Chuyện kháng chiến

Đối mặt với kẻ thù

Cập nhật, 13:27, Thứ Ba, 22/05/2018 (GMT+7)

Các đơn vị giao thông công khai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua có tên gọi như thế, nhưng thật ra là một tổ chức độc lập hết sức bí mật có nhiệm vụ giữ vững mạch máu thông tin liên lạc phục vụ cho chỉ đạo kháng chiến của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là trong những thời điểm các phương cách liên lạc khác gặp khó khăn.

Hàng ngày, các người trong tổ chức này đơn độc hay liên kết thành nhóm nhỏ hoạt động công khai trước mắt kẻ thù. Bằng sự dũng cảm và linh hoạt ứng phó khi đối mặt với chúng, không ít lần họ đã thoát hiểm trong gang tấc, như những chuyện dưới đây:

Hướng hiểm nguy về mình để tổ chức thiệt hại ít nhất

Những năm trước cuộc Đồng khởi 1960 là thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp các lực lượng cách mạng rất tàn khốc. Út Vui đang là cán bộ giao thông công khai của Huyện ủy Châu Thành (nay là huyện Long Hồ- Vĩnh Long).

Trong một lần cô đi xe lam chuyển thư của huyện ủy về trên, khi xe dừng ở đầu cầu Thiềng Đức phía Phường 5 (nay thuộc TP Vĩnh Long), thì một tên cảnh sát cầm dùi cui chỉ thẳng vào mặt cô hét lớn với đồng bọn “Bắt con nhỏ này lại!” Út Vui giật mình khi nhận ra tên cảnh sát này và biết rằng mình đã bị lộ vì hắn biết rất rõ cô và gia đình.

Cả nhóm cảnh sát ở chốt đầu cầu bu lại lôi Út xuống xe rồi mau mắn dẫn bộ cô qua cầu. Bị bắt, tuy cô rất lo nhưng lại mừng thầm vì chúng chưa phát hiện bức thư của huyện ủy cô giấu trong sề đu đủ- vật nghi trang cho bức thư- đang để ở sàn xe.

Nhưng niềm vui này mau chóng qua đi bởi mới đến được nửa cầu thì tên cảnh sát nọ sực nhớ bảo đồng bọn quay trở lại xe tìm hành lý của cô.

Tại Ty Cảnh sát, cả bọn vây quanh sề đu đủ nghiên cứu. Đó là cái sề bằng tre đựng đúng 10 quả đu đủ lớn nhỏ, phía dưới được lót cẩn thận một lớp giấy, trong đó có một tờ giấy tập viết của học trò, còn một phần chưa viết chữ bị chúng đưa vào nghi vấn là một bức bạch thư (thư viết bằng một loại mực đặc biệt, khi đọc phải dùng cách thích hợp để chữ hiện ra) mà cô có nhiệm vụ chuyển.

Chúng cật vấn Út Vui về tờ giấy tập học trò đó nhưng cô vẫn khăng khăng đó là giấy lót sề cho trái cây không bị giập, nhưng không tên nào tin. Sau một lúc chuyền tay nhau cái kính lúp xăm xoi tờ giấy không phát hiện được điều gì, chúng bắt đầu màn tra khảo buộc cô phải khai ra đều bí mật trong tờ giấy.

Hết đổ nước xà phòng rồi nước mắm khiến cô mấy lần bị ngất đi nhưng chúng vẫn không khai thác được gì. Bất lực với cô, chúng đành tổ chức một cuộc họp để tìm cách giải mã bức thư. Cuối cùng, một tên có kinh nghiệm về việc này quyết định dùng một thứ nước như nước màu để thoa lên tờ giấy.

Đến đó thì Út Vui thở phào nhẹ nhõm vì như thế thì bức thư đã hỏng, địch không còn bằng chứng và cô sẽ thoát được một bản án tù rất nặng nề, bởi cô biết “mực” viết bức thư đó là mủ xương rồng, khi khô không để lại dấu vết trên giấy, nếu dùng nước cơm vo thấm vào thì chữ sẽ hiện ra.

Hơn một tháng bị điều tra chết đi sống lại nhiều lần, biết mình không thể chối tội vì đã có người nhìn mặt nên trong bản cung Út Vui phải nhận mình là giao liên.

Nhiệm vụ chỉ là chuyển thư đến hộp thư bí mật đặt tại một hốc cây, ai đến nhận cô không thể nào biết. Địch bó tay đành kết tội cô là tham gia phản nghịch và bản án tại tòa là 7 năm tù giam. Năm đó Út Vui mới tròn 16 tuổi.

Quên thân mình bảo vệ đồng chí (1)

Lần đó, 2 cán bộ Đội K26 (đơn vị giao thông công khai của Khu ủy Tây Nam Bộ) được lãnh đạo phân công về địa bàn tỉnh Trà Vinh mở một lớp chính trị cho nội bộ.

Một buổi sáng, trong lúc họ và người phụ trách bảo vệ cho lớp học là đồng chí Hiếu đang bàn bạc công việc, cũng là lúc đồng chí Hoa- một đoàn viên thanh niên tại địa phương đang hoạt động hợp pháp được cử sang hỗ trợ cho lớp- từ nơi đặt lớp học có việc ra ngoài thì bất ngờ đối mặt với bọn lính đồn Long Hữu đang đột kích lùng sục.

Cú chạm mặt đột ngột và quá gần này khiến Hoa bối rối bởi không biết làm cách nào để báo động. Cô hiểu nếu la lên thì tất cả sẽ cùng bị lộ và vô cùng nguy hiểm bởi bọn lính đã đến sát bên địa điểm đặt lớp học.

Một ý táo bạo lóe lên trong đầu, Hoa liền trật quần ngồi xuống đái ngay trên đường trước mặt bọn lính. Việc làm có vẻ như bất khả kháng đó của một cô gái đang ở tuổi cập kê đã làm toán lính bị bất ngờ hơn cả cô trước đó. Cả bọn sựng lại trố mắt nhìn rồi đồng loạt cười rộ lên hô hố. Một tên chỉ Hoa nói lớn:

- Coi kìa tụi bây ơi, con gái mà làm gì kỳ cục quá trời!

Một tên khác khả ố hơn tiến lại gần cô vừa cười vừa nói:

- Ha ha, con gái kiểu này là… hết cỡ!

- Tôi mắc tiểu quá lâu không nín được. Ai bảo các ông đi đâu bất nhơn vậy?- Hoa làm bộ thẹn thùng chống chế, còn tên lính càng cười lớn hơn:

- Ý ngộ chưa? Lính thì đi bắt Việt cộng chớ đi chơi sao người đẹp?

Nhờ pha “cản đường” vô cùng táo bạo đến quên thân mình đó của Hoa mà anh em trong nhà được báo động và đủ thời gian thu xếp tài liệu xuống hầm bí mật kịp thời. Cảm nhận sự hy sinh đó, Hiếu đâm lòng yêu Hoa, họ hiểu nhau và đến với nhau rất tự nhiên.

Trước khi thành vợ chồng, Hiếu bị địch bắt trong một trường hợp khác và bị cầm tù khá lâu, Hoa kiên trì đi thăm nuôi và vững lòng chờ đợi anh…

HỒNG VÂN

(1) Theo quyển “Mạch ngầm” do CLB Những người kháng chiến tỉnh Kiên Giang xuất bản năm 1999.