Nhớ mãi Làng Sen

Cập nhật, 14:18, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

Khu di tích Kim Liên, nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được thành lập từ năm 1956, với diện tích 205ha, đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Bác về thăm quê.

Không gian xanh mát bao quanh căn nhà Bác thời thơ ấu.
Không gian xanh mát bao quanh căn nhà Bác thời thơ ấu.

Về mảnh đất miền Trung trải dài đầy nắng gió, cái nắng oi nồng của mùa hè đầy khắc nghiệt không làm chùn bước chân chúng tôi đến thăm Làng Sen thân yêu và gần gũi - nơi gắn liền thời thơ ấu của vị lãnh tụ dân tộc Việt Nam.

Làng Sen nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi mà Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam đã sống trong tình yêu thương của gia đình, hàng xóm.

Cũng chính nơi đây đã hun đúc một trái tim yêu nước, hình thành nên một con người giản dị mà vĩ đại.

Từng đoàn người xếp hàng đi trên con đường rợp bóng tre xanh, thẳng tắp với hai hàng dâm bụt khoe sắc đỏ như lồng đèn treo trước ngõ, phảng phất xa xa hương sen nhè nhẹ.

Làng Sen đẹp như một bức tranh thủy mặc. Con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà tranh khi xưa Bác ở, một mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc và giản dị.

Không gian yên tĩnh được bao bọc trong một màu xanh êm đềm của thiên nhiên. Mọi vật vẫn còn đó, vẫn hàng cây dâm bụt, hàng cau, cây ổi, luống rau… như còn ấm áp hình ảnh Bác hằng ngày chăm sóc.

Thật đơn sơ, bình dị ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, nhỏ bé, mộc mạc dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre.

Gian nhà này là nơi ở chính của cả gia đình, kế bên là nhà ngang sử dụng làm nhà bếp. Cả hai nhà đều thấp, nhỏ bé là điển hình cho những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam, với kèo gỗ, với mái hiên cùng những tấm phên tre nứa, với cổng ngõ hàng dâm bụt xanh được cắt tỉa thẳng tắp và khoảng sân phía trước, cùng một mảnh vườn nho nhỏ với những giồng khoai, giồng đậu xum xuê tươi tốt - gắn liền với không gian khoáng đạt của thiên nhiên.

Hai gian nhà phía ngoài là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách - đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh - chị cả của Bác Hồ. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của cả gia đình.

Ở gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ, là nơi cụ Phó bảng thường nằm đọc sách. Gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ).

Qua lời kể của cô thuyết minh với giọng trìu mến, tha thiết như điệu hò xứ Nghệ: “Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả Làng Sen. Dân Làng Sen đã dựng một ngôi nhà để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ.

Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại Làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 (trước khi theo cha vào Huế) và hai lần Người về thăm quê vào năm 1957 và 1961.

Dù đã đỗ đạt, song gia đình cụ Phó bảng vẫn sống thanh đạm. Phần lớn đồ đạc trong nhà đều do dân làng tặng, những kỷ vật tới giờ được gìn giữ gần như nguyên vẹn, như chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó.

Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành; là nơi ghi dấu cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc - bước tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà tranh lịch sử là cụm di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1979.

Đến với ngôi nhà của Bác, một cảm xúc bồi hồi khó tả, không sao kiềm nén, những kỷ vật hết sức bình dị, đơn sơ. Ôi! Một không gian thật gần gũi và thân thương.

Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: “Ngõ nhà Bác đỏ hàng hoa dâm bụt / Không khác chi hàng dâm bụt nhà tôi / Vườn Bác xanh luống lạc, luống khoai / Giống mọi mảnh vườn trồng khoai trồng lạc / Mái nhà lợp bằng mái mía trắng phau / Như mọi mái nhà lợp bằng lá mía…”.

Tạm biệt Làng Sen trong nắng vàng ấm áp, trên con đường nhỏ dòng người vẫn tấp nập, nối tiếp nhau vào thăm ngôi nhà tranh ấy.

Theo Báo Đồng Khởi