Tìm trong sử vàng

Thầy và trò ngày xưa

Cập nhật, 10:58, Thứ Ba, 17/04/2018 (GMT+7)

Triều Tự Đức (1848- 1883), ở Thăng Long có 2 trường đại học được tiếng nhất là trường cụ cử Võ Thạch và trường cụ cử Kim Cổ.

Cụ Võ Thạch tên húy là Nguyễn Huy Đức, người làng Võ Thạch (huyện Thọ Xương- Hà Nội) đỗ cử nhân thứ 11 trường Hà Nội, khoa Mậu Ngọ vào niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1858). Cụ là nhà túc nho, không chịu ra làm quan, ở nhà mở trường dạy học.

Trường cụ đào tạo được nhiều danh thần buổi ấy, nhưng bao giờ đến nhà thầy họ cũng vẫn giữ lễ như học trò cụ Chu Văn An.

Hồi ấy, Nhà nước mới lập ra Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Quan Kinh lược có ý thu dụng những bậc túc học. Nhân cụ Võ Thạch có 2 học trò đang làm việc với chức tham biện và thượng tá ở nha ấy, quan Kinh lược nhờ ngay 2 người học trò về mời cụ đến.

Vì nể học trò cũ cố nài nỉ, cụ bất đắc dĩ phải vào hầu. Thềm thì cao, cụ thì già, 2 học trò phải dìu, cụ cáo là có mục tật (bệnh mắt). Quan Kinh mục xứ đang ngồi trên cung đường vội chạy ra thềm đón mời vào ngồi chơi, rồi đạo đạt với cụ về việc nước, có ý dùng cụ.

Cụ nhất định từ chối vì tuổi già e không kham nổi. 2-3 phen quan Kinh lược nài ép, cụ vẫn khăng khăng một mực từ chối. Lúc cáo ra về, quan Kinh lược sai lấy 2 cây the, 2 nén bạc ra tặng, cụ không nhận... Nghe đâu về sau vì sợ lại bị triệu nữa, cụ phải về quê ngoại mai danh ẩn tích.

Còn học trò cũ đối với thầy thế nào? Một cụ đồ nho kể lại: Ông Đỗ Văn Tâm hiệu là Gia Xuyên, người làng Đại Gia (phủ Thường Tín) là học trò cũ đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Thìn năm 1880, làm tuần phủ tỉnh Thái Bình. Một ngày có việc phải về Hà Nội, người mà ông đến thăm trước nhất là thầy học.

Ông xuống võng từ xa, lấy áo tấc mặc, rồi tự mình bưng một cái khay đựng một cân chè, 5 nén bạc đến nhà thầy. Vào đến sân, sau khi chào thầy, đặt khay trên thềm, lạy 2 lạy rồi chắp tay đứng nói: “Bẩm thầy, con từ tỉnh về gọi là có ít chè để thầy xơi nước và chút ít để thầy dùng”.

Cụ Võ Thạch lúc ấy đang ngồi chấm sách trên phản, ngừng tay hỏi: “Anh Tâm đấy à, anh cho thầy gì thế, chè rồi lại cả bạc nữa! Chè thì nhiều quá, mà bạc thì thầy tiêu gì mà lấy? Thầy lấy một bao chè thôi”. Nói xong, cụ gọi trẻ đun nước, hiềm vì lúc ấy không có ai trên nhà học.

Ông Tâm vội đứng dậy thưa: “Bẩm thầy, để con đi đun nước”. Rồi ông quan ấy cho nước vào siêu, ra giậu bẻ nan đóm, đun nước hầu thầy như hồi còn là học trò đến nghe sách làm phận sự trước giờ học vậy.

Thời xưa, cái tình sư đệ là như thế, có ông thầy như thế tất phải có những học trò như thế!

LÊ HỒNG THIỆN