Chuyện kháng chiến

Oai phong của anh Giải Phóng quân

Cập nhật, 05:04, Thứ Ba, 03/01/2017 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dù đang cầm súng chiến đấu ở sắc quân nào thì chiến sĩ của ta cũng luôn nhớ rằng mình là một thành viên trong đội quân của nhân dân, là Giải Phóng quân, trong mọi tình huống phải nêu cao oai phong của anh bộ độ Cụ Hồ. Vài mẩu chuyện nhỏ sau đây đã nói lên điều ấy.

Lấy oai phong của Giải Phóng quân khuất phục địch

Giữa tháng 10/1972, bọn lính trong đồn Cây Điều (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực: bị du kích bao vây đã quá lâu mà không được tiếp tế bất cứ thứ gì, lương thực và đạn dược sắp cạn, mọi sinh hoạt bị bó rọ trong đồn kể cả đi vệ sinh, một tên chịu hết nổi mới ló ra ngoài một chút đã lãnh ngay một phát đạn của du kích bị thương khá nặng.

Khẩn cấp thế mà tên trưởng đồn kêu cứu đến phát khóc với cấp trên nhưng chỉ nhận được lời hứa… chờ tiếp viện!

Do giải được mã hóa thông tin của địch, tổ trinh sát kỹ thuật của Tỉnh đội đóng gần đó nắm rõ tình hình trên liền lên kế hoạch lấy oai phong của Giải Phóng quân chiếm đồn này vào ban ngày và được cấp trên đồng ý.

Sau khi chuẩn bị hỏa lực yểm trợ xung quanh đồn để sẵn sàng khống chế địch. Đề phòng tình huống xấu nhất là chúng liều lĩnh chống cự, một tổ 3 chiến sĩ trang bị súng AK, M 79 và một máy thông tin PRC 25 dùng xuồng đến ngay cửa đồn, anh chiến sĩ ở mũi xuồng đứng thẳng người bắt loa tay vào hướng đồn với lời lẽ đanh thép:

“Binh lính trong đồn nghe đây, các anh đã bị quân Giải Phóng vây chặt, lực lượng công đồn đã sẵn sàng, nếu ra hàng các anh sẽ được khoan hồng, bằng không sẽ bị tiêu diệt!”

Sự dũng cảm và đĩnh đạc của 3 chiến sĩ ta đã thuyết phục được bọn lính đồn đang lâm vào tình cảnh bi đát, tinh thần rệu rã.

Theo mong muốn của địch và qua phân tích tình hình chung, ta cho phép chúng rời đồn được mang theo súng không có đạn. Đồn Cây Điều được du kích và người dân tại chỗ san bằng ngay hôm đó, phá rã một mắt xích trong hệ thống phòng thủ của địch tại vùng này.

“Nắn gân” buộc địch xuôi tay

Tháng 1/1974, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo đơn vị phối hợp vừa mới thành lập do Đội Phòng thủ Tỉnh ủy (C 40) làm nòng cốt và chỉ huy cùng với tự vệ các cơ quan ban ngành tỉnh và du kích địa phương dùng “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) thử nghiệm chiến thuật vây lấn mới làm bài học kinh nghiệm giúp các địa phương tự lực bứt rút đồn bót tại các vùng sâu.

Đó là vận động người dân tại chỗ cùng đơn vị vũ trang đào chiến hào, xây pháo đài áp sát đồn rồi dùng kỹ thuật bắn tỉa, đánh thủ pháo vào đồn hàng đêm kết hợp chống càn ngăn không cho địch cứu viện. Thí điểm được Tỉnh ủy chọn là đồn Bình Phú (xã Ngãi Tứ- Tam Bình).

Chỉ trong thời gian ngắn, với chiến thuật này đơn vị trên đã gây được sát thương, đưa mọi sinh hoạt của bọn lính trong đồn đến cùng cực và quan trọng nhất là dùng lối đánh phòng ngự kết hợp với “bãi lửa” (bãi gài nhiều trái nổ) đã ngăn được bọn vào can viện làm tiêu tan mọi hy vọng được cấp trên cứu vớt của bọn lính đồn.

Chớp thời cơ, Binh vận huyện Tam Bình vào cuộc, kết quả là nhóm địch rệu rã trong đồn xin ta cho phép được rút chạy với vũ khí cá nhân.

Do đã vào cuối chiến dịch và xét tương quan ta địch tại thời điểm đó, lãnh đạo ta đồng ý. Chỉ huy đơn vị lúc đó là Sáu Trắng (Mai Hồng Thắng)- Đội trưởng C 40 được lệnh tổ chức và thị sát cuộc rút chạy của địch đúng theo kế hoạch.

Sau khi bố trí 2 tiểu đội dọc bờ sông Cái Sơn- đây là đường ta mở cho địch đi qua, để đề phòng mọi bất trắc, đơn vị đưa 2 chiếc xuồng lớn do người dân địa phương chèo đến cửa đồn đúng như giao hẹn của 2 bên.

Đủ 30 lính đồn, người nào cũng tay cầm súng tay còn lại cầm lựu đạn, mặt đầy lo âu lần lượt bước xuống 2 xuồng. Tay trưởng đồn xuống sau cùng, hắn ngồi dưới sạp xuồng giữa 2 chân của Sáu Trắng đang ngồi trên sạp sát chân người chèo của chiếc xuồng đi sau.

Đi được một đoạn, nhận thấy bọn này quá căng thẳng, Sáu Trắng liền móc gói thuốc Ruby đã khui sẵn trong túi ra phát cho mỗi người một điếu.

Lâu ngày bị đói thuốc ai cũng ghịt đỏ lửa. Thấy bọn chúng đã tươi tỉnh lại và nghĩ cần “nắn gân” chúng để đề phòng có tên nào đó liều lĩnh làm càn, anh liền cầm quả pháo dù gõ nhẹ vào vai trưởng đồn hỏi:

- Anh biết trái này là gì không?

- Dạ, nghe nói đó là pháo dù diệt được xe tăng, tàu sắt… - hắn quay lại đáp. Sáu Trắng trấn an:

- Để cả xuồng này được yên lành về với vợ con, anh ra lệnh cho lính anh súng xuống đạn và bỏ hết lựu đạn vào túi đựng để tránh rủi ro”.

Với gợi ý của anh và lệnh của trưởng đồn, cả bọn lính đều răm rắp tuân theo. Sau khi vô hiệu hóa máy truyền tin PRC 25 của chúng, anh mới nhẹ nhàng nhắc lại chính sách khoan hồng của Mặt trận Giải phóng với tù hàng binh để cả bọn yên lòng.

Khi bọn này đến điểm thỏa thuận cũng là lúc đồn Bình Phú đã bị người dân Ngãi Tứ người cuốc người leng phá banh…

Có chết cũng phải giữ oai phong của Giải Phóng quân

Tháng 2/1974, bọn địch ở Chi khu Trà Ôn tập trung dân công mở cuộc càn lớn vào xã Ngãi Tứ đóng lại đồn Giáo Mẹo lần thứ ba. Đơn vị do đồng chí Sáu Trắng chỉ huy nói ở phần trên sau khi có bài học từ việc bứt rút đồn Bình Phú đã liên tục bứt rút đồn Giáo Mẹo 2 lần rồi.

Lần này, tiếp tục được lệnh “dãy” cho được cái u nhọt chưa chịu lành này. Được Tỉnh đội tăng cường 1 khẩu pháo SKZ 75 và trọng liên 12,8 ly, anh em đang hăm hở bố trí hỏa lực và đưa các bộ phận của đơn vị vào vị trí chiến đấu thì xảy ra một bất ngờ: bộ phận du kích xã báo với chỉ huy đơn vị là họ vừa giữ 8 cô vợ lính thăm chồng ở đồn này về.

Bài học phối hợp với Binh vận huyện Tam Bình bứt rút đồn Bình Phú thông qua gia đình các binh sĩ trong đồn được ban chỉ huy đơn vị thống nhất áp dụng ngay. Kế hoạch bứt hàng đồn này là:

Sau khi giải thích cho các cô vợ lính hiểu rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận Giải phóng đối với tù hàng binh, sẽ cho họ trực tiếp thấy sức mạnh của lực lượng vây đồn (được giả danh Tiểu đoàn 306- một tiểu đoàn thiện chiến của quân khu) bằng một cuộc đưa quân rầm rộ với súng lớn súng nhỏ, kế đó cho họ đến tận nơi đặt pháo và súng lớn của ta đang nhắm thẳng vào đồn để lung lạc tinh thần họ, cuối cùng thuyết phục họ vào đồn kêu gọi chồng về với cách mạng theo điều kiện của ta.

Sự nỗ lực diễn màn kịch ấy của đơn vị thật không thừa, trước thực tế mắt thấy tai nghe và lo sợ cho tính mạng của chồng mình, các cô vợ lính đều đồng ý hợp tác theo ý đồ của ta.

Mới đầu bọn địch trong đồn tỏ ra không tin khi ta dùng loa tay phát vào đồn cho biết các cô vợ của họ có chuyện khẩn cấp muốn vào đồn bàn bạc. Đến khi ta đưa các cô ấy ra một khoảng trống trước cửa đồn cho họ thấy thì họ cũng phát loa tay đề nghị phía ta cho người đưa vợ họ vào đồn.

Theo thỏa thuận của 2 bên, địch sẽ cử một người ra cách cửa đồn 15m đón đại diện của ta đưa một cô vợ lính vào đồn. Sáu Trắng là người đại diện đó bên ta, bởi anh là người từng trải chiến đấu, có khả năng ứng phó nhanh. Như vậy, phía ta tiếp cận địch có 2 người.

Để thị uy với địch, Sáu Trắng đi trước và cô vợ lính được cử làm “thuyết khách” đi sau. Biết đây là một việc nguy hiểm, nếu địch “phản kèo” sẽ bắn mình chớ chắc chắn không bắn cô vợ lính nên Sáu Trắng dặn các đồng đội tập trung súng B40, B41 để sẵn sàng nã vào địch nếu điều đó xảy ra.

Tại điểm hẹn, trước đủ loại súng tua tủa từ các lỗ châu mai của đồn địch, Sáu Trắng bình tĩnh bàn giao cô vợ lính cho đại diện lính đồn, còn mình trở lại nơi xuất phát chờ kết quả. Đoạn đường từ điểm hẹn đến mí vườn xuất phát tuy ngắn, nhưng dù gan lỳ như Sáu Trắng cũng thấy nó quá dài.

Sau này, anh thú nhận với bạn bè là mình phải nhìn các sóng lúa rập rờn 2 bên đường để quên đi ý nghĩ cái lưng của mình đang là tấm bia di động cho địch nhắm bắn, một cảm giác rờn rợn dọc sống lưng khiến anh có lúc muốn chạy cho nhanh, nhưng bản lĩnh chiến đấu giúp anh kịp trấn tỉnh khi nghĩ mình là anh Giải Phóng quân, nếu có chết thì phải chết anh dũng như bao chiến sĩ khác trên chiến trường, phải giữ đều bước chân...

Với sự chuẩn bị tốt các mặt và thái độ tiếp xúc chuẩn mực đầy oai phong theo tác phong quân Giải Phóng, Sáu Trắng và những người chỉ huy đơn vị hoàn toàn khuất phục bọn địch trong đồn.

Tại cuộc tiếp xúc liền sau đó, chúng xin phép ta mở vòng vây để bỏ đồn tháo chạy. Tuy có một vài trục trặc, nhưng ngay đêm đó đồn Giáo Mẹo bị du kích và người dân Ngãi Tứ san bằng lần thứ ba.

HỒNG VÂN