10 hoa chiến thắng tạo sắc xuân xứ sở

Cập nhật, 06:38, Thứ Bảy, 24/12/2016 (GMT+7)

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã từng giới thiệu triển lãm “Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”. Đó là 10 trận đánh, chiến dịch có tính chất chiến lược quyết định đến thắng lợi toàn cuộc của nhiều thời đại khác nhau.

Được giới thiệu đầu tiên là trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên cuộc đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, là điểm kết của triển lãm.

Các trận khác là: Trận Như Nguyệt (1077) do Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống- trận đánh gắn với bài thơ nổi tiếng Nam Quốc Sơn Hà, được xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam; Trận Đông Bộ Đầu (1258), nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông; Trận Bạch Đằng (1288), nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3; Trận Chi Lăng- Xương Giang (1427), lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan quân Minh; Trận Rạch Gầm- Xoài Mút (1785), Tây Sơn quét sạch quân xâm lược Xiêm; Trận Ngọc Hồi- Đống Đa, Tây Sơn đại phá quân Thanh; Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp kết thúc thời kỳ Pháp thuộc; Trận Điện Biên Phủ trên không (1972), chiến thắng không quân Mỹ, buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ký kết Hiệp định Paris, quân Mỹ rút về nước.

Kỳ 1: Trận Bạch Đằng- trận thủy chiến huyền thoại

Gọi trận Bạch Đằng là trận thủy chiến huyền thoại, bởi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, ông cha ta không phải một mà nhiều lần học tập tư tưởng và cách làm nên chiến thắng đầu tiên này dạy cho kẻ thù xâm lược ở các thời đại khác nhau những bài học nhớ đời.

Khai quật bãi cọc đồng Má Ngựa- bãi cọc thứ 3 trong trận Bạch Đằng huyền thoại. Ảnh: BÁO QUẢNG NINH
Khai quật bãi cọc đồng Má Ngựa- bãi cọc thứ 3 trong trận Bạch Đằng huyền thoại. Ảnh: BÁO QUẢNG NINH

Bạch Đằng- lẫy lừng một dòng sông!

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, hiếm có dòng sông nào có danh dự mang lắm chiến tích có ý nghĩa như sông Bạch Đằng.

Chỉ vỏn vẹn 350 năm, trên cùng một dòng sông, ông cha ta với cùng một cách đánh nhưng vô cùng quyền biến trong chủ động đón địch “dùng đoản binh thắng trường trận”, “lấy quân nhàn đối quân mệt” khi vừa mới chạm ngõ tạo nên 3 chiến thắng lẫy lừng: Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán; năm 981, quân dân nhà Tiền Lê chiến thắng quân Tống; năm 1288, quân dân nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông.

Có thể thấy ở 3 trận đều có điểm chung là địch thua tan tác cùng với tướng chỉ huy cao nhất bị giết hoặc bị bắt sống, nhất là 2 trận thủy chiến diễn ra vào năm 938 và năm 1288.

Trận Bạch Đằng lần thứ nhất vào năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy, đã dựa vào thủy triều lên trên sông Bạch Đằng đưa quân khiêu chiến rồi lui dần lừa đoàn chiến thuyền quân xâm lược Nam Hán qua bãi cọc nhọn được bố trí sẵn.

Lúc thủy triều rút xuống, lộ ra bãi cọc là thời điểm quyết định, chiến thuyền ta phối hợp với thuyền nhỏ chở quân mai phục 2 bên bờ dốc toàn lực phản công. Bị bất ngờ, địch vỡ trận tháo chạy.

Thuyền bị vướng bãi cọc thua tan tác, quá nửa quân Nam Hán bị tiêu diệt cùng tướng chỉ huy là Hoàng tử Lưu Hoằng Tháo (còn gọi là Lưu Hoằng Thao).

Nếu xét từ ý đồ luôn muốn đồng hóa các dân tộc nhỏ như dân tộc ta của các thế lực phong kiến phương Bắc kéo dài trên 1.000 năm thống trị thời ấy, mới thấy chiến thắng Bạch Đằng này có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống, đánh dấu thời khắc dân tộc ta vượt qua một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm để tồn tại.

Trận Bạch Đằng năm 1288 do các vua Trần và danh tướng Trần Hưng Đạo chỉ huy. Chỉ trong ngày 8/3/1288, cũng với cách đánh như thời Ngô Quyền đã đánh tan hoàn toàn đoàn chiến thuyền quân Nguyên Mông trên đường tháo chạy về nước qua ngã sông Bạch Đằng.

Trận này, quân dân nhà Trần tiêu diệt 400 chiến thuyền và 4 vạn tên địch, bắt sống 2 tướng chỉ huy là Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp cùng một số tướng khác.

Sử chép rõ: Năm 1287, nhà Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3, nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long bị bỏ trống do ta dùng kế “nhà không đồng trống” để làm suy yếu sức mạnh của địch.

Cùng với lui binh có chủ đích, quân ta chặn đánh tan tác đoàn thuyền chở quân lương của chúng tại cửa biển Vân Đồn.

Bước sang năm 1288, trước tình thế thiếu lương thực cùng với sự phản công quyết liệt của quân Trần, địch núng thế quyết định lui binh về nước bằng nhiều ngã.

Theo đó, toàn bộ thủy binh của chúng rút chạy bằng con đường qua sông Bạch Đằng và tại đây bằng thế trận “Bạch Đằng giang” theo cách của Ngô Quyền, quân dân nhà Trần đã nhấn chìm toàn bộ uy danh của đế quốc Nguyên Mông từng đặt vó ngựa xâm lược đến tận Châu Âu.

Đây là thắng lợi tiêu biểu nhất của quân dân Đại Việt trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc sừng sỏ này, phá vỡ hoàn toàn tham vọng làm chủ cả vùng Đông Nam Á của chúng.

Theo các nhà sử học, chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba là một kiểu mẫu của nghệ thuật quân sự thời đó của quân ta, bởi muốn thành công trong trận đánh này phải hội đủ 2 điều kiện: lừa được địch vào bãi cọc lúc thủy triều lên để không bị lộ, kế đến phải nắm chắc thủy văn để có thể tung ra đòn quyết định.

Khó có thể nói địch không nhớ bài học thất bại của ông cha chúng 2 lần trước đó trên dòng sông này, nhưng có thể chúng chủ quan vì vào các năm 1284 và 1287 thủy quân ta và địch đánh nhau tại đây, nhưng ta không thể dồn chúng vào bãi cọc.

Rút kinh nghiệm 2 lần thất bại trước quân dân nhà Trần lần này bố trí đủ binh lực kể cả bộ binh mai phục hỗ trợ trên bờ nên đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng.

Trận Bạch Đằng- bài học hay cho đời sau

Quân Trần trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng với thủy quân Nguyên Mông năm 1288. Tranh minh họa lấy từ Internet
Quân Trần trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng với thủy quân Nguyên Mông năm 1288. Tranh minh họa lấy từ Internet

Phải gần 500 năm sau kể từ đó, tư tưởng và cách đánh của “trận Bạch Đằng giang” mới được anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tái hiện trên mảnh đất phương Nam của Tổ quốc trong trận thủy chiến Rạch Gầm- Xoài Mút vào đầu năm 1785 trên vùng đất Mỹ Tho.

Thời điểm này, 5 vạn thủy quân Xiêm- Nguyễn (quân của Nguyễn Ánh) chiếm nhiều vùng đất phía Nam sông Hậu và đang đóng đại bản doanh tại Trà Tân bên bờ sông Tiền gần Mỹ Tho.

Với chiến thuật tiến quân thần tốc, 2 vạn quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhanh chóng tiếp cận địch. Vội đến nhưng không vội đánh địch đang ở trong căn cứ, cùng lúc với các động tác đánh nhỏ thăm dò và trao đổi thư hòa hoãn để địch chủ quan khinh địch, Nguyễn Huệ chọn một đoạn sông Tiền gần đó giữa Rạch Gầm và rạch Xoài Mút khẩn trương chuẩn bị trận địa mai phục quyết sống mái với địch.

Đây là một đoạn sông có nhiều sông rạch nhỏ, 2 bên bờ có nhiều cây cối và có cù lao giữa sông rất thích hợp cho ý đồ này.

Với các chiến thuyền nhỏ, để hạn chế tối đa tác dụng của các đại pháo trên tàu lớn của địch và chú trọng chiến thuật hỏa công thay cho bãi cọc, sau khi khiêu chiến rồi lừa chiến thuyền địch vào trận địa mai phục, chỉ một đêm 19 rạng 20/1/1785 toàn bộ 300 chiến thuyền bị đốt cháy nhấn chìm cùng với 5 vạn quân Xiêm- Nguyễn. Tàn quân chỉ còn hơn ngàn tên phải lên bờ tháo chạy về nước.

“Bần gie đóm đậu sáng ngời / Ra tay một trận muôn đời uy danh” là câu ca của người Nam Bộ về trận thủy chiến lẫy lừng đó, thể hiện ý thức chủ quyền của dân tộc trên vùng đất mới phía Nam của Tổ quốc.

Khó có thể tưởng tượng bài học “Bạch Đằng giang” còn có thể được tái hiện ở thời nhân dân ta đánh quân xâm lược Mỹ mới đây: quân dân Quảng Trị vào đầu năm 1968 cũng đã học tư tưởng và cách đánh của trận thủy chiến này.

Chỉ một đêm, họ cắm xong hàng ngàn cọc tre treo hàng trăm bùng nhùng kẽm gai tạo thành bãi ở một đoạn lòng sông Hiếu để chặn đánh một đoàn 12 tàu sắt hiện đại của thủy quân lục chiến Mỹ đi tiếp tế cho đồng bọn ở Đông Hà.

Các cuồn kẽm gai làm kẹt chân vịt khiến tàu dừng dồn cục bị thủy lôi và pháo binh ta phục kích trên bờ đánh tan tác.

7 chiếc đi đầu trong đoàn chìm tại chỗ, các chiếc còn lại chẳng kịp quay đầu tháo chạy đã là đích ngắm cho pháo binh từ bờ Bắc bắn sang, phải mấy ngày sau nước của dòng sông Hiếu mới hết màu đỏ của máu giặc.

Kỳ sau: Tiến, thoái đúng lúc làm nên chiến thắng

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)