Truyện ngắn

Chim trời mải miết

Cập nhật, 05:23, Chủ Nhật, 20/03/2016 (GMT+7)

Đêm mùa vụ, trăng mười bốn trải dài trên đồng rồi lấp loáng như đang mạ bạc mặt nước đang lăn tăn trong gió nhẹ. Gò Mù U, nơi dòng kinh ngoằn ngoèo vắt qua vui như chợ tết vùng quê. Nhóm thợ gặt, dân nuôi vịt chạy đồng che lều tạm; cánh thương hồ thì khiêng mui ghe lá lên bờ làm nhà dọc theo bờ kinh;…

Từ tứ phương, họ không hẹn mà gặp nhau vì chén cơm manh áo. Trong đêm, họ ngồi bên chung trà, ly rượu, trò chuyện, đờn ca dưới ánh trăng. Những câu hò, điệu lý ngân nga trên đồng rộng, lan ra sông nước như xua tan mọi ưu phiền, chật vật vì cuộc mưu sinh.

Hai cô gái trẻ từ đầu kinh đi tới, ngang Gò Mù U, thấy bà Tư Ù ngồi uống rượu một mình. Bà vẫy tay, kêu:

- Loan! Thúy! Đi đâu vậy? Ghé đây tao biểu chút xíu coi.

Hai cô gái quẹo vô, ngồi xuống chiếc đệm. Loan nhìn bà Tư, cười chúm chím:

- Dạ, thấy trăng sáng, hai đứa đi lòng vòng chơi. Mà, bà kêu tụi con biểu, có chuyện gì không bà Tư?

Bà Tư cười hề hề, nghe hiền khô:

- Nói chơi với tụi bây chớ có chuyện gì đâu. Năm nay đồng trúng, dân cắt lúa đông quá trời mà tao thì ngồi uống rượu có mình ên, đâm buồn nên rủ hai đứa nhậu lai rai cho có bạn.

Hai cô nhìn nhau, chưng hửng: “Uống rượu?” Bà Tư lại cười, chỉ tay về phía chái bếp, trên cái cà ràng có ấm nước đang kéo ro ro:

- Nói giỡn vậy thôi, tao nhậu, tụi bây pha bình trà nóng rồi ăn cà na ngào đường. Tao mới ngào hồi chiều, ngon lắm. Hồi đó, những đêm trăng sáng như vầy, tao cũng như tụi bây, có ngủ được đâu. Cái thời con gái sao vui mà nhiều kỷ niệm quá chừng.

Pha trà xong, Thúy uống một ngụm rồi quay qua Loan:

- Hồi hôm, tao nằm mơ, vía thấy đang đi đồng, tự dưng gặp một củ khoai lang to thiệt là to.

Loan lấy tay che miệng, cười khúc khích:

- Con gái mà nằm ngủ thấy… khoai? Củ khoai lang bự! Bự… ế cum luôn hả?

Biết nhỏ bạn có đầu óc phong phú đã nghĩ bậy, Thúy nhằn:

- Con nhỏ này, nghĩ gì mà lảng nhách hà! Tao nói thiệt, củ khoai lang nướng thơm ơi là thơm mà… ăn hổng được. Vậy mới tức. Giật mình thức dậy mà miệng còn nghe thèm.

- Vậy à, thôi đền cho mầy trái cà na ngào đường nè. Ăn đi cho đỡ thèm.

Bà Tư im lặng, uống một ly rượu nghe nóng rát cổ họng. Giấc mơ khoai lang nướng của con bé làm bà nhớ lại hồi cái thời nghèo khó, không gạo, phải ăn độn khoai, bắp, thậm chí không có cái để mà ăn. Bà chợt nghe mắt mình cay như khói đốt đồng, cay muốn rớt nước mắt.

Vì nhà nghèo nên mãi đến năm mười hai tuổi bà mới được đi học thầy Mười ở trường làng. Đường đến trường phải băng qua một gian đồng, trèo mấy cây cầu khỉ. Có một lần, bà bị xỉu trong giờ học, anh chị cùng lớp cõng bà vào nhà trong cạo gió. Thầy lật đật xuống bếp pha cho bà ly chanh nóng.

Lát sau tỉnh lại, bà thấy mọi người vây quanh. Thầy Mười lo lắng hỏi: “Con khỏe chưa? Không biết bệnh gì mà cạo hổng thấy gió máy gì hết vậy?” Bà im lặng. Căn bệnh này, cái bụng xẹp lép của bà hiểu hơn ai hết mà mặc cảm không dám nói ra.

Đói! Mấy ngày nay chỉ ăn rau, giờ khỏe lại nhờ ly chanh nóng có đường. Trên đường về, bà thấy người ta nướng khoai ở bờ trâm bầu. Thèm quá, bà đứng trân mà ngó rồi chép miệng, tay rờ xuống cái bụng đang kêu rột rột, xót xa. Thấy vậy, một bà thím tốt bụng cho bà củ khoai lang nướng. Củ khoai thơm, ấm làm bà nhớ mãi đến tận bây giờ.

- Bà Tư, người ta hay nói uống rượu để giải sầu, sao bữa nay con thấy bà buồn quá vậy?

Câu nói của Loan làm bà giật mình, giấc mơ khoai lang nướng chạy vội về quá khứ. Bà tìm cách nói lảng:

- Hai đứa bây, đứa nào cũng giống tao, y chang tao hồi đó, đẹp gái nhưng… đi đồng hổng khăn, nón coi chừng nắng táp da mặt thì khổ đời, nghen con!

Nghe bà Tư nói, Thúy nhìn Loan, như đọc được ý nghĩ từ mắt nhau: Í trời! Hổng biết hồi trẻ thì sao chớ bây giờ mà giống… bà Tư Ù, mập nhất xóm, uống rượu, hút thuốc đến vàng đầu ngón tay chắc có nước chạy trốn. Tự tin thấy ớn!

*

* *

Gánh hát về đình. Bà Tư lại ngồi một mình dưới ánh trăng, bên chai rượu, nghe tiếng đờn, câu hát lay lắt bay qua đồng mà buồn cho thân phận rồi lại nhớ đến người năm xưa mà nước mắt chực trào. Hồi đó, anh là tay ghi ta có tiếng ở kinh Tám Ngàn, bà thì giọng hát ngọt ngào xứ Cả Đỉa.

Họ quen nhau qua câu hát giao duyên, gợi tình. Hai người từng mơ ước được sống chung một mái nhà, có những đứa con, dạy nó đờn, tập nó ca, dạy nó hiểu ý nghĩa của hạt gạo trắng bên những giọt mồ hôi nóng hổi.

Chiều chiều, khi chồng đi ruộng về, bên nồi cơm gạo mới là tô canh rau vườn và ơ cá bống kho khô. Tối, cả nhà quây quần bên bình trà nóng, dưới ánh trăng, cùng nhau hát vài câu vọng cổ hay ca bài Nam, bài Bắc,… Hạnh phúc chỉ có vậy! Nhưng cũng giống giấc mơ khoai lang nướng của Thúy, gần đó mà với tay hoài không tới, ông trời bắt họ phải chia xa, đêm ngày nhớ nhau vò võ như Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.

Đang có tâm sự, bà vô luôn câu giọng cổ: “Võ lang ơi đôi ngã sâm thương uyên ương rã cánh, thiếp đành cam gãy gánh chung… tình. Gió kép mưa đơn thiếp thui thủi một mình”.

- Bà Tư ca hay ghê ha! Bữa nay có gì vui mà vô vọng cổ nghe ngọt xớt vậy?

Đang nhập tâm, bị Thúy phá đám làm bà mất hứng, ngưng ngang.

- Trời đất! Con nhỏ này, lù lù xuất hiện y như bóng ma hà! Tao vui? Vui cái con khỉ mốc! Bạch Thu Hà đang nhớ đứt ruột chàng Võ Đông Sơ mà nói là vui! Mà, bây ghé hồi nào sao tao hổng hay biết gì hết trọi?

- Con ghé từ hồi “Võ lang ơi…” nghe mùi, y chang “Nữ hoàng Sầu muộn”- Út Bạch Lan hà. Bà ca tiếp đi, con mê bài đó lắm. Mà… bộ bà khóc hả?

Bà Tư kéo khăn, quệt mấy giọt nước đang chảy dài xuống gò má tèm nhẹp: “Đâu có, khói đốt đồng làm cay mắt quá! ” Rót thêm ly rượu, bà uống cạn, tiện tay quấn thêm điếu thuốc. Bà Tư rất ưa hút thuốc rê chảng quấn bằng lá sen khô. Thói quen này, ngày trước bà được một bà thím người Huế bày cho, không hiểu sao lại đâm ghiền cho tới bây giờ.

Bởi vậy, nhiều người khi mới gặp bà lần đầu hay trố mắt, hỏi: “Tại sao đàn bà lại không ăn trầu theo nề, theo nếp mà hút thuốc, uống rượu nhiều quá vậy?” Bà cười: “Đàn bà khổ lắm! Mấy chục năm nay tui tình nguyện làm đàn ông luôn rồi, cha nội!” Bà nói tỉnh queo nhưng nghe chát ngắt như cắn nhằm trái bần sống trên cây.

- Thúy nè, bữa nay sao hổng đi coi gánh hát? Dân cắt lúa kéo nhau đi quá chừng luôn.

- Dạ, má chỉ cho đi coi có một bữa nên phải lựa tuồng thiệt hay.

Bà Tư gật đầu:

- Ừ, phải rồi, nhưng bữa nay nghe nói hát tuồng “Tô Ánh Nguyệt” hay lắm. Hồi mới coi Lệ Thủy hát tuồng đó lần đầu, tao khóc quá chừng. Sau coi lại lần hai, lần ba mà vẫn khóc: con Nguyệt nó khổ!

Nghe nhắc Nguyệt, bỗng dưng Thúy ôm riết lấy bà Tư, nghẹn ngào: “Nói khổ, đâu chỉ có Tô Ánh Nguyệt!” Thúy khóc, nước mắt ràn rụa bờ vai của bà Tư. Biết con nhỏ đang có nỗi lòng, bà dỗ dành:

- Thôi, nín đi con! Có chuyện gì từ từ nói cho bà biết.

Thúy lấy mùi soa lau nước mắt:

- Con thương một người. Hai đứa thương nhau thiệt tình mà… mà má con hổng chịu.

Lại một chuyện tình, giống như cái đèn đang chao ngọn, gió nhiều nó tắt. Sóng gió này bà đã từng trải nên biết rõ giờ lòng Thúy đang đau, đang cần những lời an ủi, sẻ chia.

Cũng như hoàn cảnh của bà, nhà đã nghèo, năm ấy gia đình lại liên tiếp thua lỗ mấy mùa vịt. Cùng đường, ba má đành hứa gả bà cho con một gia đình khá giả trên tỉnh, lấy tiền trang trải nợ nần.

Trưa hôm ấy, mới đi ruộng về, nghe má thuật lại chuyện bà mai ở xóm trên làm bà chết điếng trong lòng. Bà khóc mấy ngày liền. Má bà khuyên: “Ba má biết con đã có tình cảm với một người, nhà nó cũng nghèo, giống như mình. Nghèo với nghèo dễ thông cảm nhau.

Nhưng… bây giờ gia đình mình đang gặp khó, ba mầy thì bị cái bệnh lên máu, má sợ ổng chịu không nổi. Với lại ba má gả con về chỗ này, muốn con đặng nơi khá giả mà nhờ tấm thân. Đời ba má không ruộng đất, ôm riết mấy con vịt khổ lắm rồi...”. Thấy bà im lặng mà vẫn còn sụt sịt khóc hoài, má bà tiếp: “Ngày má ưng ba con cũng có tình cảm gì đâu, cũng nhờ mai mối, ráng mà thương, vun đắp từ từ rồi thì cũng con đàn cháu đống”. Câu nói nghe dễ ụi nhưng bà biết không phải dễ làm một chút nào.

Thế nên ngày phụ tình riêng, từ Long Mỹ khăn gói theo chồng về miệt vườn Long Hồ, bà nghe lòng mình đau như có vết dao ai khứa.

Nhìn Thúy cứ sụt sịt hoài bên chiếc mùi soa, bà Tư chợt nghe lòng mình đau. Con nhỏ giống bà, cũng khóc, khóc y chang bà hồi đó.

- Thằng đó ở đâu? Là người đàng hoàng không mà má mầy hổng chịu? Nhà có hai mẹ con, má thương mầy lắm mà.

- Dạ, ảnh tên Quân, là dân cắt lúa mướn. Má con chê ảnh… nghèo lại mồ côi. Má nói đã lựa chỗ cho con rồi, người ta khá giả, học thức lại đàng hoàng lắm.

Bà Tư chắc lưỡi, ngó xa xăm:

- Thiệt khổ! Nghèo đâu phải cái tội, còn mồ côi suy cho cùng lại càng đáng thương hơn. Thằng Quân, tao biết rồi, cái thằng tuy đen đúa nhưng giỏi và hiền như cục đất. Hèn gì, mới tối hôm qua nó có ghé đây chơi mà… mặt mày buồn hiu hà. Tao rủ nhâm nhi, nó lắc đầu nói hổng biết uống rượu. Ép hoài, ép mãi, nó vị tình uống một ly rồi tự dưng ngồi khóc ngon lành, khóc y như mưa dầm tháng sáu. Tao hỏi cớ sự mà nó cứ lặng thinh hoài. Có ai dè nó buồn tình mà khóc.

*

* *

Trưa, để trốn nắng, cánh thợ gặt, dân nuôi vịt tụ nhau về Gò Mù U, bày cơm ra ăn. Vợ chồng chú Tám bên nồi cơm nhão, đầy lọ nghẹ, dĩa thức ăn duy nhất là dưa mắm với mấy cọng rau răm, rau thơm mà miệng vẫn cười, kể các con nghe chuyện của hồi xưa, khi còn trẻ, mới mười lăm, mười bảy.

Thằng Khỏe chăn vịt thì ngồi dựa gốc mù u, bới đầy tô cơm nguội, chan nước đá lạnh ăn với mấy con khô cá chạch,… Dưới kinh, ghe thương lái hột vịt, ghe hàng xáo mua lúa, ghe hàng tấp nập. Bỗng có tiếng ai hò: “Ghe anh bóng loáng, mỏng ván nhẹ chèo. Xin anh ngớt máy… hò ơ… xin anh ngớt máy, thả lèo đợi… em”. Có lẽ chính hình ảnh thân thương bên câu hò điệu hát ấy đã khiến những con người lam lũ gần gũi và hiểu nhau hơn, từ xa lạ dần trở nên thân thuộc.

Thế nên có những người dù gia đình không đến đỗi túng thiếu, nhưng hễ tới mùa lúa chín là cứ nghe nôn nao trong bụng, tất bật xuống xuồng, ghe rong ruổi về đồng để gặp gỡ, thăm nom nhau. Cắt lúa mướn đôi khi lại là cái cớ để ngao du, để thăm người cũ, chốn xưa, để trải lòng với sông, với đồng.

Bà Tư treo võng nhìn về phía trời xa, nơi đất và trời giao nhau ở cuối cánh đồng, nơi những con gió mồ côi lệt phệt như người đang say rượu rồi chợt tỉnh giấc đuổi nhau chạy xổm trên đồng. Thông thường là bà đã cười vì gương mặt tèm lem của tụi nhỏ đi móc hang cua, bắt chuột đồng, chim lủi hay bông đùa với một người nào đó dù chưa quen biết.

Nhưng hôm nay, trong số biết bao người, biết bao sinh hoạt đời thường đang diễn ra mà bà lại nghe lòng trống không, như đang chơi vơi giữa một khoảng đất trống, rộng mênh mông. Và trên cánh đồng xa ngút ngàn ấy, chợt bà nghe lòng mình nhói đau khi nhận ra thằng Quân trong chiếc áo bạc màu đang đứng im, lẻ bạn bên bờ mẫu không người cạnh cây me cụt ngọn.

*

* *

Bà Tư nheo mắt đăm đắm dõi qua sông nhìn hoàng hôn đang rơi nhẹ, trôi những giọt mỏng tang chảy tràn trong mắt và vết thương lòng dường như có ai đó đã vô tình rắc vào tí muối khiến bà nghe rát tận xương. Hồi kháng chiến, cũng tại Gò Mù U và bến đò Mù U này, bà tiễn chàng trai quê qua sông, vào chiến khu.

Hai người hẹn nhau ngày hòa bình gặp lại. Nhưng… bao năm rồi bao tháng, hòa bình đã mấy mươi năm, chiếc khăn rằn kỷ vật của ngày xưa đã phai màu, cô Bé Tư giờ đã là bà Tư tóc pha nhiều sợi trắng mà chàng trai năm cũ vẫn như cánh chim trời mải miết. Bến đò là minh chứng cho một mối tình buồn, buồn hơn cả tiếng của ai đó ru con nghe não nuột: “Ầu ơ, chiều chiều bìm bịp giao canh. Chuông chùa đã đổ, chứ chuông chùa đã đổ… sao anh chưa về”.

Bà cất bước vu quy xuống ghe về nhà chồng vào mùa gió bấc se se lạnh, bông so đũa nở trắng cả bờ kinh. Lúc ấy, chàng trai ở chiến khu chắc không nghe được điệu “Lý con sáo sang sông”, chỉ có mình bà, làm lễ tơ hồng với chồng mà lòng đang tưởng nhớ đến một người, cách xa thăm thẳm.

Nhưng trong đêm tân hôn ấy, bà đã lén bỏ trốn vì biết rằng lòng không thể nào quên được người cũ, tình xưa bên bến đò Mù U. Mấy tháng sau, vào một buổi trưa đứng gió, bà âm thầm trở về nhà phủ phục trước bàn thờ cầu xin được tha thứ cho cái tội bất hiếu.

“Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”, ba má không trách, nhưng lòng bà nghe đau nhói vì chợt nhận ra những nếp nhăn sâu hoắm trên gương mặt cằn cỗi, già nua của đấng sinh thành. Má bà ôm đứa con gái đáng thương vào lòng bằng đôi tay gầy guộc và mặc cho những giọt nước cứ rịn ra từ hai hố mắt trũng sâu.

Chàng trai năm cũ không tin tức, ba má vì già cũng lần lượt qua đời. Những đêm trăng cô độc, bà nghe nỗi nhớ người thân dậy ngập trong lòng nên bắt chước dân thương hồ uống rượu, có lẽ men rượu sẽ giúp bà quên đi mọi ưu phiền.

“Mấy chục năm nay, tui tình nguyện làm đàn ông luôn rồi!”- bà thường nói cái câu tỉnh bơ như vậy nhưng có mấy ai hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ đang ngày đêm thắt thẻo ngóng trông một hình bóng trong vô vọng. Bà tình nguyện làm đàn ông, nhưng… đàn ông lại cũng thấy buồn, thấy nhớ, thấy nao nao trong bụng mỗi khi gió bấc về mang theo cái lạnh của kẻ phòng không. Cũng như chiều nay, nhìn thằng Quân, nghĩ tới con Thúy mà bà thấy thương, thấy lòng mình chợt gợn nỗi đau.

Chúng có tội tình gì? Nghèo và giàu! Bà chưa từng làm mẹ nên nghĩ hoài cũng không hiểu nổi cách thương con của một số bà mẹ, sắp đặt hết mọi thứ cho con. Người đàn bà từng trải nhưng chữ nghĩa chỉ nhá nhem ở trường làng mà thiên hạ hay nói đùa là chưa đầy lá mít, bà nghĩ sao nó giống như con cò trắng bên kia bờ kinh, rình mò từng con cá, có khi bay về tổ hàng mấy cây số cho lũ con được no bụng. Nhưng cò mẹ lắm khi đâu hiểu được trong số những đứa con ấy, có đứa đâu chỉ cần no mà cần vỗ cánh để có khoảng trời riêng.

*

* *

Chiều nay, có con chim đang thảng thốt kêu lẻ bạn trên cành mù u. Xong mùa, bến sông vắng khách, tiếng hát của cô lái đò bên chiếc ghe cũ sờn be đang dìu dặt gợi nỗi hoài cảm, xa vắng, nhớ thương. Có người đàn bà đang mơ màng nghe mùi khoai lang nướng trên đồng và đâu đấy như có tiếng đờn ghi ta của chàng trai kinh Tám Ngàn đang hòa cùng giọng hát ngọt ngào xứ Cả Đỉa làm lòng bà rúm ró nỗi cô đơn. Người xưa, cảnh cũ đang tràn về trong mắt.

Nguyễn Linh (TX Bình Minh)