Tản văn

Trăng quê

Cập nhật, 05:53, Chủ Nhật, 21/10/2018 (GMT+7)

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”.

Bốn câu thơ trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy có khiến bạn giật mình thấy bản thân có lúc đã vô tình, hững hờ với một điều gì đó trong quá khứ? Riêng tôi, đó là một lời nhắc nhở đừng quên quê hương, nơi ta đã cất tiếng khóc chào đời, có ánh trăng quê đằm thắm, nghĩa tình.

Hồi nhỏ, con nít xóm tôi đứa nào cũng thuộc bài đồng dao “Mùng một lưỡi trai, mùng hai lá lúa, mùng ba câu liêm, mùng bốn lưỡi liềm,…”.

Tối đến, nhất là những đêm trăng sáng, chúng tôi hay cùng nhau đọc râm ran bài đồng dao ấy rồi ca hát và bày rất nhiều trò chơi ở sân nhà ông Tám.

Từ lâu, ánh trăng đã vào thơ ca. Thi sĩ đưa trăng vào thơ bằng những mỹ từ, nào là “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”, nào là “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay” hay “Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ” hoặc “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”,…

Riêng chúng tôi, trước ánh trăng quê, mỗi đứa có những cảm nhận khác nhau, ngộ nghĩnh, buồn cười nhưng cũng thật đáng yêu.

Thằng Tí cho rằng trăng giống hệt cái bánh phồng ngoại nó nướng cúng đưa ông Táo về trời; thằng Bé Hai thì nói trăng tròn như dĩa cơm nguội; con Hoa cãi lại, nó giống như cái bánh cam mỗi lần đi chợ má hay mua về cho chị em nó;…

Nghe vậy, thằng Lành ôm bụng cười: “Trời ơi, trăng giống dĩa cơm nguội! Ừ mà… đói bụng có cơm nguội ăn đỡ… cũng được.

Trăng lại giống cái bánh cam, nghe nói là biết nhỏ Hoa này mê ăn hàng vặt rồi. Trăng giống bánh phồng, thằng Tí nhắc làm tao nhớ tết quá trời luôn.

Và… mỗi khi nhớ tết là tao lại nhớ tới nội. Hồi còn sống, tết năm nào bà cũng nướng bánh phồng cho tao ăn, ngon lắm!”

Những lời ngây thơ của tụi con nít xóm tôi, nếu trên cung trăng xa thẳm kia thật sự có chú Cuội chắc chú cũng ngã lăn ra mà cười.

Bây giờ, tôi và bọn thằng Tí, thằng Bé Hai, con Hoa,… đứa đã có vợ, có chồng, đứa tha hương vì chén cơm manh áo, có đứa vẫn bám nơi chôn nhau cắt rốn. Tất cả đều tất bật vì cuộc mưu sinh, song vẫn còn đó bao ký ức đẹp của những đêm trăng nơi thôn dã.

Xóm tôi, vào những đêm trăng sáng, người lớn hay tổ chức đờn ca tài tử trước sân nhà ông Sáu Đờn Cò. Bọn tôi làm khán giả, ngồi trên manh chiếu, chia nhau cái bánh, viên kẹo. Và mỗi lần nghe các cô, các chú xuống câu vọng cổ là chúng tôi vỗ tay rần rần.

Những đêm có giao lưu đờn ca giữa các xã bạn thì càng vui hơn. Không sân khấu, cũng vẫn trên những chiếc chiếu, chiếc đệm nhưng lời ca, tiếng đờn của họ cứ ngân nga, vang lộng trong ánh trăng trải rộng khắp ruộng đồng, vườn cây. Đờn ca tài tử là dịp để trai gái quen nhau.

Xóm tôi, không ít những anh Sáu, chị Loan, chú Chín, cô Mười,… kết nghĩa vợ chồng qua câu hát giao duyên vào những đêm trăng sáng.

Tuổi thơ, trăng đẹp nhất là vào Tết Trung thu. Dịp này, con nít xóm tôi, một vài đứa được người lớn làm cho chiếc đèn ông sao, số còn lại chỉ là đèn tự xếp bằng giấy đơn giản.

Thậm chí, có những chiếc “lồng đèn” chỉ là một thanh củi dừa cắm nến, cháy leo lét trong gió. Có những đứa không tiền mua nến, vui Trung thu với những chiếc đèn cốc hay đèn dầu tự chế bằng bình mực cũ...

Tuy đơn giản nhưng bọn tôi vẫn phấn khởi rủ nhau rước đèn dài trong xóm rồi tập trung ở cầu Đình ca hát để chào đón chú Cuội- chị Hằng.

Ngày nay, nhìn những gian hàng bán bánh trung thu rực rỡ ánh đèn màu, chứng kiến trẻ em thị thành xúng xính trong những bộ đồ mới bên những chiếc lồng đèn đủ loại, đẹp mắt, lòng tôi chợt xốn xang nhớ cái thời con nít nhà quê thiếu thốn vì nghèo khó.

Tí ơi, Hoa ơi, Lành ơi,.. các bạn của tôi ơi, có nhớ những đêm rằm trăng sáng không bánh trung thu, không quần áo mới, vui hội trăng rằm bằng những chiếc đèn nhà quê, những miếng cốm gạo ngọt tan trên đầu lưỡi?

Những đêm trăng tĩnh mịch, có tiếng ru con của bà mẹ trẻ nghe buồn như đang trách hờn cho thân phận “Ầu ơ… Gió đưa trăng thời trăng đưa gió. Trăng lặn rồi… gió biết đưa ai”.

Đêm trăng, người lớn không ngủ được bởi nỗi lòng trắc ẩn, riêng với trẻ con thì trăng mãi đẹp và hồn nhiên.

Trăng lạc vào giấc mơ cổ tích của trẻ thơ có cô Tấm, có ông bụt, có lão tiều phu. Còn có cả chú Cuội ngồi gốc cây đa đăm đắm nhìn xuống trần mong được một lần trở về quê cũ, làng xưa.

Trăng duyên là trăng của đôi lứa yêu nhau. Các chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi xóm tôi thường hò hẹn ở bờ sông để ngắm trăng và nhìn con nước lớn.

Song đó chỉ là cái cớ. Trăng thanh gió mát là điều kiện lý tưởng để gái trai thổ lộ tâm tình, nói với nhau những lời mà ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật còn ngại ngùng chưa dám ngỏ.

Nhưng lại có những gã trai thất tình, mượn men nồng, lẻ loi ngồi uống rượu một mình dưới ánh trăng suông ngoài đồng vắng để nghe lòng gặm nhấm nỗi cô đơn.

Ngày nay, cuộc sống tất bật, ngày làm việc bằng máy móc, đêm về đối diện với ti vi, màn hình vi tính,… Mọi công việc từ công đến tư đều tính bằng dương lịch, có mấy ai nhớ ngày âm lịch và nhẩm đếm rằng:

“Mùng một lưỡi trai, mùng hai lá lúa,…” để biết được đêm nào trăng sáng, đêm nào không trăng và đêm nào khuya lắm trăng mới mọc, chênh chếch ở đỉnh đầu. Không nhớ được vì đèn nhà luôn sáng và bên ngoài đèn cao áp rực rỡ cả phố phường.

Đêm nay, vô tình tôi nhận ra ánh trăng đang cô đơn, lạc lõng, lu mờ giữa những tiện nghi hiện đại. Khắc khoải nhìn lên bầu trời cao, ánh trăng chợt thắp sáng trong tôi một miền ký ức.

Nguyễn Linh