Chuyện góc phố

Tôn trọng người là tôn trọng mình

Cập nhật, 14:14, Thứ Tư, 08/06/2016 (GMT+7)

“Làm người thì đạo đức là vấn đề vô cùng quan trọng”. Đó là câu mẹ thường dạy tôi.

Ngày còn nhỏ, tôi thường hay theo mẹ đi chợ. Lần nào cũng vậy, hễ gặp người ăn xin thì mẹ lấy tờ 1.000 hay 2.000 đồng gập gọn và đưa tận tay với sự trân trọng. Thấy vậy, tôi hỏi: “Mấy người ăn xin mẹ cho tiền là quý rồi sao mẹ phải tôn trọng họ như vậy?”

Mẹ nói: “Của cho không bằng cách cho con ạ! Người ta đi ăn xin thật đấy nhưng họ vẫn biết tấm lòng của người cho đối với họ”. Một hôm khác, tôi nhìn thấy một người đàn ông bị công an còng tay giải đi. Mọi người nhìn theo một cách khinh bỉ và nói: “Đồ ăn cắp, đáng đời”.

Tôi hỏi: “Tại sao người kia bị công an bắt mà mọi người căm ghét hả mẹ?” Mẹ giải thích: “Ăn cắp là một hành vi xấu nên mọi người vẫn khinh bỉ và phỉ nhổ người ăn cắp. Sống làm người thì sự kính trọng hay khinh bỉ đều từ đạo đức mà ra con ạ!”

Điều khiến tôi tò mò hơn nữa là mẹ đi đâu cũng được rất nhiều người chào hỏi, thậm chí có người còn cho mẹ mớ rau hay nải chuối. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên hỏi: “Mẹ ơi! Sao mẹ quen biết nhiều người đến vậy?”

Mẹ cười hiền từ:

“Sau này lớn lên con phải sống vì mọi người và phải tự tin ở chính mình trước khi tin vào người khác.

Trong những đức tính mà con cần phải có đó là sự giản dị, phải luôn biết hòa mình vào cuộc sống với mọi người. Nếu con sống thành thật, biết giữ chữ tín, nhất định con sẽ được mọi người tâm phục, khẩu phục. Ngược lại, nếu con sống chỉ biết lọc lừa, xảo trá, gian manh thì sẽ bị những người xung quanh tìm cách xa lánh”.

Những lời mẹ nói với tôi ngày nào đến nay tôi vẫn dạy lại con tôi.

VÕ HOÀNG NAM