc nối lại cơ sở, nắm tình hình ta và địch ở nội ô Vĩnh Long.

Việc nối ráp cơ sở thì có nhà bà Tám Ngô ở đường Lò Rèn cùng tiệm may Thanh Tân, Tiến Thành, nhà ông Hai Nhót ở Kinh Cụt... đã trở thành là những cơ sở hoạt động bí mật của các đảng viên trung kiên Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Cả tỉnh Vĩnh Long quyết tâm đi vào cuộc khởi nghĩa

Qua vụ việc này, đồng chí Quảng Trọng Hoàng tiếp tục giữ mối quan hệ với anh em lính tập, liên lạc với ông Phan Văn Sĩ- phụ trách Chi bộ Phú Đức; liên lạc với đồng chí Tạ Uyên, Ngô Thị Huệ, Thái Văn Đẩu, Nguyễn Hiếu Tự, Nguyễn Thị Hồng,... để bàn kế hoạch tái lập Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhằm gầy dựng lại phong trào khi thời điểm gần kề cận mà Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo toàn Nam Bộ.

Cuối tháng 9/1940, chỉ sau một tháng cuộc họp lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long bị địch bắt, Tỉnh ủy Vĩnh Long được tái lập lại với thành phần: Đồng chí Thái Văn Đẩu- Xứ ủy viên Xử ủy Nam Kỳ, được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ kiêm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đồng chí Ngô Thị Huệ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Văn Nhất (Hiếu Tự), Hà Thị Lan (Nguyễn Thị Hồng) là tỉnh ủy viên.

Tháng 9/1940, Tỉnh ủy Vĩnh Long mở hội nghị tại Gò Ân- Nước Xoáy (quận Vũng Liêm), do đồng chí Quảng Trọng Hoàng và đồng chí Thái Văn Đẩu, chủ trì để bàn sâu các bước chuẩn bị.

Hội nghị Gò Ân- Nước Xoáy đưa ra nhận định tình hình giữa ta và địch, như sau: Ở Đông Dương, thực dân Pháp năm 1940 chia làm 2 phe, một phe dân chủ và một phe thân phát xít, nội bộ của chúng lục đục hàng ngày. Từ chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, tình hình chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa đều sẵn sàng.

Các tài liệu huấn luyện quân sự của Pháp được 2 anh Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước chuyển vào huấn luyện du kích và cả lựu đạn do ta chế tạo. Theo kế hoạch chuẩn bị ở tỉnh lỵ (Long Châu, quận Châu Thành), sử dụng binh lính người Việt làm nội ứng, phá Khám lớn Vĩnh Long, cắt cầu Ông Me (tại Phường 1), phá hỏng phà Bắc Mỹ Thuận, để ngăn tiếp quân lính địch.

Vào 10 giờ ngày 22/11/1940, ta nhận lệnh khởi nghĩa từ Xứ ủy Nam Kỳ đưa đến cơ quan Liên Tỉnh ủy nằm ở nhà may Tiến Thành. Đúng 14 giờ ngày 22/11/1940, đồng chí Nguyễn Thị Liên (Bé Liên) đem lệnh khởi nghĩa đi phát cho các cơ sở.

Trong khi đó, tại các tỉnh ủy và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Tạ Uyên lại bị mật thám theo dõi sát và kẻ địch đã bắt người đứng đầu của Xứ ủy Nam Kỳ.

Tuy vậy, 24 giờ đêm ngày 22 rạng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra thắng lợi ở Vũng Liêm, do đồng chí Hà Thị Lan- Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm và Phan Văn Hòa (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chỉ huy đánh chiếm Nhà việc Trung Trạch, rồi bung ra giải phóng xã Trung Ngãi và các xã lân cận. Tại Cái Ngang, đồng chí Nguyễn Hiếu Tự chỉ huy, chiếm Cái Ngang (nhà việc Phú Lộc Đông, thuộc quận lỵ Cái Ngang).

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và nhất là thắng lợi lớn tại quận Vũng Liêm và Cái Ngang (Tam Bình), đã chứng tỏ nhân dân Vĩnh Long tuyệt đối trung thành với Đảng, cùng với Đảng bộ tỉnh đã viết nên trang sử.

Về các nguyên nhân khách quan và chủ quan, cuộc khởi nghĩa chưa giành thắng lợi trong toàn tỉnh chủ yếu là do kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ từ trước giờ G nhiều giờ đồng hồ, kẻ địch tổ chức đối phó quyết liệt.

Ở mỗi ngã đường, địch cho tổ chức canh gác chốt chặn nghiêm ngặt, cắt đứt liên lạc của ta. Kể cả một kế hoạch rất táo bạo là tổ chức giao chị Giáo Khéo- một tín đồ công giáo- được Phó Bí thư Tỉnh ủy- Ngô Thị Huệ tin tưởng, phân công đúng 24 giờ đêm 22/11 rung chuông nhà thờ phát lệnh khởi nghĩa,... đã không thực hiện được, vì trước đó kẻ địch đã đưa quân canh giữ nhà thờ cẩn mật, khiến chị Giáo Khéo không thực hiện được nhiệm vụ này.

Tại tỉnh lỵ, 2 anh Hùng Minh, Hùng Phước được giao lãnh đạo 50 người trong nhóm công chức tỉnh lỵ đánh Bắc Mỹ Thuận cũng không thành công.

Chỉ còn mũi cầu Ông Me, nhưng không có phương tiện phá cầu nên lực lượng khởi nghĩa đốn cây làm chướng ngại vật. Tại Nhà việc Long An (Ngã tư Long Hồ), lực lượng khởi nghĩa đốt giấy tờ, đốt cầu Ngã tư, cắt đứt giao thông đi vào trung tâm tỉnh lỵ.

Sau khởi nghĩa kẻ địch đi vào khủng bố gắt gao, nhiều người bị bắt bớ tù đày, số còn lại phải chuyển vùng hoạt động, để bảo đảm an toàn cho cán bộ, đảng viên- trong đó có nhiều đảng viên trung kiên và cả các đồng chí lãnh đạo trong Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 đã để lại nhiều bài học quý giá cho Tỉnh ủy và lực lượng cách mạng ở Vĩnh Long.

Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 80 năm thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, lực lượng cách mạng tỉnh nhà đã viết nên trang sử, là sự tập hợp lực lượng cách mạng to lớn để nhân dân viết tiếp trang sử vàng, giành chính quyền về tay nhân dân ta trong Cách mạng Tháng 8/1945.

Bài, ảnh: PHẠM BÁ NHIỄU