Hai ca khúc cách mạng viết về người chiến sĩ hy sinh

Cập nhật, 11:10, Thứ Hai, 30/07/2018 (GMT+7)

Trong các ca khúc cách mạng đã từng vang lên suốt mấy chục năm nay, tôi vẫn ấn tượng nhất với 2 nhạc phẩm viết về người lính hy sinh trong chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta. Đó là “Màu hoa đỏ” (thơ Nguyễn Đức Mậu- nhạc Thuận Yến) và “Cỏ non Thành Cổ” (nhạc sĩ Tân Huyền).

Ngoài ca từ đẹp, giàu hình tượng và gần với chất thơ, giai điệu các bài hát trên cũng dễ đi vào lòng người một cách sâu lắng. Điều đặc biệt, 2 ca khúc này đã dựng lên một tượng đài bất tử về người lính đã ngã xuống cho đất nước trọn niềm vui, ngân lên khúc khải hoàn ca chiến thắng.

Theo lời kể của nhạc sĩ Thuận Yến, bài thơ của Nguyễn Đức Mậu ban đầu có tên là “Thời hoa đỏ”, sau đó được chính nhạc sĩ góp ý sửa thành “Màu hoa đỏ”, vì theo ông suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, đi dọc chặng đường hành quân chỉ gặp một màu rực đỏ của hoa chuối rừng.

Bài thơ “Màu hoa đỏ” được Nguyễn Đức Mậu viết ra ở giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang diễn ra ác liệt nhất. Bắt gặp tâm tình ấy, Thuận Yến đã phổ nhạc rất thành công ca khúc cùng tên và đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994.

Với một giai điệu trữ tình tha thiết xen lẫn chất bi tráng, “Màu hoa đỏ” đã thực sự cảm hóa lòng người nghe từ khi ca khúc ra đời đến nay. Hình ảnh người lính ra đi từ mùa xuân ấy để rồi không về nữa, tên tuổi anh đã khắc vào đá núi giữa chiều biên cương trắng trời sương xuống, chỉ còn mẹ già mòn mỏi đợi trông chốn quê nhà:

Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che

Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Nhưng xúc động đến dồn nén và thực sự vỡ òa phải ở phần cuối của ca khúc. Ca từ trong phần lời thơ và nhạc phẩm không khác lắm, da diết buồn thương mà tự hào lồng lộng, khắc họa một tượng đài bất khuất về hình tượng người lính ngã xuống nơi ngọn núi lúc anh hành quân:

Việt Nam ơi, Việt nam!

Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi, Việt Nam!

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn

Hình ảnh màu hoa đỏ cháy lên một cách mãnh liệt, tỏa sáng cả một cánh rừng trước hoàng hôn là một biểu tượng sáng ngời về lòng quả cảm, niềm tin bất diệt của một dân tộc. Vẻ đẹp lãng mạn ấy sẽ còn thắp sáng mãi trong muôn thế hệ mai sau.

Nếu ca khúc “Màu hoa đỏ” lấy hình ảnh màu hoa để khái quát về một tượng đài bất tử về người lính, thì “Cỏ non Thành Cổ” của Tân Huyền lại ám ảnh tâm hồn chúng ta qua hình ảnh cỏ non.

Theo lời nhạc sĩ, ông đến Thành Cổ vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Trên cao, những đám mây trắng bồng bềnh đang trôi về chốn xa xăm. Dưới mặt đất, cỏ non lan tràn khắp nơi như dấu hiệu của một sự sống vĩnh hằng, bất tử.

Cũng chính nơi này, suốt 81 ngày đêm chiến đấu, máu xương của bao chiến sĩ ta đã đổ xuống để bảo vệ Thành Cổ, bảo vệ Quảng Trị tuyến đầu chống Mỹ. Hình ảnh cỏ non vì thế đã ám ảnh ông cho đến khi những giai điệu đầu tiên, những ca từ mở đầu của ca khúc vang lên:

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ

Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đong đưa

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ

Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ

Ca từ bài hát thật đẹp, hình ảnh luyến láy như xoáy vào lòng người một nỗi ám ảnh không nguôi, cộng với một giai điệu tha thiết đã góp phần tạo nên sự thành công cho ca khúc này. Thông qua hình ảnh cỏ non nơi Thành Cổ, nhạc sĩ Tân Huyền cũng muốn nhắn nhủ với hiện tại và hậu thế rằng: Chính cái chết đã tạo nên sự sống bất diệt, chúng ta không được quên những đau thương, mất mát mà bao cha anh đã hiến dâng cho nước non này. Một nén nhang tri ân, một tấm lòng biết hướng về quá khứ hào hùng là trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt:

Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ

Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ

Xin chớ vô tình với người hy sinh

Trên mảnh đất quê mình.

Bài hát khép lại mà dư âm còn vọng mãi. Hình ảnh “cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ” cứ găm mãi vào lòng người, day dứt, thảng thốt và đầy kiêu hãnh về lẽ sống của một thời oanh liệt.

“Màu hoa đỏ” và “Cỏ non Thành Cổ” có sức sống lâu bền và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều thế hệ người Việt Nam. Quả thật, 2 ca khúc đã xứng đáng dựng lên một tượng đài bất tử về người lính trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Tình yêu đồng đội, sự tri ân sâu nặng với những người đã ngã xuống cho Tổ quốc đã giúp 2 nhạc sĩ thực sự có ca khúc hay về đề tài người lính, góp phần đưa nền âm nhạc cách mạng nước nhà bay cao, bay xa hơn nữa.

Từ âm điệu của 2 ca khúc cách mạng, ta nghe như sức sống và niềm tin của hình ảnh người chiến sĩ ngã xuống càng tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc giữa mùa xuân đất nước huy hoàng.

LÊ THÀNH VĂN