Nơi chôn giấu chuyện tình buồn

Cập nhật, 16:29, Thứ Hai, 26/09/2016 (GMT+7)

 

Nhiều du khách tìm theo dấu chân “Người tình” vì tò mò và tiếc cho một chuyện tình đẹp.
Nhiều du khách tìm theo dấu chân “Người tình” vì tò mò và tiếc cho một chuyện tình đẹp.

Tọa lạc tại số 255A, Nguyễn Huệ, Phường 2, TP Sa Đéc, Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, mỗi năm thu hút hàng ngàn khách tìm đến tham quan và thưởng lãm.

Nhiều du khách cho biết, họ tò mò muốn biết về nơi sinh sống, mức giàu có và vẻ hào hoa của nhân vật chính trong tiểu thuyết Người tình (L’Amant) của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.

Tiểu thuyết trứ danh được chuyển thể thành phim vào những năm cuối của thế kỷ XX và đã tạo nên một làn sóng điện ảnh lúc bấy giờ.

Chuyện tình đẹp…mà buồn

“Đó là lúc đi qua một nhánh sông Mekong trên chuyến phà nối giữa Vĩnh Long và Sa Đéc trong một vùng đồng bằng trồng lúa bao la và lầy lội ở xứ Nam kỳ” (trích tiểu thuyết Người tình).

Buổi sáng trên chuyến phà định mệnh ấy đã gắn kết giữa cô gái người Pháp “mười lăm tuổi rưỡi” với chàng công tử da vàng, là công dân thuộc địa. Bén duyên nhau trong một chuyến hành trình khi cô trở lại Sài Gòn học trung học.

Từ chiếc xe đò cũ kỹ chở toàn dân thuộc địa, cô gái bước lên chiếc limousine sang trọng, như một dấu mốc cho mối tình mà cô không định trước.

Thế rồi mối tình định mệnh ngày càng lớn lên với sức cuốn hút không thể nào cưỡng lại được của hai con người khao khát yêu thương. Cuộc tình ấy, tuy đẹp nhưng chỉ vẻn vẹn ngót 2 năm rồi sau đó tan vỡ vì người đàn ông “người tình” phải kết duyên với một người con gái khác do gia đình sắp đặt từ trước.

Hơn ai hết hiểu rõ về cái kết không viên mãn về cuộc tình của chính mình, Duras cứ để tình yêu diễn biến theo chiều hướng tự nhiên nhất. Hai năm với biết bao cung bậc vui buồn, hoang lạc và trầm lắng, đêm và ngày, nhớ nhung và giận dữ, nồng nàn và lặng lẽ…

Cứ mỗi lần tan học, không nơi nào khác để cô gái đến ngoài “ngôi nhà độc thân” trong lòng chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), nơi có người đàn ông độc thân say sưa cô, cuồng nhiệt vì cô. Cứ mỗi lần như thế, mọi cung bậc cảm xúc cứ vang lên trong thinh lặng, trong những âm giai lãng đãng mà mê hoặc giữa phố thị ồn ào.

Có lẽ, chính sự chủ động đó, mà tình yêu của Duras và Huỳnh Thủy Lê luôn dữ dội phía sau cánh cửa của “ngôi nhà độc thân” trong khu phố Hoa giữa lòng chợ Lớn.

Để rồi khi thời gian trôi qua, Huỳnh Thủy Lê cưới người con gái khác còn Duras thì lặng lẽ bước chân xuống tàu hồi hương về cố quốc.

Thực tế, nếu câu chuyện đến đây kết thúc thì cho đến bây giờ chẳng ai biết được mấy mươi năm trước có cô gái da trắng và chàng trai da vàng yêu đến điên dại và ngang trái phủ phàng trong bối cảnh Nam kỳ nhiều biến động.

Năm 1971, ông Huỳnh Thủy Lê sang Pháp tìm gặp người tình thuở nào. Hợp rồi lại tan. Không lâu sau thì Duras hay tin Huỳnh Thủy Lê mất. Ký ức ùa về. Người con gái ngày xưa nay là nhà văn kiêm đạo diễn nổi tiếng đã hoàn thành tác phẩm Người tình (L’Amant) ở lâu đài Neauphle (Pháp) trong 3 tháng của năm 1984 và xem đây là nén tâm nhang tiễn biệt người tình.

Tiểu thuyết L’Amant là thiên tình sử lãng mạn của bà và Huỳnh Thủy Lê đã được xuất bản và ngay lập tức nó vang danh, được dịch ra 36 thứ tiếng, là quyển sách bán chạy nhất thời bấy giờ.

Bộ phim cùng tên do chính bà chuyển thể cũng đã gặt hái nhiều thành công. Phim quay ở Việt Nam năm 1986 và hoàn thành năm 1990. Từ năm 1991 bộ phim được công chiếu nhiều nơi và đã làm ngây ngất lòng công chúng.

Ngôi nhà có sân hiên màu lam

Giờ đây, “di sản” của Người tình còn lại là tiểu thuyết và phim Người tình cùng ngôi nhà có những sân hiên màu lam. Ngôi nhà ấy giờ cũng có ít nhiều thay đổi.

Vào năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận, thân sinh của Huỳnh Thủy Lê cho xây dựng ngôi biệt thự trệt với sự kết hợp độc đáo của cả 3 lối kiến trúc, Pháp, Hoa và Việt. Bước qua khoảng sân rộng là cửa trước ngôi nhà với những cột đá hình lăn trụ, đế hình khối, cửa vòm được gắn hoa văn và phù điêu, nét đặc trưng của kiến trúc La Mã phục hưng thế kỷ 17.

Bao lam xung quanh bàn thờ Quan Thánh ngoài chim muông hoa lá còn có tứ linh với lưỡng long chầu nguyệt trên cùng, đôi phụng ở rìa, đôi lân ở gốc dưới…và một tứ linh còn lại là dơi, được khắc bên dưới của khung thờ với ý nghĩa là mang lại phúc lành cho gia chủ.

Một du khách người Pháp cầm quyển tiểu thuyết L’Amant trong khi mắt chăm chú quan sát ngôi nhà mà chủ nhân của nó không ai khác ngoài nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết.

Nữ du khách cho biết, điều cô tiếc nuối là không được nhìn thấy chuyến phà nối hai bờ Sa Đéc- Vĩnh Long trên dòng Tiền giang vào một buổi sớm mai, không được nhìn thấy chiếc limousine bóng lóa cùng cảnh sống nhộn nhịp của cư dân miền thuộc địa.

Đứng giữa không gian ngôi nhà, tận hưởng không khí của mối tình lãng mạn một thời làm lòng tôi nao nao - nữ du khách tâm sự.

Khách quan mà nói, về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc không thể so sánh với một số nhà cổ ở miền Tây. Thế nhưng, chính mối tình đẹp nhiều trắc ẩn của vị chủ nhân ngôi nhà đã mang đến cho nơi này sức sống mà không nơi nào có được.

 Ngôi nhà với lối kiến trúc cổ, đường nét họa tiết sắc sảo đã phần nào nói lên sự giàu sang của gia chủ lúc bấy giờ.
Ngôi nhà với lối kiến trúc cổ, đường nét họa tiết sắc sảo đã phần nào nói lên sự giàu sang của gia chủ lúc bấy giờ.

Qua thời gian, nhiều vật dụng trong ngôi nhà đã thất lạc. Diện tích của ngôi nhà cũng bị thu hẹp. Nhưng những gì còn lại cũng đủ để chứng minh một thời huy hoàng của chủ nhân nơi đây.

Dù có phần trầm mặc, nhưng nét kiêu kỳ diễm lệ của ngôi nhà cùng câu chuyện tình đẹp vượt biên giới vẫn mãi hấp dẫn và là động lực của không ít lữ khách khát khao tìm lại dấu chân người tình.  

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TRƯỜNG SƠN