Thăm dinh Vạn Thủy Tú

Cập nhật, 11:38, Thứ Ba, 27/06/2017 (GMT+7)

Bên trong dinh Vạn Thủy Tú (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) còn lưu giữ một bộ xương cá voi dài hơn 22m được gìn giữ cẩn thận, đặt trang nghiêm giữa không gian chính…

Xương sọ của cá ông được bảo quản rất tốt ở không gian chính của dinh.
Xương sọ của cá ông được bảo quản rất tốt ở không gian chính của dinh.

Được xây dựng vào năm 1762, xưa kia dinh Vạn Thủy Tú nằm sát biển, mặt quay về biển Đông và là nơi cá “ông”- theo cách gọi của người dân đi biển- dài 22m trôi dạt vào.

Theo tín ngưỡng của người dân vùng biển, nơi đây thờ thần Nam Hải nhằm thể hiện sự biết ơn loài cá ông thường che chở ngư dân trong những tháng ngày lênh đênh mưu sinh ngoài biển lớn. Ngày nay, dinh tọa lạc trên đường Ngư Ông (phường Đức Thắng- TP Phan Thiết).

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng sau khi xây xong, có một “ông” rất lớn trôi dạt vào bờ phía trước dinh. Ngư dân được huy động để đưa “ông” vào mai táng trong khuôn viên của dinh Vạn Thủy Tú. Vì “ông” quá lớn (dài 22m, nặng 65 tấn) nên phải đến 2 ngày sau mới đưa “ông” vào bờ được để mai táng.

Dinh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi những nét độc đáo hiếm có, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến việc hình thành và phát triển nghề biển Bình Thuận nói riêng và vùng Nam Trung Bộ nói chung.

Nơi đây còn lưu giữ 24 sắc phong quý của các vị vua triều Nguyễn, bởi các tướng nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển. Ngoài ra, dinh còn có các di sản văn hóa Hán- Nôm, các hoành phi và câu đối trên chiếc chuông đồng hơn 140 năm.

Đến tham quan dinh, qua khỏi cổng tam quan về phía bên trái là Ngọc Lân thánh địa- khu đất rộng để mai táng cá ông, phía bên phải là nhà trưng bày cốt “ông” Nam Hải- nơi lưu giữ bộ xương cá voi lưng xám khổng lồ được phục dựng gần như nguyên vẹn.

Hiện nay, bộ xương này được xác nhận kỷ lục lớn nhất Việt Nam và là một trong những bộ xương cá lớn nhất Đông Nam Á.

Đoạn xương đuôi.
Đoạn xương đuôi.

Đi tiếp vào bên trong, bạn sẽ thấy bàn hương án thờ thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn thần (hay còn gọi là thần Nam Hải, tức cá ông), bên trái thờ Thủy Long Thánh Phi nương nương tôn thần, và bên phải thờ Hi Hoàng Thái Hiệu tiên sư tôn thần. Đây là nét khác biệt so với các dinh thờ khác ở miền Trung.

Đặc biệt, cho đến ngày nay, ngoài bộ xương lớn giữa dinh, nơi đây còn lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi, gần một nửa trong số đó có niên đại từ 100- 150 năm.

Theo những người quản lý dinh, hiện nay, không gian lưu giữ đã trở nên chật hẹp, rất mong muốn sẽ có giải pháp mở rộng không gian, phục vụ công tác bảo quản và tham quan cho du khách.

Hiện nay, phía sau chánh điện thờ “tiền hiền hậu hiền, tiền vãng hậu vãng, tiền tạo hậu tạo”- chỉ những người có công khai phá, lập ra làng chài, du khách sẽ được dịp tiếp xúc thử ống ghè- vốn là lọ gốm cổ- cao 20cm, miệng rộng 12cm.

Thêm nữa, theo truyền thuyết về cá ông, khi xây xong dinh, trời bão giông suốt 3 ngày mới quang. Một số ghe, tàu của ngư dân đánh cá bị kẹt ngoài khơi, được cá ông cứu giúp.

Các nhà khoa học giải thích về hiện tượng cá ông cứu người là do khi mưa bão, cá ông bị sóng lớn vùi dập nên phải tìm điểm tựa để nương mình chống chọi với phong ba, bão táp.

Tàu thuyền của ngư dân được cá ông nương vào trở nên vững hơn. Cuối cùng cả hai sẽ được sóng đưa đẩy vào bờ.

Có khi cá ông đuối sức phải lụy, có khi cá ông an toàn trở ra biển khơi khi biển bớt sóng gió… Những truyền thuyết hòa quyện vào đời sống đã khiến cho người dân thêm yêu biển cả, thiên nhiên.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY